“Việc ông Trump trở lại hay không sẽ phụ thuộc vào việc ngay sau đây xảy ra điều gì, người ta sẽ làm gì với ông Trump”, theo PGS.TS Tạ Minh Tuấn, chuyên gia nghiên cứu Hoa Kỳ, Học viện ngoại giao bình luận trên VOV.
Đã có những ý kiến về việc có nên luận tội ông hay áp dụng bản sửa đổi hiến pháp Mỹ thứ 25 để tước quyền lực Tổng thống, và việc xử lý việc đó như thế nào sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng tranh cử lần sau của ông.
“Cá nhân tôi cho rằng ông Trump sẽ không ra tranh cử tiếp. Sau việc hôm nay sẽ gây bất lợi cho ông, tiếp theo nữa là uy tín của ông trong nước và nước ngoài sẽ xuống rất nhanh. Cuối cùng là khi ông đã liên tục tin và khẳng định mình chiến thắng thì sau khi ông Biden có chiến thắng quyết định, đó sẽ là một cái kết “cay đắng”, và với tuổi tác và kinh nghiệm chính trị thì ông sẽ không ra tranh cử tiếp”
“Dù vậy ông ấy vẫn có khả năng và quyền làm điều này, và thời gian sẽ trả lời câu hỏi này”, chuyên gia nói.
Ngày 6/1, lưỡng viện Quốc hội Mỹ nhóm họp kiểm phiếu đại cử tri, một cuộc họp theo thông lệ được xem là mang tính nghi thức để chứng nhận kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11. Tuy nhiên, cuộc họp năm nay diễn ra trong bối cảnh Tổng thống đương nhiệm đảng Cộng hòa Donald Trump không công nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử đảng Dân chủ Joe Biden, kéo theo một nhóm nghị sĩ quốc hội dự định đưa kết quả bầu cử ra tranh cãi.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Getty)
Với 74 triệu phiếu bầu phổ thông, ông Trump liên tục khẳng định ông mới là người thắng cử nếu không phải đảng đối thủ đã gian lận phiếu bầu. Ông Trump cảnh báo có biểu tình dữ dội ở Washington ngày 6/1. Thủ đô đã chuẩn bị trong trạng thái sẵn sàng đề phòng bạo lực xảy ra, dù vậy khi những người biểu tình xông vào đụng độ với lực lượng chức năng bên trong tòa nhà Quốc hội làm cuộc họp kiểm phiếu gián đoạn, hình ảnh các nghị sĩ phải đeo mặt nạ phòng độc sơ tán trong làn hơi cay vẫn khiến dư luận bàng hoàng.
Sự kiện không chỉ gây sốc mà còn là một điều đáng buồn cho nước Mỹ, có thể làm xấu hình ảnh của nước Mỹ, theo ông Tạ Minh Tuấn.
Câu chuyện tái tranh cử của các Tổng thống luôn trở đi trở lại vào mỗi mùa bầu cử Mỹ. Tuy nhiên bối cảnh của mùa bầu cử năm nay vô cùng đặc biệt.
Ông Tuấn nhận định: “Bối cảnh của cuộc bầu cử năm nay khá phức tạp so với các cuộc bầu cử khác. Thông thường vẫn có một chiều hướng là các đảng sẽ tính toán luôn cho cuộc bầu cử tiếp theo từ cuộc bầu cử đang diễn ra, gần như mùa nào cũng vậy. Họ (đảng Cộng hòa) đang có nền tảng 74 triệu lá phiếu nên những việc họ làm, việc khởi kiện, ngoài cố gắng lật kết quả còn thể hiện thông điệp tin vào cái gì và chiến đấu cho cái gì”.
Những phát ngôn của ông Trump cũng thể hiện thông điệp chiến đấu đến cùng, cho thấy quyết tâm chính trị, nói được làm được, điều này giúp củng cố niềm tin của những người ủng hộ ông vào đảng.
“Nhưng dù những tính toán trước đó của họ như thế nào, bạo loạn xảy ra tác động thế nào đến niềm tin này lại là một câu chuyện khác”, chuyên gia nói. Sự kiện 6/1 có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng xấu với đảng Cộng hòa.
