Ngày 9/11, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Quốc hội, đại biểu Tô Thị Bích Châu, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu những quy định hành chính cứng nhắc, kể cả trong thực thi, dẫn đến hơn 22.000 lon sữa là hàng từ thiện từ Úc gửi TP.HCM, thông qua Mặt trận Tổ quốc thành phố sau gần 1 tháng đến nay vẫn chưa nhận được.
Bà Châu phản ánh, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm và Cục Thú y. Trong đó, chỉ hai ngày Cục Thú y đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm đề nghị hỏi Chính phủ. Nhưng nếu TP.HCM gửi công văn đến Chính phủ thì Chính phủ cũng giao cho Cục An toàn thực phẩm trả lời. Theo bà, cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình, nhưng không đúng với tinh thần ‘chống dịch như chống giặc’.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp Hội thực phẩm chức năng cho rằng, hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm như trên là chính xác. Bởi theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm thì với trường hợp là hàng từ thiện không phải đối tượng được miễn kiểm tra an toàn thực phẩm, trừ trường hợp hàng đó là do chỉ đạo của Chính phủ nhập về để phục vụ các trường hợp khẩn cấp.
Với thông tin chỉ hai ngày Cục Thú y đồng ý, còn Cục An toàn thực phẩm đề nghị hỏi Chính phủ, ông Đáng nói có sự hiểu lầm. Cụ thể Cục Thú y trả lời với lô hàng này theo Luật Thú y là được miễn kiểm dịch động vật, tức là không phải kiểm tra xem lô hàng này có mầm bệnh từ động vật nhiễm vào hay không.
Còn Cục An toàn thực phẩm là trả lời theo Luật an toàn thực phẩm, tức là với những lô hàng như thế này việc kiểm tra an toàn thực phẩm là kiểm tra xem hàng còn hạn hay không; chứa các chất độc hại như kim loại nặng, độc tố vi nấm…vượt ngưỡng giới hạn hay không. Mà thẩm quyền để cho miễn kiểm tra hay không là thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng.
PGS.TS Trần Đáng, một trong số rất ít các chuyên gia được Quốc hội mời tham gia giám sát tối cao về an toàn thực phẩm của Quốc hội năm 2017.
Nghị định của Chính phủ phân công rất rõ nhiệm vụ của các bộ ngành trong quản lý an toàn thực phẩm. Bộ Y tế quản lý 6 nhóm ngành hàng. Bộ Công thương quản lý 8 nhóm ngành hàng (trong đó có sữa). Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý 19 nhóm ngành hàng.
"Như vậy, trong trường hợp này, nếu Mặt trận tổ quốc TP.HCM xin ý kiến Chính phủ về việc miễn kiểm tra an toàn thực phẩm cho lô sữa này, thì nếu cần xin tư vấn Chính phủ sẽ xin tư vấn từ Bộ Công thương chứ không phải Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế", ông Đáng nói.
Việc kiểm tra an toàn thực phẩm hiện nay được thực hiện thông thoáng ngoài việc kiểm tra hạn sử dụng trên bao bì, nếu cần kiểm nghiệm các chỉ tiêu độc tố thì thời gian cũng không quá 3 ngày. Ngay tại TP.HCM, Trung tâm 3 của Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Bộ Khoa học công nghệ là đơn vị có chức năng kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.
"Rất khó hiểu là nếu cần kiểm tra thì cũng chỉ mất khoảng 3 ngày. Nếu lô hàng an toàn thì đã đưa vào sử dụng, nhưng tại sao suốt từ 25/10/2021 đến nay chúng ta cứ đề nghị xin miễn kiểm tra?", ông Đáng băn khoăn
Vị chuyên gia nêu, hàng từ thiện vẫn nên kiểm tra trước khi đưa vào sử dụng, vì đây là sản phẩm dành cho đối tượng, đặc biệt đó là trẻ nhỏ, hơn nữa nếu có kiểm tra, thì thủ tục và thời gian cũng hết sức đơn giản và thuận tiện.