Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia nêu điểm đặc biệt trong chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước

(VTC News) -

Theo các chuyên gia, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Nga có ý nghĩa rất lớn, trong bối cảnh Việt – Nga thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Nga từ ngày 29/11 - 2/12. Nhân dịp này, nhóm phóng viên gặp và trò chuyện với các chuyên gia về mối quan hệ đang ngày càng phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam – Liên Bang Nga.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng hội kiến Tổng thống Nga Putin năm 2019. (Ảnh: VGP)

Ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nga, Tổng biên tập Tạp chí Bạch Dương

Quan hệ Việt Nam – Liên Bang Nga hiện nay rất tốt, sâu sắc và toàn diện. Đó là mối quan hệ vừa dựa trên những truyền thống, di sản từ nhiều năm, vừa phát triển ở những hình thức hợp tác cụ thể trên nhiều lĩnh vực, với sự tin cậy và phối hợp chặt chẽ.

nguyen-dang-phat.png

Chuyến đi của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc sang Nga trong bối cảnh đại dịch COVID-19 có ý nghĩa rất lớn

Ông Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga, Tổng biên tập tạp chí Bạch Dương

Tất nhiên còn những điều chưa đạt được như kỳ vọng của hai bên, như số liệu về kim ngạch thương mại trong nhiều năm qua giữa Việt Nam và Nga - so với nhiều đối tác kinh tế khác vẫn còn thấp. Nhưng chúng ta vẫn có những lĩnh vực hợp tác khác về năng lượng, kĩ thuật quân sự đạt kết quả đáng kể. Và nhìn chung, về tổng thể, quan hệ Việt-Nga – mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện - có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai.

Chuyến đi của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Nga lần này là một chuyến thăm có nhiều cái đặc biệt. Thứ nhất, như Chủ tịch nước đã trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn TASS, đây là một trong những chuyến đi thăm nước ngoài đầu tiên của ông trên cương vị mới. Thứ hai, chuyến đi diễn ra trong thời điểm đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Những chuyến thăm trước đây của các nhà lãnh đạo hai nước đến với nhau chủ yếu là các cuộc gặp thường kỳ, theo kế hoạch, hoặc gặp trong khuôn khổ hội nghị đa phương. Nhưng trong hai năm vừa qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến tất cả các nước. Một số chuyến thăm phải chuyển sang hình thức trực tuyến, và các nhà lãnh đạo Việt – Nga cũng đã có cuộc điện đàm trực tuyến vừa qua. Hình thức đó không thể bằng các cuộc gặp trực tiếp.

Hiện nay tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và Nga đều rất phức tạp, thậm chí ở Nga có phần phức tạp hơn. Vì vậy việc thực hiện chuyến thăm này cho thấy sự vượt qua khó khăn, thử thách của hai bên để có thể ngồi cùng nhau bàn về những vấn đề quan trọng trong mối quan hệ chiến lược, và không chỉ là các vấn đề song phương mà còn là vấn đề quốc tế hai bên cũng quan tâm. Hơn nữa, trong các chuyến thăm như vậy, các cấp, nhiều bộ ngành cũng sẽ có cơ hội gặp trực tiếp và ký kết các thỏa thuận hợp tác cho giai đoạn mới. Như vậy đó là một ý nghĩa rất lớn.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Tổng thống Nga Putin. (Ảnh minh họa)

Về triển vọng hợp tác, thời gian tới, giữa chúng ta và Nga vẫn sẽ phát triển những lĩnh vực hợp tác vốn có trước đây, nhưng mở rộng ra những hướng mới hơn, với công nghệ mới hơn.

Ví dụ, về năng lượng, nếu trước đây chúng ta đã có các dự án hợp tác năng lượng lớn như Vietsovpetro – đầu tư liên doanh khai thác dầu khí ở Việt Nam và Nga, hay dự án các cơ sở điện lực ở Việt Nam, thì tới đây hợp tác năng lượng Việt – Nga sẽ nhắm vào các lĩnh vực với khoa học công nghệ mới, như phát triển điện gió ở các tỉnh ven biển. Hoặc về giáo dục đào tạo, từ trước đến nay Liên Xô-Nga đã hỗ trợ đào tạo cho nhiều cán bộ và sinh viên Việt Nam, thì trong thời gian tới quan hệ hợp tác giáo dục này sẽ ngày càng sâu sắc, tập trung vào những ngành khoa học công nghệ nổi bật mũi nhọn.

