Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích, việc chủ tịch của một tập đoàn bị bắt thực tế không gây sốc cho thị trường, bởi lẽ việc nhiều lãnh đạo tập đoàn dính vào vòng lao lý không còn là chuyện mới, lạ ở Việt Nam. Trước đây, cũng có nhiều vị lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn bị bắt và thực tế doanh nghiệp đó vẫn hoạt động bình thường, thậm chí tốt hơn trước, các cam kết với khách hàng vẫn thực hiện đầy đủ.
Thị trường bất động sản ít bị ảnh hưởng trước thông tin lãnh đạo các doanh nghiệp vướng vòng lao lý. (Ảnh minh hoạ).
“Ai làm sai thì người đó phải chịu, thị trường có thể xao động nhẹ nhưng sẽ ổn định nhanh chóng. Vấn đề quan trọng nhất là việc kinh doanh phải thượng tôn pháp luật. Đối với khách hàng, nhà đầu tư có thể không tránh khỏi tâm lý lo lắng nhưng sẽ qua nhanh thôi vì doanh nghiệp vẫn sẽ đảm bảo quyền lợi cho khách hàng”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản (giấu tên) cũng chia sẻ, trong một doanh nghiệp, người đứng đầu cũng chỉ là một cá nhân có phần vốn đầu tư lớn nhất. Ngoài ra vẫn còn các cổ đông khác, có quyền quyết định theo tỷ trọng vốn cổ phần nắm giữ.
Vì vậy, quản lý của doanh nghiệp nếu có bị vướng lao lý thì vẫn còn các cổ đông khác tiếp tục điều hành và phát triển theo khả năng, thực lực của doanh nghiệp.
Còn theo GS. Đặng Hùng Võ, thị trường có thể rung lắc nhất định. Nhà đầu tư, doanh nghiệp có thể sẽ đắn đo trong việc đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường chắc chắn sẽ tốt hơn.
“Người ta sẽ đắn đo hơn trong việc mưu tìm lợi nhuận đàng hoàng chứ không cố tình tìm cách lách luật hoặc ngang nhiên "bẻ chữ" trong luật để tư lợi. Nền kinh tế muốn phát triển bền vững, rất cần những nhà đầu tư nghiêm túc, không phải những người lợi dụng kẽ hở pháp luật, dùng thủ thuật này hay thủ thuật khác để trục lợi. Cần loại ra khỏi thị trường những cá nhân dùng mọi thủ đoạn để làm giàu, vì họ không nghĩ đến lợi ích chung của đất nước mà chỉ muốn thu lợi cá nhân”, GS. Đặng Hùng Võ thẳng thắn nói.
Cũng theo ông Võ, thị trường thời gian qua đã bị một số cá nhân lũng đoạn, gây nhiễu loạn. Ví dụ như sau phiên trúng đấu giá đất cao kỷ lục tại Thủ Thiêm, giá đất tại nhiều khu vực lân cận Thủ Thiêm nói riêng và TP.HCM đã bị đẩy lên một mặt bằng giá mới. Nhưng khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, giá đất ngay lập tức đã sụt giảm.
“Việc bị đẩy giá, sốt giá quá cao một phần là do những hành vi gây nhiễu thị trường. Việc bình ổn lại thị trường do đó là nhu cầu tất yếu. Nếu không xử lý mạnh tay thì sẽ tiếp tục là những hệ lụy về lạm phát, khủng hoảng tiền tệ, tài chính hay mức nặng nhất là khủng hoảng kinh tế”, ông Võ nói.
Theo chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản cũng như các lĩnh vực khác, cần một đội ngũ doanh nhân vì lợi ích quốc gia trước khi tính đến lợi ích riêng mình. Các vụ việc xử lý vài "đại gia" bất động sản gần đây sẽ là bài học lớn đối với các doanh nhân khác.