Sáng 12/8, TP.HCM ghi nhận thêm 2.318 bệnh nhân COVID-19 mới được Bộ Y tế công bố. Trong đợt dịch thứ 4 tính từ 27/4, thành phố đã có hơn 135.400 bệnh nhân COVID-19.
Hiện TP.HCM đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine để sớm đạt mục tiêu bao phủ 70% vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 8.
Trong tình hình dịch bệnh phức tạp, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức chương trình tọa đàm Health Talk với sự tham dự của các chuyên gia kiều bào nhằm kết nối và đóng góp kinh nghiệm chung sức chống dịch cùng TP.HCM.
Biến mỗi gia đình thành một phòng bệnh
Trong hoàn cảnh một số bệnh nhân COVID-19 nhẹ hoặc người nghi nhiễm có thể cần điều trị triệu chứng tại nhà, tránh lây nhiễm chéo và giảm tải cho hệ thống y tế, các chuyên gia đã đề xuất chiến lược và lưu ý liên quan.
Bác sĩ Trần Trọng Hùng, Trưởng ban Hỗ trợ điều trị COVID-19 cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan chia sẻ về kinh nghiệm 3 “phao” - các giai đoạn chống dịch mà cộng đồng ở Ba Lan đã trải qua, bao gồm phòng bệnh triệt để (nhưng cần tránh tâm lý kỳ thị F0, F1), chống ngay lập tức (khi có dấu hiệu, triệu chứng nghi nhiễm) và cấp cứu kịp thời (không quá sớm dẫn đến quá tải cơ sở y tế, không quá muộn gây nguy cơ cho bệnh nhân).
Theo ông, cộng đồng đã thành lập một cẩm nang giống như bản đồ các tình huống, tổng hợp các phương pháp, quy trình và chính sách phù hợp hoàn cảnh nhằm giúp người bệnh và gia đình cũng như cơ sở y tế và các cơ sở địa phương có thêm thông tin. Từ cơ sở này, một trung tâm chăm sóc – hỗ trợ được thành lập để giải đáp các thắc mắc cũng như theo dõi tình hình bệnh nhân phải điều trị tại nhà nhằm có hướng xử lý kịp thời.
Ông đề xuất mỗi gia đình hoặc các cấp y tế địa phương nên có những bộ kit theo dõi và chữa các triệu chứng đơn giản, trong đó bao gồm máy đo huyết áp, nhiệt kế và oxymeter (thiết bị đo oxy) để sử dụng trong trường hợp phải cách ly/chữa bệnh. Trong hoàn cảnh một số bệnh nhân nhẹ và vừa có thể điều trị ngay từ nhà hoặc các cơ sở y tế tuyến dưới, nhân viên y tế và bệnh nhân có thể kết nối tìm kiếm sự trợ giúp thông qua các công cụ trực tuyến như tổng đài, mạng xã hội.
Các chuyên gia và khách mời tham gia tọa đàm. (Ảnh chụp màn hình)
Đặc biệt, nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình việc sử dụng oxymeter là một phương pháp giá thành thấp, dễ áp dụng có thể giúp theo dõi người bệnh để cấp cứu kịp thời và đồng thời giảm gánh nặng tâm lý khi người bệnh biết được tình trạng của mình. Người bệnh có thể trang bị hoặc mượn thiết bị từ các cơ sở y tế khi trong quá trình điều trị.
Theo chuyên gia, đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa, đặc biệt là trong quản lý bệnh nhân.
Chia sẻ kinh nghiệm chống dịch tại Pháp, bác sĩ Võ Toàn Trung làm việc ở bệnh viện tại Paris cho biết, với tình hình dịch bệnh cao điểm trong năm 2020, truy vết và xét nghiệm trên diện rộng là một trong các chiến lược chính của Paris. Ông đề xuất ứng dụng mã QR trong quản lý những người xét nghiệm và tiêm vaccine, thành lập các trung tâm mua sắm thiết bị và vật tư y tế để hỗ trợ cho các bệnh viện.
Bên cạnh đó, khi số lượng bệnh viện dã chiến, cơ sở y tế tham gia chống dịch nhiều hơn, ông cho rằng cần có một trung tâm tổng điều hành chung chịu trách nhiệm phân phối nhằm tận dụng tối đa các giường bệnh, tiết kiệm thời gian xử lý và vận chuyển bệnh nhân, trên cơ sở đó cũng có thể biết được cần thêm bao nhiêu giường bệnh hoặc nguồn lực để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh.
Cùng chia sẻ về “cẩm nang”, bác sĩ Võ Toàn Trung cho rằng cần xây dựng quy trình tiêu chuẩn (protocol) và tập huấn cho các cơ sở y tế tuyến dưới để điều trị cho các bệnh nhân thể nhẹ.
Ông lưu ý để áp dụng giải pháp lập ra “vùng xanh”, “hành lang xanh” dựa trên xét nghiệm diện rộng để các hoạt động sản xuất có thể được duy trì, thì việc di chuyển của người lao động và các “hành lang” vận chuyển hàng hóa, trang thiết bị vật tư cần có quy trình đảm bảo an toàn.
Các đại biểu phát biểu mở đầu tọa đàm. (Ảnh chụp màn hình)
Sử dụng chiến lược xét nghiệm và cách ly hợp lý
Ông Trần Ngọc Phúc, chủ tịch Metran Japan, chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản phân tích chiến lược sử dụng máy thở cho các bệnh nhân COVID-19 ở Việt Nam. Theo ông, có những loại máy thở đầy đủ chức năng, nhưng lại cần nhiều người có chuyên môn phù hợp vận hành, cộng với giá thành cao nên giảm khả năng tiếp cận đối với các cơ sở y tế cấp dưới hoặc các bệnh viện dã chiến. Vì vậy, việc đầu tư trang bị cần phù hợp với tình trạng tài chính và có thể mua loại máy thở mà đại đa số các bệnh viện dùng được, giá thành thấp nhằm đáp ứng với số lượng bệnh nhân, tăng thêm máy đo oxy bão hòa cho bệnh nhân cách ly tại nhà.
Về chiến lược cách ly, ông cho rằng cần nâng cao hiểu biết cho người dân về lây nhiễm chéo, khi Việt Nam có tỷ lệ lây nhiễm chéo cao so với các nước trên thế giới.
Các chuyên gia khác cũng chia sẻ nhiều ý kiến đáng chú ý về chiến lược cách ly và xét nghiệm diện rộng.
Theo ông Vũ Ngọc Khuê, kiều bào Mỹ, cựu Bác sĩ phòng dịch tễ viện Pasteur TP.HCM, việc thực hiện giãn cách xã hội chỉ là tương đối trừ trường hợp cách ly hoàn toàn tại nhà. Các tuyến chống dịch từ đó có thể chia thành mỗi gia đình/cá nhân “bám trụ” tại nhà, lực lượng y tế hướng dẫn và điều trị cho các bệnh nhân và lực lượng đảm bảo thực hiện các quy định giãn cách.
Ông Nguyễn Đức Thái, Tiến sĩ đồng sáng lập TransMed-VN, kiều bào Mỹ giới thiệu phương pháp xét nghiệm gộp mẫu độ nhạy cao có thể áp dụng phù hợp với Việt Nam, lưu ý xét nghiệm gộp mẫu giúp đẩy nhanh tốc độ và giảm chi phí của quá trình xét nghiệm. Các phương pháp khác cũng có thể được sử dụng và kết hợp tùy thuộc tình hình dịch bệnh.