Hai bên đã nhấn mạnh phải tiếp tục phát triển dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân Việt Nam, dự án có sự hỗ trợ của Nga ở Việt Nam. Dự án này có thể giúp ứng dụng công nghệ mới của lĩnh vực nguyên tử hạt nhân không chỉ trong lĩnh vực năng lượng mà còn nhiều lĩnh vực khác.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang và các đại biểu tham quan các sản phẩm khoa học, công nghệ của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh đó, trước chuyến thăm Nga, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga – một hình mẫu hợp tác giữa Việt Nam và Nga về khoa học công nghệ. Chủ tịch nước qua đó đã nhấn mạnh Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga phải trở thành một trung tâm khoa học công nghệ đạt trình độ khu vực và thậm chí là thế giới. Như vậy các bên liên quan giữa Việt Nam và Nga sẽ càng thúc đẩy hơn nữa để tăng cường mối quan hệ hợp tác khoa học công nghệ này.

“Năm chéo” hữu nghị Việt-Nga được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm quan hệ ngoại giao. Nhưng năm 2020, do tình hình dịch bệnh kéo dài, một số hoạt động bị trì hoãn, năm nay chuỗi sự kiện mới bế mạc. Sau “năm chéo”, chúng ta còn rất nhiều hoạt động cũng như các mốc kỷ niệm để đưa các mối quan hệ hướng đến cái cao hơn.

Nhưng cũng phải hy vọng đại dịch COVID-19 sẽ bị đẩy lùi, để các hoạt động được diễn ra trực tiếp, như vậy những mối quan hệ giao lưu nhân dân, giao lưu giữa các bộ ngành, những dự án hợp tác kinh tế thương mại sẽ được thúc đẩy. Cả Việt Nam và Nga khi đó có thể tận dụng cơ hội để vực dậy và phát triển các hoạt động hợp tác thêm sâu sắc.

Một tín hiệu là các hãng hàng không hai nước sẽ bắt đầu nối lại các chuyến bay, và Việt-Nga cũng sẽ thúc đẩy hợp tác quan hệ hàng không. Như vậy những chuyến đi của người dân, các chuyên gia giữa hai bên sẽ diễn ra, hỗ trợ cho việc phục hồi các mối quan hệ.

Tổng kết nhiệm kỳ của Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga. (Ảnh: Vietnamplus)

Ở Việt Nam, Hội hữu nghị Việt – Nga đang tiếp tục thúc đẩy hoạt động hữu nghị, đoàn kết, đối ngoại nhân dân giữa hai nước. Đây là một trong những trụ cột thể hiện đường lối đối ngoại đã được đề cập tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa rồi.

Quan hệ giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Nga vốn đã có truyền thống hữu nghị, đoàn kết và hợp tác. Hội hữu nghị Việt – Nga, với mục tiêu thúc đẩy mối quan hệ này, có nhiều hoạt động đặc thù, như tổ chức các chuyến thăm, giao lưu, các hoạt động văn hóa (biểu diễn văn nghệ, giao lưu nghệ thuật, tổ chức dịch, xuất bản sách của Nga và Việt Nam) giữa hai bên.

Hội hữu nghị Việt - Nga đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì của Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Xô/Ngày truyền thống Hội hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga ngày 27/6/2020.

Hiện Hội hữu nghị Việt – Nga đặt ra hai nhiệm vụ: Một là phải thu hút được nhiều người trẻ tham gia hơn, những người có thể không học hay sinh sống ở Nga nhưng có sự yêu mến nước Nga và muốn đóng góp vào phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước, đem lại kết quả thiết thực cho nhân dân hai nước. Thứ hai là mở rộng quan hệ với nhiều đối tác ở Nga, ngoài đối tác chính là Hội hữu nghị Nga – Việt, còn là các đoàn thể, hội, địa phương, từ đó có thể tăng cường giao lưu và kết nối, đem lại những lợi ích thiết thực cho hai bên trong các mối quan hệ mở rộng thị trường, hợp tác khoa học, phát triển quan hệ địa phương...

Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev, chuyên gia nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga.

Để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì liên hệ thường xuyên và sâu rộng với nhau. Tổng thống Vladimir Putin, người có thể gọi là “kiến trúc sư” của quan hệ Đối tác chiến lược Nga-Việt, đã ba lần thăm chính thức và hữu nghị Việt Nam. Và tới đây, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga.

hoc gia nga.png

Nhìn chung, không có vấn đề nào trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam cản trở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên.

Tiến sĩ sử học Evgeny Kobelev, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN - Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm khoa học Nga  

Ông Nguyễn Xuân Phúc là một chính khách quen thuộc với Liên bang Nga trên cương vị Thủ tướng trước đây. Cần nói thêm rằng, trong những năm ông Nguyễn Xuân Phúc là người đứng đầu chính phủ, Việt Nam đã đạt được những thành công đáng kể về kinh tế-xã hội.

