Trong bối cảnh Biển Đông gia tăng căng thẳng thời gian gần đây, tờ Forbes trong bài viết đăng tải hôm 17/7 dẫn lại ảnh vệ tinh cho thấy 4 tiêm kích của Trung Quốc xuất hiện tại đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Bình luận về động thái của Trung Quốc, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an nhận định, đây là hành động leo thang của Trung Quốc trên Biển Đông.
"Động thái trên nằm trong kế hoạch của Trung Quốc, vấn đề là Bắc Kinh chọn thời điểm để triển khai. Hành động leo thang này xuất phát từ nhu cầu trong nước và ngoài nước của Trung Quốc", ông Cương phân tích.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an.
Ở trong nước, về mặt kinh tế, COVID-19 đẩy kinh tế Trung Quốc vào thảm họa đến mức Thủ tướng Lý Khắc Cường trong báo cáo trước Quốc hội mới đây không đề cập tới chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2020. Hàng chục triệu người Trung Quốc thất nghiệp vì dịch bệnh.
Về chính trị, uy tín trong Đảng, trong dân của Chủ tịch Tập Cận Bình đang suy giảm do những sai lầm trong chính sách kinh tế và đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại, trong đó có chính sách với Mỹ.
"Khi trong nước có vấn đề như vậy, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tính đẩy mọi chuyện ra bên ngoài, để che lấp, lu mờ vấn đề trong nước, để nói với hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc rằng chính quyền Chủ tịch Tập vẫn đang mạnh", Thiếu tướng Cương phân tích.
Ngoài nước, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược, Bộ Công an nhận định, chưa bao giờ từ khi ông Tập Cận Bình nên nắm quyền năm 2012, cộng đồng quốc tế lại phản đối Trung Quốc mạnh mẽ như 6 tháng vừa qua.
Philippines từng rời xa Mỹ để tiến lại gần Trung Quốc. Nhưng sau 4 năm bắt tay và không nhận thấy bất cứ lợi ích kinh tế, an ninh nào, Manila giờ bắt đầu xa rời Bắc Kinh.
Cuối tuần trước, Ngoại trưởng Philippines tuyên bố công khai với thế giới rằng phán quyết Tòa Trọng tài năm 2016 vẫn còn hiệu lực với các nước tham gia Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc, kể cả Trung Quốc.
Indonesia, trung tâm trụ cột của ASEAN - một quốc gia khá kín tiếng mới đây cũng gửi đi tới 2 công hàm lên Liên hợp quốc, phản đối yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hồi cuối tháng 6, Hội nghị cấp cao ASEAN ra tuyên bố cứng rắn về Biển Đông.
Đầu tháng 6, lần đầu tiên Mỹ gửi công thư lên Liên hợp quốc phản đối hành động khiêu khích của Trung Quốc ở Biển Đông.
Ảnh vệ tinh cho thấy các tiêm kích Trung Quốc điều động trái phép ra đảo Phú Lâm. (Ảnh: Forbes)
Đặc biệt, hôm 13/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ra tuyên bố "vỗ mặt" Bắc Kinh, bác hàng loạt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nhân 4 năm Tòa Trọng tài ra phán quyết bác bỏ đường 9 đoạn mà Bắc Kinh đơn phương vẽ ra.
"Chưa bao giờ Trung Quốc bị phản đối mạnh mẽ trên Biển Đông như vậy. Để phản ứng lại, Trung Quốc phải hành động để chứng minh Trung Quốc còn mạnh bởi nếu không làm vậy, họ lo sợ thế giới sẽ cho rằng Trung Quốc yếu đi. Do đó, Trung Quốc phải gồng mình, đưa máy bay ra Hoàng Sa để nhắn nhủ với thế giới rằng đừng động vào Trung Quốc, Trung Quốc vẫn còn rất mạnh", ông Cương phân tích.
Về việc Bắc Kinh triển khai tiêm kích ra Hoàng Sa, vị Thiếu tướng cho biết Hoàng Sa là nơi Trung Quốc xây dựng trái phép sân bay ở đảo Phú Lâm. Bắc Kinh đã nhiều lần cho thử nghiệm cất, hạ cánh trái phép máy bay.
Hoàng Sa cũng là nơi Trung Quốc triển khai phi pháp 8 bệ phóng tên lửa HQ9, radar tần số cao, lực lượng quân đội và dân quân.
Ông Cương tin rằng, không loại trừ khả năng, Trung Quốc sau Hoàng Sa cũng sẽ sớm thực hiện các động thái triển khai phi pháp ở Trường Sa.
"Trung Quốc sẽ không làm ồ ạt mà triển khai từng bước để thử phản ứng của cộng đồng quốc tế", ông cho hay.
Đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Trong nhiều tuyên bố trước đây, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình với 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa phù hợp với luật pháp quốc tế và mọi hoạt động tại 2 quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam.