Các nước phương Tây đang hiểu không đúng về ông Putin, và do đó họ có nguy cơ làm sâu sắc thêm mối xung đột hiện tại với Nga. “Ông Putin chắc chắn sẽ nói rằng, ông đang ở trong tình trạng chiến tranh không vũ trang với phương Tây. Ông tin rằng phương Tây đang cố gắng làm suy yếu nước Nga thông qua ảnh hưởng thông tin” - ông Oscar Jonsson, chuyên gia về Nga, nói trong cuộc phỏng vấn với Expressen.
Theo ý kiến của ông, trong những năm gần đây, ranh giới giữa chiến tranh và hòa bình phần nào bị xóa nhòa. Các cuộc tấn công mạng không nên được tiến hành một cách đơn giản như thế, bởi để làm được điều này trong thời bình vẫn cần phải cố gắng để xâm nhập vào các hệ thống mà bạn dự định tấn công. Điều đó cũng đúng đối với ảnh hưởng thông tin. Ví dụ, để can thiệp vào cuộc đua bầu cử ở Mỹ, bạn cần phải tạo những tài khoản giả và phát triển phiên bản sự kiện của mình trong một thời gian dài.
Phương Tây đang không hiểu Putin? (Ảnh: Reuters)
Đối với Nga, mặc dù vào đầu những năm 2000, Nga và EU đã xích lại gần với nhau hơn, nhưng rồi cuối cùng, ông Putin quyết định rằng, vì một loạt nguyên nhân nên việc đối đầu vẫn là sự lựa chọn tốt nhất. Theo chuyên gia này, khi nhà lãnh đạo Nga lên nắm quyền, nước Nga là một quốc gia khá nghèo, ở đó có những người thực sự hy vọng hợp tác với phương Tây.
Tuy nhiên, sau đó, tại các quốc gia láng giềng của Nga – Gruzia, Ukraine và Kyrgyzstan, các cuộc “cách mạng màu” diễn ra, và kết quả của nó khiến các chính phủ bị lật đổ. Tiếp đến, các quốc gia này đã phát động một chiến dịch hội nhập với phương Tây quy mô lớn.
“Ở mức độ nào đó, các ý kiến cho rằng nền dân chủ tự do đã được phân phối với sự hỗ trợ của phương Tây là một sai lầm. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, Nhà Trắng có liệt kê 'các cuộc cách mạng màu' vào danh sách những thành công của phương Tây – điều đó là không đúng: đó là những cuộc cách mạng tự phát không nhận được sự hỗ trợ chính trị từ phương Tây. Tuy nhiên, khi đó, người Nga lại bị thuyết phục rằng, phương Tây đang có âm mưu nào đó với họ” - ông Jonsson nói.
Ngoài ra - theo chuyên gia - phần lớn trong số những lĩnh vực mà người Nga đạt được thành công đáng kể, phương Tây lại cũng coi đó là mối đe dọa. Khi Nga sáp nhập Crưm, các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Matxcơva, khiến cho giới lãnh đạo Nga nhìn nhận bước đi này là một hành động chiến tranh. Vấn đề của phương Tây là họ không tìm ra được cách hiệu quả để gửi tín hiệu đến Nga, buộc Nga "trả lại Crưm", mà không làm trầm trọng thêm tình hình. Do đó, các nước phương Tây quyết định tập trung vào các biện pháp trừng phạt kinh tế.
“Vào năm 2014, khi mà người Nga nhận thấy giá dầu đang sụp đổ và muốn OPEC giảm sản lượng sản xuất để nâng lại mức giá, Ả-rập Xê-út từ chối. Khi đó, ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn rằng, nước Mỹ với sự trợ giúp của Ả-rập Xê-út đang cố gắng làm suy yếu nền kinh tế Nga, để gây ra sự hỗn loạn ở Nga” - chuyên gia nhớ lại.
Nhìn vào những gì đã xảy ra, ông Jonsson kết luận rằng, sự không hiểu nhau giữa các bên đang khiến xung đột trở nên ngày càng trầm trọng hơn.