Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia tâm lý: Giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều người trầm cảm, đau khổ

(VTC News) -

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, giãn cách xã hội kéo dài, nhiều người có thể rơi vào trạng thái đau khổ về tinh thần, lo âu hoặc trầm cảm.

VTC News đã có cuộc phỏng vấn với PGS.TS Trần Thành Nam, Chuyên gia Tâm lý học, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội về những tác động của việc ở nhà quá lâu do giãn cách xã hội.

PGS.TS Trần Thành Nam.

- Theo ông, giãn cách xã hội kéo dài có tác động thế nào đến sức khỏe, tinh thần, tâm lý con người?

Đại dịch kéo dài đã khiến nhiều người đuối sức. Nỗi lo lắng và cảm giác bất lực ngày càng lớn cùng với áp lực cơm áo gạo tiền, áp lực công việc thời giãn cách, áp lực chăm sóc con cái, bối cảnh sự bất định về tương lai ngày càng lớn, mất kết nối thực người với người, mất cảm giác về thời gian trôi đi, lo lắng về những mầm bệnh biến thể đang có trong cộng đồng.

 

Nhiều người có thể rơi vào trạng thái đau khổ về tinh thần, lo âu hoặc trầm cảm khi giãn cách xã hội kéo dài.

PGS.TS Trần Thành Nam

Ngoài ra sự sợ hãi về thiếu hụt các nhu cầu cơ bản như lương thực đã bào mòn sức chịu đựng khiến chúng ta rơi vào tình trạng mất kiểm soát cảm xúc và mất kiểm soát hành vi, nên lơ là các trách nhiệm gia đình hay nhiệm vụ công việc, có thể rơi vào mặc cảm tội lỗi xấu hổ khi đã không hoàn thành những việc phải làm...

Nhiều người có thể rơi vào trạng thái đau khổ về tinh thần, lo âu hoặc trầm cảm như: lo lắng cả ngày, cảm thấy không ai hiểu mình, không thể ngủ vì quá lo lắng, không muốn chia sẻ với thành viên gia đình nữa, không biết nên cư xử thế nào khi ở nhà, cảm thấy bức bối và dễ cáu, không liên lạc với bạn bè…

- Những yếu tố quan trọng nào của dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài tác động đến sức khỏe, tâm lý?

Có nhiều yếu tố của đại dịch làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt trên các nhóm nguy cơ, nhóm yếu thế...

Ví dụ, tại điểm nóng dịch bệnh như TP.HCM, việc liên tục cập nhật về số lượng các ca mắc mới tăng lên, nhận được tin bản thân mình, người thân trong gia đình hoặc người quen biết của mình mắc COVID-19 cũng là một loại sang chấn tâm lý nặng nề có thể dẫn đến hoảng loạn.

Ở một số người, nó còn có thể dẫn đến một số phản ứng tâm lý có biểu hiện thể giống như triệu chứng của nhiễm COVID-19, khiến họ trở nên khủng hoảng hơn dẫn đến những hành vi bùng nổ, thiếu kiểm soát. Vì vậy việc tư vấn hỗ trợ tâm lý khẩn cấp và hỗ trợ sức khỏe tâm thần hết sức quan trọng để trấn tĩnh người dân, làm dịu lại cảm xúc và đảm bảo cho họ an toàn, không có hành vi gây hại cho bản thân hoặc cộng đồng.

Đại dịch COVID-19 gây ra những căng thẳng đặc biệt đối với nhân viên y tế, như lo lắng về việc tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm, sợ bị phân biệt đối xử bởi công chúng và rất lo lắng đến sự an toàn của các thành viên trong gia đình cũng như bạn cùng phòng.

- Những biểu hiện, trạng thái của sức khỏe tâm thần bị tác động bởi dịch COVID-19, giãn cách xã hội kéo dài thế nào, thưa ông? 

Một số phản ứng tâm lý có biểu hiện giống như triệu chứng của nhiễm COVID-19, từ đó làm cho họ cảm thấy hoang mang hơn. Ví dụ như các triệu chứng thở nông, khó thở, đau ngực, mệt mỏi, ớn lạnh... Do đó việc hiểu, tự đánh giá và biết cách hạn chế tác động tâm lý khi bị cách ly và khi được chẩn đoán nhiễm COVID-19 rất quan trọng.

Công việc này không chỉ phụ thuộc vào bản thân người dân mà còn chịu tác động nhiều bởi người thông báo, gia đình và hệ thống xã hội.

Khi giãn cách kéo dài, người ta rất lo lắng về công việc, thu nhập. Cùng với thời gian chờ đợi, cảm giác lo lắng sẽ xuất hiện nhiều hơn. Bắt đầu có nhiều người có vấn đề với giấc ngủ, không thể đi vào giấc ngủ và có thể có ác mộng.

Khi giãn cách quá lâu, một số người bắt đầu có những hành vi quá khích khi chưa được đáp ứng nhu cầu cá nhân, có sự rối loạn nhận thức: thời gian, công việc.

Trong lúc này, sự hỗ trợ của gia đình là chỗ dựa tinh thần tốt nhất. Các thành viên gia đình nên chủ động kết nối qua điện thoại bằng video để chia sẻ cảm xúc với nhau, với người nhiễm. Dành thời gian ở bên nhau để làm dịu lại và chủ động cung cấp các tin tức tốt, hạn chế những tin tức gây ức chế tâm lý.

