Khốc liệt nhưng không bất ngờ
Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tình hình hạn, mặn năm nay gay gắt và khốc liệt hơn cả đợt lịch sử năm 2016. Tuy nhiên, đây không phải chuyện bất ngờ mà được dự báo từ nhiều tháng trước.
"Quan sát mùa nước nổi năm trước là có thể đoán được tình hình hạn, mặn năm sau. Một là vì lượng nước ở ĐBSCL phần lớn từ thượng nguồn sông Mekong đổ xuống, mùa nước nổi mà nước ít thì mùa khô càng cạn kiệt. Hai là ranh giới mặn - ngọt vùng cửa sông Cửu Long trong mùa khô là sự tranh chấp ngày đêm giữa lực sông và lực biển, khi nào sông yếu thì nước biển lấn sâu.
Theo ông Thiện, tình hình hạn, mặn năm nay gay gắt và khốc liệt hơn cả đợt lịch sử năm 2016.
“Năm 2015, khi thấy lũ thấp, tôi và các đồng nghiệp cảnh báo hạn mặn 2016 sẽ khốc liệt nhưng nhiều người không tin, và điều đó đã xảy ra. Tháng 7/2019, chúng tôi lại cảnh báo một lần nữa khi thấy lũ thấp. Thực tế một lần nữa chứng minh mức độ hạn mặn có thể dự báo trước từ nhiều tháng”, ông Thiện cho biết.
Vị chuyên gia nói rõ thêm, từ tháng 1 đến tháng 9/2019, hiện tượng El Nino xảy ra trên toàn khu vực sông Mekong làm lượng mưa giảm mạnh, khiến nước trên con sông này ở mức thấp lịch sử. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn, mặn gay gắt như hiện nay ở ở ĐBSCL.
Cực đoan hơn do thủy điện
Nói về tác động của các công trình thủy điện trên sông Mekong đối với tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện cho biết ảnh hưởng chính của thủy điện là gây thiếu hụt phù sa mịn và cát, khiến quá trình bồi đắp ĐBSCL ngưng lại; cộng thêm tình hình khai thác cát dẫn đến sạt lở bờ sông, bờ biển khắp đồng bằng.
"Đó mới là chuyện chính. Còn nói về nước thì hồ chứa thủy điện khác hồ chứa thủy nông. Thủy điện không làm mất lượng nước mà chỉ tích xả để phát điện nên làm chậm đường đi của nước. Bản thân thủy điện không gây ra khô hạn nhưng khi gặp tình huống mưa ít, nước đi qua chuỗi đập mất hàng tháng vì mỗi đập phải đóng cho đủ độ sâu để chạy turbine.
Đập trên tích thì đập dưới phải chờ, đập trên xả thì đập dưới tích, cứ như thế nước đi qua rất chậm. Do đó, trong những năm bình thường, thủy điện ít ảnh hưởng đến lượng nước nhưng khi gặp tình huống cực đoan thì nó làm cho cực đoan thêm”, ông Thiện giải thích.
ThS Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL.
Vị chuyên gia cho biết, nước biển dâng cũng là yếu tố làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Mỗi năm, nước biển chỉ dâng cao thêm 3mm nhưng sau 30 năm, con số sẽ thành đáng kể. Trong khi đó, mặt đất đồng bằng đang bị sụt lún nhanh hơn nhiều lần so với tốc độ nước biển dâng. Tốc độ sụt lún trung bình toàn đồng bằng là 1.1cm/năm, có những nơi đến 2.5cm/năm do khai thác nước ngầm quá nhiều.
Ngoài ra, trong nhiều năm qua, các ô đê bao khép kín khắp ĐBSCL chiếm không gian hấp thu lũ. Nước không vào được ruộng vườn, gây ngập ở các đô thị và chảy ra biển. Đến mùa khô, khi sông Mekong yếu thì bản thân ĐBSCL không còn nhiều nước nên mặn lấn sâu hơn là điều tất yếu.
Cũng theo ông Thiện, mặc dù hình hình hạn mặn 2020 là cực đoan, không nên xem đây là tình hình chung trong tương lai rồi vội vã “bi đát hóa” rằng ĐBSCL ngày càng cạn kiệt nguồn nước. Nếu vội vã lấy mùa khô 2016 và 2020 làm chuẩn cho chiến lược lâu dài thì sẽ bị quá đà.
"Chiến lược lâu dài phải dựa trên tình hình chung của những năm phi cực đoan. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, những sự kiện cực đoan có thể xảy ra với tần suất cao hơn xưa, nhưng dù sao những năm thế đó vẫn không phải là tình hình chung" - Th.S Nguyễn Hữu Thiện nói.
Video: Hạn mặn khốc liệt nhất lịch sử: Chuyên gia cảnh báo diễn biến nguy hiểm