Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Muốn đón thêm sóng đầu tư, TP.HCM cần giải quyết điểm nghẽn hạ tầng

(VTC News) -

Không nơi nào nhiều cơ hội phát triển như TP.HCM, nhà đầu tư đang đổ vốn mạnh vào công nghệ cao, nhưng vấn đề cốt lõi TP.HCM phải giải quyết ngay là hạ tầng.

Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM”, được tổ chức hôm nay, 25/9, nhận rất nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế đến từ nhiều nơi trên thế giới.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng nhiệm vụ của thành phố phải thực hiện là đến năm 2030 trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại. Đến năm 2045 trở thành thành phố có nền công nghiệp phát triển hiện đại ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực và vươn tầm châu lục với nhiều chỉ tiêu lớn.

Diễn đàn kinh tế TP.HCM 2024 có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong chiều nay, Thủ tướng cũng sẽ chủ trì đối thoại chính sách với các địa phương, doanh nghiệp. (Ảnh: BTC) 

Để đạt được mục tiêu này, cùng với các giải pháp cho phát triển bền vững, TP.HCM chọn chuyển đổi xanh toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là nhiệm vụ đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng và tất yếu.

Nhưng trước mắt, TP.HCM phải tập trung vượt qua 3 thử thách lớn, là nhanh chóng cải tiến kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là giao thông, công nghệ, môi trường. Nâng cao chất lượng nhân lực, cải cách thể chế thủ tục hành chính và có cơ chế chính sách vượt trội đột phá trong huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi hơn nữa để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển.

Chia sẻ kinh nghiệm với TP.HCM, ông Rich McClellan – Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu tại Việt Nam, cho rằng TP.HCM là đô thị năng động nhất khu vực Đông Nam Á. TP còn có vị trí chiến lược và lực lượng lao động dồi dào, nhưng lại đang phải đối mặt với nhiều thách thức cần được giải quyết nhanh chóng để thúc đẩy phát triển công nghiệp.

Các vấn đề ông Rich McClellan chỉ ra bao gồm các thủ tục hành chính phức tạp, thiếu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) cùng sự chậm trễ trong các dự án đầu tư công. 

Cùng với đó, một vấn đề khiến doanh nghiệp quan tâm là hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông dù đã đầu tư nhưng vẫn thiếu và yếu. Tình trạng kẹt xe, ngập nước là điểm nghẽn phải tháo gỡ.

Một điểm yếu khác chuyên gia này dẫn ra là TP.HCM đang có tốc độ già hóa dân số nhanh chóng, với hơn 1,1 triệu người trên 60 tuổi, chiếm 12,5% tổng dân số. Trong khi năm ngoái, con số này là 11% và ít hơn 10% trong những năm trước đó. Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa nhanh chóng có thể dẫn đến lực lượng lao động bị suy giảm, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ và ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 

Diễn đàn kinh tế năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM” nhận nhiều đóng góp kinh nghiệm của các nhà quản lý, chuyên gia về phát triển TP. (Ảnh: H.L)

Chuyên gia này hiến kế trong quá trình chuyển đổi công nghiệp, TP.HCM nên phát triển dựa vào lợi thế của mình. Khi TP.HCM đẩy nhanh phát triển công nghiệp, điều quan trọng là cần phải phân bổ một cách chiến lược các nguồn lực của mình, bao gồm cả nguồn lực chính trị và đầu tư tài chính vào các ngành có thể mang lại tác động kinh tế lớn nhất.

"Bài học từ các quốc gia đã công nghiệp hóa thành công cho thấy tầm quan trọng của việc tập trung nguồn lực vào một số ngành chiến lược tiềm năng, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng", ông nhấn mạnh.

Việc xác định các ngành ưu tiên cho TP.HCM, ông nói nên tiến hành thông qua một đánh giá toàn diện dựa trên ba tiêu chí, là tác động tổng thể của ngành đối với TP; lợi thế cạnh tranh vốn có trong các ngành đó và sự phù hợp của ngành ưu tiên với các mục tiêu và ưu tiên chiến lược.

Trả lời Báo điện tử VTC News, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng TP.HCM vẫn luôn là đầu tàu kinh tế, đóng góp lớn và đặc biệt nhất cho sự phát triển của cả nước. Việc chuyển đổi công nghiệp của TP hiện nay là phù hợp theo hướng phát triển công nghệ cao, công nghệ tiên tiến thân thiện với môi trường, cũng là xu thế chung của cả thế giới.

TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất, cũng là trung tâm công nghệ, đào tạo lớn nhất. Việc chuyển đổi công nghiệp, công nghệ cao sẽ không gặp nhiều khó khăn về nhân lực, công nghệ.

Vấn đề là thành phố phải có những bước đi, vừa giải quyết được sự phát triển, vừa phải lo được an sinh xã hội, công ăn việc làm cho người dân. Ông Ngân nói việc chuyển đổi đồng bộ này phải có sự hỗ trợ. Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp dệt may, da giày không thể một sớm một chiều ứng dụng công nghệ cao, mà cần được hỗ trợ để học tập, đào tạo, chuyển đổi...

Thủ tướng Phạm Minh Chính thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) tại TP.HCM sáng nay, 25/9. (Ảnh: VGP)

Ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị TP phải lắng nghe đầy đủ ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, đặc biệt là những cái bài học từ quá trình công nghiệp hóa ở các cái tỉnh, thành phố trên thế giới, để có hướng đi phù hợp nhất. Theo ông, việc chuyển đổi công nghiệp là xu thế, nhưng các nước đã đi trước, TP.HCM vốn dĩ là đô thị đặc biệt, nhưng đi sau thì phải chọn lựa hướng đi cho thật phù hợp. Trụ cột phát triển của TP.HCM vẫn là thương mại, dịch vụ, nhất là thương mại dịch vụ cao cấp.

Còn điểm nghẽn lớn nhất của thành phố hiện nay, theo ông Ngân, là hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng về giao thông và hạ tầng ở các khu công nghiệp.

"TP có rất nhiều lợi thế, nhưng điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng. Do vậy, TP.HCM đang đầu tư và cần đầu tư mạnh hơn hơn nữa nhằm hoàn thiện hạ tầng, để làm sao giảm chi phí vận chuyển, kho bãi. Đây là vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài luôn quan tâm.

Chúng tôi được biết thành phố đang dành nguồn lực đầu tư công rất lớn trong 5 năm tới, lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng, tức là khoảng hơn 40 tỷ USD để đầu tư vào kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng số, y tế, giáo dục... Kỳ vọng khi hoàn thiện hệ sinh thái này, từ năm 2030, TP.HCM sẽ phát triển mạnh mẽ", ông Trần Hoàng Ngân nói.

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng việc chuyển đổi công nghiệp tại thành phố chưa có những khảo sát cụ thể, nhưng cũng đã có những chuyển biến nhất định. TP.HCM khuyến khích di dời và sắp xếp các doanh nghiệp từ năm 2000. Nhiều doanh nghiệp ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh.

Khu công nghệ cao Thành phố và Công viên phần mềm Quang Trung là các điển hình thu hút đầu tư công nghệ cao. Các chương trình đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chương trình trí tuệ nhân tạo AI… đã được kích hoạt và ứng dụng vào thực tế.

Tuy nhiên, so với bối cảnh chung về xu thế phát triển kinh tế hiện nay, thì chưa đáp ứng yêu cầu. Ngành công nghiệp TP đang bị suy giảm đà tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh doanh nghiệp thấp, chưa có doanh nghiệp có tính dẫn dắt, doanh nghiệp khó phát triển theo chiều rộng do chi phí hạ tầng tăng cao…

Trung tâm C4IR tại TP.HCM là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF); là trung tâm C4IR thứ 2 tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF. (Ảnh: VGP)

Ông đề xuất tập trung phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng đa dạng, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không; thúc đẩy phát triển năng lượng sạch; hạ tầng số. Đặc biệt là xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 DWT (24.000 TEU), đồng thời phát triển 7 cảng cạn và 9 trung tâm logistics.

Ngoài ra, thành phố cần hỗ trợ phát triển hạ tầng công nghiệp, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, KCN-KCX theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh... hình thành trung tâm cung ứng dịch vụ logistics tầm cỡ khu vực và đầu tư nâng cao chất lượng nguồn lực.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn nên khẳng định TP.HCM nghiêm túc tiếp thu các góp ý, bài học kinh nghiệm, và sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Trong chiều nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo TP.HCM sẽ chủ trì Phiên đối thoại chính sách, để các tỉnh thành, doanh nghiệp trao đổi sâu rộng, thực chất về thực trạng, giải pháp trong áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM cũng như chiến lược quốc gia; kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Hà Linh

Tin mới