"Chúng ta ngày càng nhận rõ sự tụt hậu của HLV Troussier dù có danh tiếng trong quá khứ. HLV Troussier có khoảng 10 năm không làm huấn luyện viên trưởng đội bóng nào. Ông ấy bị đứt quãng với nhịp sống công việc nên có dấu hiệu tụt hậu trong cách xử lý vấn đề", bình luận viên Ngô Quang Tùng trả lời phỏng vấn VTC News.
Tròn 13 tháng sau khi bổ nhiệm huấn luyện viên Philippe Troussier dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 Việt Nam, VFF thông báo chấm dứt hợp đồng với nhà cầm quân người Pháp trước thời hạn.
HLV Troussier chia tay đội tuyển Việt Nam ngay sau trận thua Indonesia với tỷ số 0-3 trên sân Mỹ Đình tối qua (26/3). Đó là "giọt nước tràn ly" khiến vị chuyên gia sinh năm 1955 không thể tiếp tục công việc, sau rất nhiều những hứa hẹn về việc nâng tầm đội tuyển Việt Nam hướng đến World Cup.
Đội tuyển Việt Nam 0-3 Indonesia
Vì sao HLV Troussier thất bại?
"HLV trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất trong thất bại của một đội bóng. Ông ấy quyết định về mọi mặt, từ con người, ý tưởng lối chơi, đấu pháp và điều chỉnh chiến thuật. Liên đoàn bóng đá Việt Nam hay ai khác cũng chỉ tạo nền tảng chứ không thay ông ấy quyết định được", BLV Quang Tùng nêu quan điểm.
HLV Troussier chịu trách nhiệm cao nhất cho màn trình diễn và kết quả thi đấu của đội tuyển Việt Nam. Sau chuỗi 3 trận thua liên tiếp trước Indonesia, việc nhà cầm quân người Pháp phải nói lời chia tay là tất yếu. Theo BLV Quang Tùng, điểm mấu chốt khiến ông Troussier mất việc không phải là một hay vài trận đấu cụ thể mà là cả quá trình.
"Các điều chỉnh, sử dụng của ông Troussier không phù hợp. Nếu vấn đề xảy ra ở một trận thì đó là có thể là sự may rủi nhưng nếu điều đó thành quá trình mà không cải thiện thì đó là vấn đề về hệ thống. Ông Troussier xây dựng hệ thống thì phải chịu trách nhiệm cao nhất", BLV Quang Tùng nói.
Đội tuyển Việt Nam sa sút dưới thời HLV Troussier.
BLV Quang Tùng đặt dấu hỏi về cách tiếp cận của HLV Troussier ở trận lượt đi. Đội tuyển Việt Nam lúc đó hơn đối thủ 2 điểm, không bắt buộc phải thắng trên sân khách. Tuy nhiên, việc dâng cao đội hình đẩy đội tuyển Việt Nam vào hoàn cảnh khó.
"Gặp Indonesia ở vòng bảng Asian Cup 2023, đội tuyển Việt Nam có thể bất ngờ về năng lực của đối thủ. Đến 2 trận đấu ở vòng loại World Cup 2026, HLV Troussier biết rất rõ thực lực của Indonesia. Tôi đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta phải tiếp cận chơi tấn công ở trận lượt đi. Tình thế cho phép chúng ta có nhiều lựa chọn tốt hơn.
Điều đó phụ thuộc vào mục tiêu và phương thức xử lý. Đội tuyển Việt Nam đặt mục tiêu không đúng và đưa cách xử lý không phù hợp, nên rủi ro sẽ xảy ra cao hơn. Khi thua trận đầu thì trận thứ hai sẽ rất khó đá", BLV Quang Tùng thắc mắc.
ngo quang tung.png
Ông Troussier bị đứt quãng với nhịp sống công việc nên có dấu hiệu tụt hậu trong cách xử lý vấn đề
BLV Ngô Quang Tùng
Vị chuyên gia này cũng nhắc lại vấn đề liên quan tới chu kỳ phong độ của đội tuyển Việt Nam. Khi đội bóng đang trên đà sa sút sau thời đỉnh cao, HLV Troussier dù có ý tưởng làm mới nhưng lại không thể thực hiện có hiệu quả để tạo động lực đi lên.
"Đây là giai đoạn sức cạnh tranh của bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng. Indonesia mạnh lên, còn tuyển Việt Nam chững lại, thậm chí thụt lùi.
Lực lượng của tuyển Việt Nam cũng chững lại. Phong độ, sự hưng phấn của cầu thủ không đồng đều, không tạo lực để thúc đẩy đội tuyển Việt Nam chơi tốt hơn sau một trận thua.
Đội tuyển có nhiều trận liên tiếp chơi không tốt. Đó là dấu hiệu của sự chững lại, phong độ không cao", BLV Quang Tùng đánh giá.
HLV Troussier hiếm khi rời cabin kỹ thuật để chỉ đạo học trò trong trận đấu và những điều chỉnh chiến thuật của ông thường không tạo ra hiệu quả rõ rệt.