Tôi tin tưởng rằng, nhiều vấn đề thời sự về hợp tác Nga-Việt sẽ được thảo luận tại các cuộc gặp và đàm phán sắp tới giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Liên bang Nga. Nhìn chung, không có vấn đề nào trong quan hệ giữa Nga và Việt Nam cản trở quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. Hàng triệu người Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ sự giúp đỡ toàn diện về quân sự và hỗ trợ về chính trị của Liên Xô trước đây (Liên bang Nga ngày nay). Với sự giúp đỡ chí nghĩa chí tình của những người bạn Liên Xô, Việt Nam đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến kéo dài và bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Năm nay đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam, và năm 2022 hai nước sẽ kỷ niệm 10 năm kể từ khi nâng tầm quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Thời gian trôi qua kể từ năm 2001 đã chứng minh một cách thuyết phục rằng quan hệ Đối tác chiến lược không những củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống trước đây giữa hai nước mà còn thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Thủ tướng trong chuyến thăm Nga năm 2016. (Ảnh: VGP_

Thực hiện chính sách “quay trục về phía Đông”, lãnh đạo Nga luôn đặc biệt quan tâm đến việc phát triển và củng cố quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Trong Sắc lệnh số 605 của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/5/2012 “Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại của Liên bang Nga”, Việt Nam được coi là một trong ba quốc gia đối tác chiến lược quan trọng nhất của Nga ở Châu Á (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ).

Mặc dù kim ngạch thương mại hai chiều chưa cao, nhưng chiến lược liên doanh, liên kết đang phát triển thành công, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí. Trong hơn một phần tư thế kỷ, Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Nhiệt đới Nga-Việt, có chi nhánh tại Hà Nội, Nha Trang và Moskva, đã hoạt động hiệu quả. Hợp tác kinh tế và thương mại đang dần được thiết lập giữa vùng Viễn Đông Nga và Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: DSQ Việt Nam tại Liên bang Nga)

Không thể không nhắc đến quan hệ cùng có lợi nhiều mặt giữa hai nước trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh. Năm 2008, một bản ghi nhớ liên chính phủ về chiến lược hợp tác quân sự-kỹ thuật đã được ký kết. Trên cơ sở đó, Việt Nam đã mua các loại vũ khí hiện đại từ Nga gồm 6 tàu ngầm, xe tăng thế hệ mới T-90S và T-90SK, máy bay chiến đấu Su-27 và Su-27MK. Ngoài ra, một số loại vũ khí của Nga cũng được cấp phép sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện góp phần phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong bối cảnh Đại dịch COVID-19 hoành hành ở quy mô toàn cầu. Ngày 23/3, Bộ Y tế Việt Nam đã phê chuẩn vaccine Sputnik-V của Nga để sử dụng khẩn cấp ở trong nước. Ngày 30/9 vừa qua, Việt Nam đã nhận lô Sputnik-V thương mại đầu tiên với số lượng 739 nghìn liều.

Theo hợp đồng ký kết giữa hai bên, đến tháng 6/2022, Việt Nam sẽ nhận được tổng cộng 40 triệu liều Sputnik-V. Về phần mình, Việt Nam đã gửi tặng Nga, như một món quà nhân đạo, bao gồm thuốc sát trùng, khẩu trang và quần áo bảo hộ, thiết bị y tế.

Đại sứ Liên bang Nga tại Việt Nam Gennady Bezdetko (thứ 3 từ trái sang) bàn giao lô vaccine Sputnik V cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn (thứ tư từ trái sang). (Ảnh: VGP)

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ lòng biết ơn về sự hỗ trợ của Nga trong việc phòng, chống dịch COVID-19 và bày tỏ mong muốn phía Nga tiếp tục cung cấp vaccine và triển khai sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam.

Trên trường quốc tế, Nga và Việt Nam gần như luôn luôn đồng quan điểm trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Hai bên phối hợp hành động và ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, APEC, ASEAN, ARF.

Ngày 16/9 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Hai bên khẳng định phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đồng thời cũng thảo luận một số chủ đề hợp tác Nga-Việt có triển vọng trong lĩnh vực kinh tế-thương mại và năng lượng. Hơn nữa, các bên cũng thảo luận vấn đề hợp tác thông qua đối thoại Nga-ASEAN.

Ở Nga người ta coi Việt Nam là một trong những nước có tiếng nói nhất trong ASEAN, vì vậy, sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Việt Nam góp phần thúc đẩy đối thoại Nga-ASEAN. Việt Nam tích cực tham gia quá trình hội nhập ASEAN giúp Liên bang Nga củng cố mối quan hệ với các thành viên khác trong khối. Về bất kể phương hướng hợp tác nào với ASEAN đại diện phía Nga cũng phối hợp chặt chẽ với các đồng nghiệp Việt Nam.

Phương Anh - Minh Mạnh - Văn Thường (Thực hiện)

Tin mới