Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia phản đối việc tư vấn Singapore đề xuất không làm cảng Liên Chiểu

Các chuyên gia không đồng tình với nhà tư vấn Surbana Jurong về việc đề nghị Đà Nẵng ngừng triển khai cảng Liên Chiểu, chỉ tập trung mở rộng cảng Tiên Sa.

Surbana Jurong đề nghị không xây cảng Liên Chiểu

Chiều 7/11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Phương án quy hoạch cảng biển trên địa bàn thành phố. Tại hội thảo, nhà tư vấn Surbana Jurong (Singapore) đề nghị Đà Nẵng không xây dựng cảng Liên Chiểu mà tập trung mở rộng cảng Tiên Sa.  

Theo đại điện Surbana Jurong, nếu mở rộng cảng Liên Chiểu sẽ tác động đến tài nguyên sinh vật vùng vịnh Đà Nẵng, gia tăng ô nhiễm, tác động đến hoạt động du lịch và đời sống của người dân vùng dự án.

Đại diện nhà tư vấn Surbana Jurong trình bày tại hội thảo.

Cụ thể, việc đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu sẽ phải thực hiện hàng loạt các hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, xây dựng đê chắn sóng... nên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống của các loại động vật thủy sinh, nguy cơ làm suy giảm đa dạng sinh học, mất nguồn lợi khai thác, nuôi trồng thủy hải sản.

Trong quá trình hoạt động nếu xảy ra sự cố tràn dầu, phát tán chất thải vào nguồn nước sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm vùng vịnh Đà Nẵng, ngược lên phía thương nguồn sông Cu Đê, khu vực Hòa Bắc, Hòa Ninh.

Khu vực phía Nam chân đèo Hải Vân với nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng như Làng Vân, Bãi rạn Nam Ô, bãi biển Xuân Thiều... là nơi thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Việc hình thành cảng Liêu Chiểu sẽ kéo theo lượng lớn tàu thuyền ra vào khu vực, các phương tiện vận chuyển hàng hóa đến và đi, các khu hậu cần phục vụ cảng...

Theo tư vấn Surbana Jurong, những điều này có thể gây ra tác động xấu đến hoạt động du lịch tại khu vực.

Cũng theo nhà tư vấn, việc hình thành cảng nước sâu sẽ bắt buộc phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá, bến bãi phục vụ hoạt động của cảng.

Công tác giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng sẽ tác động đến đời sống của người dân nằm trong phạm vi giải tỏa.

Hoạt động của các phương tiện có tải trọng lớn vận chuyển hàng hóa đến cảng và ngược lại cùng với việc tập trung một số lượng lớn người đến làm việc sẽ gia tăng nguy cơ mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt của người dân.

 Tư vấn Singapore đề nghị Đà Nẵng mở rộng cảng Tiên Sa.

Vì vậy, tư vấn Singapore đề nghị không nên xây dựng cảng Liên Chiểu mà tập trung mở rộng cảng Tiên Sa với 14 bến cảng, chiều dài bờ cảng là 5,8km.

Cụ thể, Đà Nẵng tăng cường khả năng kết nối từ cảng Tiên Sa đến các tuyến đường vận tải liên tỉnh, liên khu vực phía Tây thành phố.

Hạn chế giao thông vận tải hàng hóa trong thành phố. Hoàn thiện mạng lưới giao thông tăng tính liên kết, thuận lợi để giảm tải cho các trục xuyên tâm đang quá tải.

Chúng tôi xem xét cảng Tiên Sa hiện tại là lý tưởng mà tự nhiên ban tặng cho Đà Nẵng. Cảng Tiên Sa có tiềm năng mở rộng rất lớn và sẽ được kết nối với bên ngoài qua đường trên cao”, đại diện nhà tư vấn trình bày.

Chuyên gia phản biện, đề nghị khẩn trương xây cảng Liên Chiểu

Phản biện ý tưởng của Surbana Jurong, các chuyên gia cho rằng nhà tư vấn chưa đưa ra được những luận cứ khoa học cho ý tưởng không xây dựng cảng Liên Chiểu.

Đại diện Công ty tư vấn xây dựng cảng đường thủy nêu quan điểm, sớm hay muộn thì cũng phải có cảng Liên Chiểu vì cảng Tiên Sa không thể đáp ứng nhu cầu phát triển của Đà Nẵng.

Vị trí cảng Tiên Sa có nhược điểm lớn là mùa mưa thì sa bồi rất lớn, bùn loãng nên nếu nâng cấp thì đây là yếu tố kỹ thuật cần phải tính đến vì không thể hằng năm cứ phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để nạo vét.

Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cảng Đà Nẵng cho rằng, nhà tư vấn đưa ra quy hoạch nhưng chưa đầy đủ. Cảng Tiên Sa gần như hết vòng đời sử dụng, đã thực hiện xong sứ mệnh lịch sử của mình rồi, Đà Nẵng rất cần phải làm cảng Liên Chiểu, không Nhà nước thì tư nhân làm.

Theo tôi, Đà Nẵng nên xây dựng cảng Liên Chiểu ngay từ bây giờ để đến năm 2025 có thể đưa vào sử dụng. Đồng thời, biến cảng Tiên Sa thành một cảng biển xanh, phục vụ du lịch”, ông Sia nói.

Đồng quan điểm, ông Trần Dân (Hiệp hội cầu Đường TP Đà Nẵng) phản đối phương án mở rộng cảng Tiên Sa của nhà tư vấn Singapore vì phương án này phải làm đường, làm cầu quá nhiều, không hợp lý.

Tôi đề nghị làm cảng Liên Chiểu càng sớm càng tốt. Cảng Liên Chiểu sẽ kết nối trực tiếp với tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây, với cao tốc và rất nhiều tiện ích khác”, ông Dân nói.

Ông Lê Tấn Đạt, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hàng hải (CMB) nêu quan điểm, quy hoạch cảng biển Đà Nẵng cần xác định lại vai trò, tính chất, chức năng của cảng. Trong báo cáo của mình, tư vấn chưa nói đến chức năng, vai trò của cảng biển Đà Nẵng trong tổng thể quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia...

Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao. 

Phương án cảng Tiên Sa của tư vấn gồm 14 bến với tổng chiều dài 5,8km đường bờ bao gồm cả vùng đất, vùng nước thuộc quốc phòng, hệ thống kho cảng, nơi cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân... Chúng tôi quan ngại với quy mô này sẽ không đáp ứng được mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo, an ninh năng lượng, trật tự an toàn xã hội...”, ông Đạt nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị nhà tư vấn sớm khẳng định nên như thế nào.

Tôi xác định lại với nhà tư vấn, cảng Đà Nẵng là một cụm cảng chứ không phải chỉ là cảng Tiên Sa. Qua buổi họp, đề xuất của nhà tư vấn còn thiếu cơ sở ban đầu, chưa thuyết phục. Đề nghị nhà tư vấn cần lưu ý hết sức về thời gian, khẩn trương tính toán, bằng bất cứ đề xuất nào thì mục tiêu cuối cùng là tạo động lực phát triển kinh tế mới cho Đà Nẵng”, ông Dũng lưu ý.

XUÂN TIẾN

Tin mới