Bài học lớn với VFF
"Thực tế, chúng ta ngày càng nhận rõ sự tụt hậu của HLV Troussier dù có danh tiếng trong quá khứ. HLV Troussier có khoảng 10 năm không làm huấn luyện viên trưởng đội bóng nào. Ông ấy bị đứt quãng với nhịp sống công việc nên có dấu hiệu tụt hậu trong cách xử lý vấn đề", BLV Quang Tùng nhận xét.
Ông Troussier là huấn luyện viên đẳng cấp cao nhất từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Ông hướng đến triết lý bóng đá hiện đại, có quan điểm tích cực về sự phát triển. Tuy nhiên, hiện thực hóa lý thuyết lại là điều mà nhà cầm quân người Pháp không làm được.
Thực tế cho thấy các phương án lựa chọn và quyết định điều chỉnh của HLV Troussier liên quan đến trận đấu không hiệu quả. BLV Quang Tùng và nhiều chuyên gia khác từng không ít lần chỉ ra điều này.
"Đó là bài học đắt giá cho VFF. Lý lịch của một HLV cũng muôn hình vạn trạng. Lựa chọn HLV ngoại là việc khó. Ông Troussier duy trì nhịp huấn luyện với bóng đá Việt Nam là lợi thế nhưng ông ấy làm giám đốc kỹ thuật của một học viện và chỉ làm việc với cầu thủ trẻ. Ông chưa làm việc với những ngôi sao của bóng đá Việt Nam", BLV Quang Tùng nói về nguyên nhân khiến ông Troussier không đạt hiệu quả như mong đợi.
HLV Troussier thất bại là bài học đắt giá cho VFF.
Vị trí huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Việt Nam tạm thời để trống sau khi chia tay HLV Troussier. VFF có khoảng 2 tháng để chọn được người thay thế trước khi đội tuyển Việt Nam bước vào trận đấu tiếp theo (gặp Iraq trên sân khách ngày 6/6).
BLV Quang Tùng cho rằng phương án bổ nhiệm huấn luyện viên trưởng tạm quyền là hợp lý. VFF cần thời gian để tính toán, tìm kiếm người phù hợp đảm đương ghế "thuyền trưởng" của đội tuyển quốc gia hướng đến mục tiêu dài hạn và khoảng 2 tháng là không đủ cho quá trình tuyển chọn, đàm phán.
"Tôi nghĩ phương án dài hạn ngay bây giờ là khó. Quan trọng là sự phù hợp. Trong ngắn hạn, đội tuyển Việt Nam nên tìm một HLV tạm quyền vì mục tiêu lớn của chúng ta không còn. Đội trẻ có thể giao tạm cho HLV Hoàng Anh Tuấn.
Dù vậy, đội tuyển Việt Nam phải thi đấu hết sức ở 2 trận tháng 6. Việc tìm HLV lâu dài không dễ nên khả năng cao sử dụng HLV tạm quyền. Vị trí ấy có lẽ sẽ dành cho một HLV nội", BLV Quang Tùng dự đoán.
HLV nội có thể làm tạm quyền giống như trường hợp ông Mai Đức Chung năm 2017. Tuy nhiên, theo BLV Quang Tùng, VFF vẫn nên hướng tới các huấn luyện viên ngoại. Lực lượng chuyên gia trong nước có đẳng cấp, kinh nghiệm đủ để đảm đương trọng trách ở đội tuyển quốc gia không nhiều.
"Năng lực chuyên môn của HLV nội chưa được khẳng định ở tầm quốc tế. Họ đều trải qua những khóa đào tạo, có kiến thức và thực tiễn va chạm, có ý tưởng, tổ chức con người, thậm chí hiểu biết con người Việt Nam tốt hơn các HLV ngoại. Tuy nhiên, có những hạn chế mang tính đặc thù có thể chi phối công việc.
Hạn chế ấy là việc phân định công tư. Các HLV nội dễ để yếu tố tình cảm ảnh hưởng nhiều đến việc ra quyết định. Bên cạnh đó, tôi không chắc họ có thể chịu được tác động của dư luận. Tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề nữa là HLV nước ngoài có cái uy. Ai vận dụng tốt điều đó sẽ mang lại hiệu quả", BLV Quang Tùng phân tích.
Về phương án tìm HLV ngoại, BLV Quang Tùng cho rằng, VFF phải cân nhắc rất kỹ lưỡng sự phù hợp về văn hóa, cách thức tiếp cận, làm tâm lý của HLV trưởng mới.
"Tôi thấy các HLV ngoại từ phương Tây hay Á Đông đều quan tâm nhất định đến tâm lý, tâm tư, tình cảm với tổ chức của họ. Tuy nhiên, cách gần gũi của mỗi con người khác nhau. Họ đến từ những nền văn hóa khác nhau nên cách tiếp cận tâm lý, quản trị đội bóng, tạo sợi dây liên kết giữa các thành viên theo cách khác nhau", BLV Quang tùng chia sẻ quan điểm.
Xem Trực tiếp Thể thao đỉnh cao trên FPT Play, tại: https://fptplay.vn/.