Nhận định về việc NHNN giảm một số loại lãi suất điều hành, nhiều chuyên gia nhận xét, đây là động thái ngược chiều với xu hướng tăng trên thế giới ở thời điểm hiện nay và chưa có tiền lệ, song cũng tích cực và linh hoạt.
Chuyên gia tài chính ngân hàng - TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, quyết định mới của NHNN chắc chắn có tác dụng trấn an nền kinh tế trước bối cảnh hàng loạt ngân hàng lớn ở Mỹ vừa phá sản trong thời gian gần đây.
Ông Hiếu phân tích: Các ngân hàng ở Mỹ mua trái phiếu, trong đó có trái phiếu Chính phủ ở mức lãi suất rất thấp từ cách đây nhiều năm. Trong thời gian vừa qua, lãi suất tại Mỹ tăng mạnh đẩy giá chứng khoán giảm, dẫn tới giá trị thị trường trái phiếu đi xuống. Các ngân hàng như Silicon Valley Bank nắm giữ lượng trái phiếu trị giá hàng tỷ USD buộc phải bán vì hụt thanh khoản. Bán trái phiếu trong lúc giá trị giảm dẫn đến thiệt hại nặng về nguồn vốn gây nên phá sản.
“Trong khi đó, lãi suất tại Việt Nam đang ở mức cao nên ngoài mục đích giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN dường như còn đang muốn trấn an tâm lý thị trường”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, lần hạ lãi suất này không gồm hạ lãi suất huy động. Lãi suất huy động không thay đổi thì sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lãi suất cho vay, trong khi lãi suất cho vay cao mới đang là vấn đề của nền kinh tế.
"Hai lãi suất quan trọng là lãi suất tái cấp vốn và lãi suất qua đêm được giảm, đây là mức giảm khá mạnh từ trước đến nay, tuy nhiên việc giảm lãi suất điều hành mới chỉ tác động trên hệ thống liên ngân hàng, lãi suất điều hành không phải lãi suất thương mại, chính vì thế để lãi suất liên ngân hàng tác động lên thị trường 1 thì cần có thời gian", ông Hiếu nói.
NHNN hạ một số loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)
Trong khi đó, trả lời VTC News, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính - cho biết, việc NHNN giảm lãi suất và đi ngược chiều với đà tăng lãi suất trên thế giới hoàn toàn không gây bất lợi gì cho nền kinh tế Việt Nam mà đây còn là động thái rất tốt lúc này. Vì khi lãi suất điều hành giảm xuống thì sẽ dần kéo theo lãi suất huy động và lãi suất cho vay giảm nhiệt. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có hiệu suất vốn thấp hơn, hiệu quả đầu tư kinh doanh cao hơn.
Ông Thịnh cũng có góc nhìn lạc quan về nền kinh tế thế giới khi cho rằng tình hình đang tăng trưởng tốt hơn các dự đoán của các chuyên gia kinh tế. Thêm vào đó, lạm phát đang giảm tương đối nhanh tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam vay nợ trên thế giới sẽ được hưởng mức lãi suất giá rẻ. Còn ở trong nước, lạm phát cũng đang thấp, kinh tế ổn định, giá trị đồng Việt Nam ổn định so với USD, thậm chí là lên giá trong thời gian vừa qua. “Điều quan trọng nhất bây giờ, sau khi hạ lãi suất rồi thì các doanh nghiệp phải làm sao đáp ứng đủ điều kiện để vay được vốn ngân hàng để được hưởng lãi suất thấp chẳng hạn như: Không nợ xấu, có tài sản đảm bảo, có dự án khả thi, có khả năng trả nợ…”, ông nói.
Theo phân tích của các chuyên gia đến từ Công ty Chứng khoán BVSC, đây là động thái rất linh hoạt của NHNN trong bối cảnh USD đang dần yếu đi và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất ít hơn và sớm hạ lãi suất trở lại trong năm 2023, giúp giảm đáng kể áp lực đối với tỷ giá.
“Vì thế, việc NHNN chọn thời điểm này để cắt giảm lãi suất, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế là một quyết định rất linh hoạt và kịp thời. Động thái này cũng tạo ra dư địa về lãi suất trong trường hợp Fed chuyển hướng "diều hâu" hơn so với những kỳ vọng của thị trường”, chuyên gia phân tích của BVSC nhận định.
Theo khảo sát của VTC News, sau động thái của NHNN, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng ngày 15/3 đồng loạt giảm.
Cụ thể, Kiên Long Bank là ngân hàng có biểu lãi suất niêm yết cao nhất thị trường thời gian qua thì đến nay cũng đã hạ nhiệt. Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của ngân hàng này giảm từ 9,3%/năm xuống 8,9%/năm. Ở kỳ hạn 24 tháng, lãi suất huy động tiền gửi tại ngân hàng này cũng giảm từ 8,8%/năm xuống còn 8,4%/năm.
Biểu niêm yết lãi suất mới của ngân hàng SCB cũng cho thấy, ở kỳ hạn tiền gửi 24 tháng, lãi suất giảm từ 8,95%/năm xuống 8,6%/năm.
Tính riêng ở kỳ hạn 12 tháng, chỉ còn 2 ngân hàng áp dụng mức lãi suất huy động trên 9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng là VietBank (9,2%) và ABBank (9,1%). Ngoài ra, cũng còn 4 ngân hàng niêm yết mức lãi suất 9% là Bao Viet Bank, OceanBank, VietABank và SCB.
Trong khi đó, có nhiều ngân hàng nhỏ áp dụng mức lãi suất 8,8 – 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng như: BacA Bank, Kienlongbank, Saigonbank… riêng HDBank và VPBank áp dụng lãi suất ở mức 8,8%/năm cho kỳ hạn này. Còn ACB áp dụng mức lãi suất 8,6%, SHB (8,5%), MSB (8,4%)…
Nhóm Big 4 (VietinBank, Vietcombank, BIDV, Agribank) có lãi suất huy động 12 tháng thấp nhất thị trường, áp dụng dưới mức 7,2%/năm. Như vậy, nhóm các ngân hàng có vốn nhà nước đã giảm 0,2 điểm % so với mức niêm yết trước đó là 7,4%/năm.
Trước đó, NHNN đã ban hành quyết định số 313 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng. Theo đó, từ 15/3, lãi suất tái cấp vốn giữ nguyên ở mức 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,5%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Đây là một quyết định chưa từng có tiền lệ khi mà Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự báo sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp ngày 22/3 tới lên 4,75%-5%/năm và có thể tăng tiếp trong các cuộc họp vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7.
Nhiều ý kiến đã dự báo rằng NHNN có thể tăng lãi suất điều hành thêm 1-1,5% (100-150 điểm cơ bản) trong nửa đầu năm 2023.