Các nhà phân tích cho rằng trong nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Nga và Mỹ sẽ tiếp tục "đối đầu sâu sắc", nhưng hai bên vẫn sẽ duy trì một mức độ kiềm chế nhất định để tránh xảy ra các sự cố ngoài ý muốn.
Bên cạnh đó, Moskva sẽ tiếp tục duy trì các chính sách hiện hành về vấn đề đối nội và đội ngoại, bao gồm tập trung tăng cường độc lập về công nghệ, thúc đẩy đa dạng hóa kinh tế, tích cực phát triển quan hệ với các nước thân thiện ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ Latinh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của một thế giới đa cực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu sau bầu cử ngày 18/3. (Ảnh: Tân Hoa Xã)
Cứng rắn với các nước không thân thiện
Các chuyên gia Nga tin rằng việc chống lại các lệnh trừng phạt và áp lực của phương Tây, đoàn kết các nước thân thiện và đạt được các mục tiêu ngoại giao đã đề ra sẽ trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại tương lai của Tổng thống Putin.
Nhà lãnh đạo Nga từng nói bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2024, chính sách đối ngoại của Mỹ đối với Nga khó có thể thay đổi về căn bản, và Mỹ vẫn sẽ coi Nga là "đối thủ".
Chuyên gia Kortunov thuộc Hội đồng Đối ngoại Nga nhận định, trong thời gian tới, Nga và Mỹ sẽ tiếp tục "đối đầu sâu sắc", nhưng hai bên vẫn sẽ duy trì một mức độ kiềm chế nhất định để tránh xảy ra các sự cố ngoài ý muốn như chiến tranh hạt nhân.
Ông Mukhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin Chính trị Nga, cho rằng Tổng thống Putin sẽ tiếp tục có lập trường cứng rắn với các nước không thân thiện.
Đồng thời, ông Putin sẽ tiếp tục chính sách đối ngoại như trước đây, tích cực phát triển quan hệ với các quốc gia thân thiện ở châu Á, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh, mở rộng vòng tròn hữu nghị, tăng cường ảnh hưởng trong các tổ chức quốc tế và khu vực, thúc đẩy thế giới đa cực.
Ngoài ra, một số nhà phân tích tin rằng ông Putin sẽ chú ý hơn đến mối quan hệ giữa Nga và các nước BRICS khác trong tương lai và mở rộng mối quan hệ này sang nhiều lĩnh vực bao gồm cả thương mại. BRICS là nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Độc lập về kỹ thuật, đa dạng hóa kinh tế
Nền kinh tế Nga đã cho thấy khả năng phục hồi sau cú sốc ban đầu do cuộc xung đột với Ukraine. Theo dữ liệu được công bố bởi Cơ quan Thống kê Liên bang Nga vào đầu tháng 2 năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã tăng 3,6% trong năm 2023.
Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của phương Tây trong lĩnh vực tài chính, đầu tư và nhập khẩu sản phẩm công nghệ đã gây khó khăn cho sự phát triển lâu dài của nền kinh tế Nga. Làm thế nào để tiếp tục chống lại ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt là nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thống Putin.
Trong Thông điệp liên bang gửi tới cả hai viện của quốc hội Nga vào cuối tháng 2, ông Putin cho biết các yếu tố như thiếu hụt nhân tài và không đủ công nghệ tiên tiến nội địa có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Do đó, Nga sẽ cần tập trung phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực giáo dục và khoa học công nghệ, lấy tự chủ về công nghệ làm động lực cho quá trình nâng cấp ngành công nghiệp, từ đó nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế Nga.
Nhà lãnh đạo 71 tuổi đề ra mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao của Nga trên thị trường nội địa sẽ tăng 50%, đồng thời xuất khẩu phi tài nguyên và phi năng lượng của nước này sẽ tăng ít nhất 2/3.
Ông Putin cho rằng Nga phải nắm giữ công nghệ chủ chốt trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe người dân và an ninh lương thực, đồng thời đạt được tự chủ công nghệ trong các lĩnh vực thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững như: máy móc, robot, vận tải, xe tự lái, hàng không, trên biển, kinh tế số, vật liệu mới và hóa chất.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng đặt mục tiêu đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm cần tăng 70% và xây dựng thêm ít nhất 100 khu khoa học công nghệ.
Ông Putin cho biết, hiện nay, các ngành công nghiệp phi tài nguyên hiện chiếm hơn 90% cơ cấu tăng trưởng kinh tế của Nga. Nền kinh tế Nga đang ngày càng đa dạng hóa và bền vững hơn.
Còn Chủ tịch Ủy ban Thị trường Tài chính Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, ông Anatoly Aksakov cho rằng, nền kinh tế Nga đang dần thích ứng với các lệnh trừng phạt của phương Tây và đang thay đổi nhanh chóng. Áp lực từ phương Tây buộc Nga phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nội bộ và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi khỏi sự phụ thuộc vào tài nguyên.
Chiến thắng áp đảo cho ông Putin
Cuộc bỏ phiếu chính thức cho cuộc bầu cử Tổng thống Nga lần thứ 8 đã diễn ra từ ngày 15 - 17/3. Có 4 ứng cử viên đang tranh cử, bao gồm đương kim Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Leonid Slutsky của Đảng Dân chủ Tự do Nga, ông Nikolay Kharitonov của Đảng Cộng sản Nga và ông Vladislav Davankov của Đảng Nhân dân Mới của Nga.
Theo dữ liệu được Ủy ban bầu cử trung ương Nga công bố vào sáng 18/3, trong hơn 93,06% phiếu bầu được kiểm, ông Putin dẫn đầu với 87,26% số phiếu bầu. Đây là tỷ lệ cao kỷ lục trong lịch sử hiện đại Nga.
Các vị trí tiếp theo lần lượt là Nikolay Kharitonov (4,23%), Vladislav Davankov (4%) và Leonid Slutsky (3,16%).
Với kết quả này, ông Putin chắc chắn đắc cử nhiệm kỳ thứ năm và sẽ nắm quyền đến năm 2030. Ông là tổng thống Nga các nhiệm kỳ 2000-2004, 2004-2008, 2012-2018, 2018-2024 và giữ vị trí thủ tướng giai đoạn 2008-2012. Ông Putin đắc cử năm 2012 và 2018 với lần lượt 63,6% và 76,69% số phiếu.
Cũng trong sáng 18/3, Tổng thống Nga Putin có bài phát biểu tại trụ sở chiến dịch, cảm ơn sự ủng hộ của toàn thể cử tri. Ông khẳng định nước Nga sẽ tiến xa hơn và trở nên vững chắc hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn trong những năm tới.