Ảnh hưởng đến cuộc họp kiểm phiếu
Cuộc biểu tình ngày 6/1, bên cạnh làm gián đoạn phiên kiểm phiếu của Quốc hội Mỹ, còn có thể có những tác động khác.
Theo ông Tạ Minh Tuấn, diễn biến bạo lực tại Điện Capitol ngày 6/1 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của các nghị sĩ đang tham gia cuộc họp kiểm đếm phiếu bầu đại cử tri của Quốc hội. “Tình thế này có thể tạo cớ cho các đảng viên Dân chủ thuyết phục đảng Cộng hòa xem xét lại việc phản đối phiếu bầu tại quốc hội”, vì có thể thấy nó tác động rất lớn đến tâm lý của họ. Số lượng nghị sĩ phản đối phiếu bầu vì vậy có thể giảm đi, theo chuyên gia.
Các nhân viên an ninh đối phó với những người biểu tình bạo lực trong tòa nhà Quốc hội.
Trước đó, hơn 100 nghị sĩ Cộng hòa từ cả hai viện đã tuyên bố trước cuộc kiểm phiếu về việc phản đối các phiếu bầu đại cử tri. Nhưng sau khi cuộc bạo động diễn ra, một số nghị sĩ Cộng hòa đã lên tiếng nói sự kiện không liên quan đến họ, như để tránh bị ảnh hưởng.
Ông Tuấn nhận định thêm, việc thách thức phiếu bầu ở Quốc hội Mỹ trong khoảng 100 năm nay chưa bao giờ tạo ra thay đổi kết quả bầu cử. Gần đây nhất là năm 2005 khi có phản đối xảy ra thì phản đối này đã bị phủ quyết ngay. “Trường hợp của ông Trump càng rõ vì cách biệt phiếu bầu quá xa. Tôi nghĩ các đảng viên Cộng hòa làm điều đó (phản đối phiếu bầu) phần nào để hoàn thành nghĩa vụ với ông Trump, hoàn thành mục tiêu cá nhân hơn là hoàn thành mục tiêu lật kết quả bầu cử”.
Nói về những gì có thể xảy ra nếu phiên họp 6/1 không thể xác nhận kết quả bầu cử do những gián đoạn phát sinh từ cuộc biểu tình, chuyên gia cho biết, luật của Mỹ đã quy định rõ có hai kênh là Hạ nghị viện và Tòa án tối cao sẽ tham gia vào quyết định người thắng cử. Dù vậy khả năng này rất thấp.
Khả năng hàn gắn của ông Biden?
Cuộc biểu tình ngày 6/1 như một dấu hiệu không khó đoán cho sự chia rẽ đang diễn ra trong lòng nước Mỹ. Bình luận về khả năng “hàn gắn” của Tổng thống đắc cử Joe Biden và những gì ông phải đối mặt sau sự kiện này, chuyên gia nhận định câu chuyện hàn gắn là có thể, song sẽ rất khó khăn.
“Ông Biden cũng đã lường trước điều này, và ngay trong bài phát biểu của ông nhiều tháng trước, ông cũng đã nói sẽ đại diện cho tất cả mọi người dù là đảng Dân chủ hay Cộng hòa”, ông Tuấn nói. Chuyên gia phân tích, 74 triệu người đã bầu cho ông Trump, đây là con số gần như lớn nhất từ trước đến nay, chỉ sau ông Biden theo kết quả chính thức. Đặc biệt, với sự kiện ở tòa nhà Quốc hội, có thể thấy trong các cử tri có một nhóm đặc biệt trung thành với ông Trump, nên sự chia rẽ ở đây thể hiện rất rõ ràng.
Hàn gắn sẽ là nhiệm vụ nước Mỹ đặt lên hàng đầu và là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, theo TS. Tạ Minh Tuấn. Tuy nhiên, nước Mỹ cũng đã từng bị chia rẽ trước đây, như sau chiến tranh, và đặc biệt với một nền dân chủ lâu đời thì hàn gắn không phải là không thể. “Tôi tin rằng với khả năng chính trị của ông Joe Biden và bà Kamala Harris thì họ có thể làm được dù đây chắc chắn không phải một nhiệm vụ dễ dàng”.