Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện những dòng quảng cáo về một loại kẹo có tác dụng giải rượu "thần tốc" với dòng giới thiệu: “giảm nhanh cơn say”, “tẩy nhanh nồng độ cồn” hay “xả nhanh lượng cồn”.
Thậm chí, nắm bắt tâm lý người dân đang lo sợ vì phải kiểm tra nồng độ cồn mỗi khi tham gia giao thông, người bán có tên N.T.M. còn thêm dòng chữ: “Không sợ các anh áo vàng bắt thổi nồng độ cồn; Không lo nguy hiểm khi tham gia giao thông”. Theo tìm hiểu, loại kẹo này có thành phần chính là Curcumin 30 mg.
Tương tự, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng, chủ tài khoản T.V. còn đăng hẳn một video quảng cáo về thứ men “thần thánh” của mình. Trong clip chị này khẳng định: “Cả Việt Nam không có loại men thứ 2 giống vậy. Bởi tác dụng loại 'men khử nồng độ cồn' này có thể: khử được nồng độ cồn, chống say rượu và làm tăng khả năng uống được gấp đôi nồng độ cồn mà không mệt, không say, không khát nước”. Để tăng sự tin tưởng, chị V. còn khẳng định, loại men trên được làm bằng men vi sinh, men sống nên rất an toàn.
Chẳng biết tác dụng của những loại men, kẹo đó “thần kỳ” đến đâu, có bao nhiêu người đã tin tưởng để mua về sử dụng, nhưng các chuyên gia trong lĩnh vực y tế đều khẳng định, “không có loại thuốc hay kẹo nào có tác dụng giải rượu thần tốc như lời đồn”. Do đó, người dân không nên mua về sử dụng tránh tình trạng tiền mất nhưng tật thì lại mang.
Các loại kẹo giải rượu được "thần thánh hóa" bán nhan nhản trên mạng xã hội.
Thông tin về vấn đề trên, đại diện Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay, chưa có bất kỳ sản phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng “xả nhanh nồng độ cồn” đến vậy. Thậm chí, trên thế giới cũng chưa có sản phẩm nào có tác dụng giống như lời quảng cáo trên mạng những ngày qua.
“Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thụ rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở”, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết.
Giải thích rõ hơn, theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, một người khi bị say hay ngộ độc rượu, để giải rượu bằng bất kỳ biện pháp nào kể cả là thuốc đều không có tác dụng. Thậm chí, các loại thuốc, thực phẩm thức năng được quảng cáo hiện nay thành phần cũng không rõ ràng, cũng chưa được kiểm chứng bằng nghiên cứu nên công dụng tất nhiên cũng là một “dấu hỏi”. Do vậy, người dân không nên phí tiền của mua thuốc hay thực phẩm chức năng để dùng.
Giải thích thêm về vấn đề này PGS. TS Trần Nhân Thắng – Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, cho hay, hiện nay đúng là có một số loại thuốc gây cảm ứng enzyme gan, tăng cường chuyển hóa và đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này cũng chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa với những trường hợp nghiện hay ngộ độc rượu và được dùng theo chỉ định của bác sĩ. “Bởi quá trình sử dụng có thể gây ra những phản ứng không mong muốn”, bác sĩ Thắng cảnh báo.
Chuyên gia này cũng khẳng định, với một đơn vị cồn (khoảng 300ml bia hoặc 30ml rượu) thì cơ thể người bình thường phải mất đến 1 giờ đồng hồ để đào thải hết. Nhưng nếu dùng thuốc, kể cả loại đang dùng trong y khoa như đã nói ở trên thì quá trình chuyển hóa có thể diễn ra nhanh hơn, trong khoảng từ 30-45 phút, chứ không “thần tốc” như các loại thực phẩm chức năng hay men đang bán trên mạng. “Không thể thổi bay trong chốc lát nồng độ cồn trong máu được”, bác sĩ Thắng khẳng định.
Làm gì để “giải rượu bia” nhanh nhất
Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, việc đầu tiên phải khẳng định, người đã sử dụng rượu bia thì không được tham gia giao thông, đó là nguyên tắc.
Ngoài ra, để tránh bị say hay ngộ độc rượu, khi uống, người dân cần chú ý ăn đầy đủ, đặc biệt là các thức ăn nhiều năng lượng gồm các chất đường, chất bột, nếu không cơ thể sẽ rất dễ bị hạ đường huyết.
Bên cạnh đó, sau khi uống rượu người dân cũng cần uống nhiều nước, ngoài nước lọc có thể dùng các loại nước có chất điện giải như nước rau, nước oresol... để tăng lượng đào thải rượu ra qua đường nước tiểu.
“Cách tốt nhất để tránh bị say hay ngộ độc rượu là người dân phải hạn chế liều lượng và số lần uống. Ngoài ra, phụ nữ có thai, trẻ em, hay những người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp… cũng không nên uống rượu”, bác sĩ Nguyên nói.
Bác sĩ Nguyên cũng khuyến cáo, trong trường hợp người uống rượu có dấu hiệu bị ngộ độc như: không ngồi dậy được, da lạnh, vã mồ hôi, co giật, thở khò khè, nhợt nhạt… việc đầu tiên phải cấp cứu theo điều kiện có tại chỗ rồi đưa tới cơ sở y tế gần nhất.
Quá trình cấp cứu, cần bệnh nhân nằm nghiêng 1 bên để nếu không may bị nôn thì không vào phổi, phải giữ ấm và bệnh nhân có suy hô hấp thì phải cấp cứu tại chỗ.