 

- Liệu có phải dịch COVID-19 làm giãn cách xã hội kéo dài, thúc đẩy bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn, trầm trọng hơn?

Nhiều bằng chứng nghiên cứu đã cho thấy đại dịch COVID-19 kéo dài đã làm tăng lo âu trầm cảm, hành vi sử dụng chất gây nghiện, cảm giác tuyệt vọng, những hành vi tự gây hại.

Với những người nhiễm COVID-19, tâm lý của họ có thể trải qua 5 giai đoạn từ việc chối bỏ (tin rằng chẳng có chuyện gì xấu xảy ra cả và bệnh sẽ tự biến mất một cách thần kỳ) đến tức giận (cảm thấy tại sao cuộc đời lại bất công với mình và bắt đầu tấn công những người khác kể cả bác sĩ và y tá).

Sau đó đến giai đoạn thương lượng (cầu kinh niệm Phật, đồng ý sẽ thay đổi, sẽ sống tốt để tai qua nạn khỏi) nhưng nếu không được sẽ đến giai đoạn trầm cảm (với cảm xúc đau buồn, thu mình lại, có thể nghĩ đến cái chết) và cuối cùng là chấp nhận (bình tĩnh lại, quay vào nội tâm bên trong để chuẩn bị cho sự ra đi sau cùng).

Và cách giải quyết cho vấn đề này là phải truyền thông xã hội để nâng cao sức khỏe tâm thần và giảm bớt sự đau khổ, những niềm tin sai lầm. 

- Nhóm người nào dễ bị tác động nhất khi giãn cách xã hội kéo dài, thưa ông?

Nhóm có nguy cơ cao thường là nhóm trẻ em và nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương sức khỏe tâm thần.

Ví dụ với nhiều trẻ có thể trở nên quá sợ hãi và lo lắng khi đối mặt với những thông tin hoặc tình huống nghiêm trọng, từ đó gây nguy hiểm sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. Cố gắng trò chuyện một cách bình tĩnh và giải thích sự việc một cách rõ ràng với ngôn ngữ dễ hiểu. Cũng cần hiểu rằng thái độ và cảm xúc của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến con cái của họ.

Cha mẹ hãy để tâm nhận biết những thay đổi nhỏ ở trẻ em thể hiện sự lo lắng và đau khổ về tinh thần. Cha mẹ nên hạn chế cho con nghe tin hoặc xem thông tin về COVID-19. Cha mẹ hãy khuyến khích trẻ chú ý đến những sự kiện tích cực dù là nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày của trẻ, chẳng hạn như có một bữa ăn ngon hoặc mặc quần áo yêu thích của trẻ…. Ngoài ra, trẻ có thể phát triển những thành kiến đối với những người đến từ khu vực bị phong tỏa và người dương tính. Hãy nói cho trẻ biết rằng mọi người nhiễm COVID-19 không phải là người xấu và bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm.

Còn đối với người cao tuổi là đối tượng rất dễ mắc bệnh và bệnh diễn biến nặng khi có dịch COVID-19 xảy ra. Kể từ khi có dịch tất cả những hoạt động ưa thích rèn sức khỏe của người cao tuổi như đi bộ, tập dưỡng sinh ở công viên, khuôn viên ngoài trời là không an toàn dẫn đến ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài nên càng dễ cảm thấy cô đơn đặc biệt với những người sống một mình. Sự cô đơn có thể khiến người cao tuổi suy sụp về thể chất và tinh thần.

Chất lượng cuộc sống của người cao tuổi phụ thuộc rất nhiều vào sự quan tâm của những người xung quanh, đặc biệt là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 kéo dài. Những người thân trong gia đình và cộng đồng cần thể hiện sự quan tâm qua những hoạt động chăm sóc cụ thể, phù hợp. 

- Vậy có những phương pháp nào để vượt qua tác động bởi giãn cách xã hội kéo dài đến sức khỏe tâm thần, thưa ông?

Cách thức để vượt qua những căng thẳng lo lắng này là chăm sóc 4 trụ cột của bản thân. 

Thứ nhất là trụ cột thể chất, duy trì một lịch tập luyện đều đặn, ăn uống khoa học đủ dinh dưỡng, vệ sinh giấc ngủ.

Thứ hai là trụ cột cảm xúc, hãy làm những thứ mình cảm thấy tận hưởng, thực hành một thói quen thư giãn phù hợp, dành thời gian cho lo lắng, tự khích lệ bản thân, rèn luyện sự biết ơn hoặc hành động để trao đi yêu thương.

Thứ ba là trụ cột xã hội, tích cực tăng cường kết nối và phát triển các mối quan hệ mới, củng cố những mối quan hệ hiện tại và giành lại những mối quan hệ đã mất.

Cuối cùng là trụ cột nhận thức, phân biệt tin giả, loại bỏ suy nghĩ lo lắng vô ích để tập trung vào những việc có thể kiểm soát được, loại bỏ tính cầu toàn.

- Xin cảm ơn ông!

MAI CÁT (thực hiện)

Tin mới