Trả lời VTC News về mùa đông năm nay, ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo khí hậu, Trung tâm Dự báo Khí tượng và thủy văn Quốc gia cho biết, so với 5 năm gần đây, không khí lạnh đến sớm, nếu so với trung bình nhiều năm thì mức nhiệt không chênh quá lớn. Trong đó, rét đậm, rét hại có xu hướng xuất hiện khoảng nửa cuối tháng 12/2018; tháng 1 và 2/2019.
- Các nước trên thế giới ghi nhận mùa đông năm nay đến sớm như Ulanbato (Mông Cổ), các bang tây nam nước Mỹ, vùng Siberia (Nga) tuyết rơi từ tháng 9, trong khi trung bình hàng năm là giữa tháng 11. Việt Nam có nằm trong hình thái này không thưa ông?
Đợt không khí lạnh đầu tiên tại miền Bắc xuất hiện vào năm 2017 là ngày 13/10. Năm 2016, hình thái này xuất hiện ngày 19/10; năm 2015 là ngày 12/9; năm 2014 vào ngày 4/10; còn năm 2013 là ngày 25/9. Năm nay, không khí lạnh tràn đến miền Bắc ngày 7/9, tức là xuất hiện sớm hơn so với 5 năm gần đây.
- Dù mới đón đợt không khí lạnh đầu tiên nhưng nhiều người cảm nhận rõ nhiệt độ giảm khá sâu, trong khi có ý kiến nói rằng năm nay mùa Đông ấm hơn. Quan điểm của ông thì sao?
Mọi người cảm nhận rét đến sớm và lạnh giảm sâu, đó là bởi trạng thái thời tiết đang diễn ra; còn bản tin dự báo của chúng tôi là theo mùa, mang tính khí hậu và chuỗi số liệu chúng tôi tính toán dùng trong 30 năm.
Nếu so sánh thì nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tháng 11/2018, tháng 3 và tháng 4/2019 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 1 độ C. Tháng 12/2018 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Còn tháng 1 và tháng 2/2019 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 độ C.
Giả sử như ở Hà Nội, tại trạm Hà Đông nhiệt độ trung bình tháng 11 là 21,2 độ, tháng 12 là 18 độ, tháng 1 là 16,5 độ, tháng 2 là 17,4 độ, thì việc chênh lệch khoảng nửa đến một độ không phải là mức chênh quá lớn.
Ông Nguyễn Văn Hưởng. (Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản)
- Vào tháng chính Đông, các đợt rét đậm, rét hại ở Bắc Bộ được dự báo diễn ra vào thời điểm nào thưa ông?
Trong những năm gần đây tần suất xuất hiện của các đợt rét đậm, rét hại không đồng đều, cụ thể năm 2013 có 4 đợt rét đậm, rét hại, đến năm 2014 và năm 2015 thì có 5 đợt kéo dài; sang 2016 có 6 đợt và đến năm 2017 chỉ có 2 đợt.
Còn với năm nay theo nhận định của chúng tôi, đợt rét đậm, rét hại đầu tiên của mùa Đông năm 2018-2019 có xu hướng xuất hiện trong khoảng nửa cuối tháng 12, tương đương so với trung bình nhiều năm. Trong mùa Đông Xuân 2018-2019 rét đậm rét hại không kéo dài, khoảng 4-7 ngày, tập trung tháng 1/2019 và nửa đầu tháng 2/2019.
Miền Bắc đang trải qua đợt lạnh đầu tiên của mùa Đông. (Ảnh: VnExpress)
Bão không nhiều như năm trước
- Từ nay đến cuối năm còn khoảng bao nhiêu cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta thưa ông?
Dự báo từ nửa cuối tháng 10 đến hết năm 2018 khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão, áp tháp nhiệt đới, trong đó một cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung ở Trung Bộ. Những tháng cuối năm 2018 nhiều khả năng hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía nam Biển Đông không nhiều như năm 2016 và 2017.
Ngoài bão và áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, gió mạnh trên biển và đất liền, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác sẽ có khả năng xảy ra trên phạm vi cả nước, đặc biệt các hiện tượng dông lốc, mưa đá, mưa lớn cục bộ.
Ngoài ra, trên các khu vực ven biển và các vùng biển khu vực bắc và giữa biển Đông có thể sẽ xuất hiện gió mạnh do hoạt động của gió mùa Đông Bắc gây ra.
- Tình hình mưa ở các tỉnh Trung và Nam Bộ trong năm 2018 thế nào, thưa ông?
Tại Khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019 phổ biến ở mức thấp hơn trung nhiều năm 20-50%; riêng tháng 11 và tháng 12/2018 tại Bắc Trung Bộ ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khả năng thiếu hụt mưa trong các tháng chính mùa mưa và ít mưa trong những tháng đầu năm 2019, đặc biệt ở Trung và Nam Trung Bộ.
Với Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng mưa thời kỳ từ tháng 11/2018 đến tháng 4/2019 phổ biến ở mức thấp hơn 20-50% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, hầu như không mưa trong những tháng đầu năm 2019 tại khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ.