Nga sẽ tập trung phát triển kinh tế nội địa
Để đáp trả hành động quân sự của Nga ở Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã áp dụng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva. Ông Daniel Glazer, cựu trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ, gọi phản ứng của phương Tây là “cuộc cách mạng” nhằm “đẩy lùi nền kinh tế Nga ”.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định loạt biện pháp này có thể đẩy Nga vào cuộc suy thoái lớn và khiến lạm phát ở nước này leo thang. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng các đòn trừng phạt không thể làm tê liệt hoàn toàn nền kinh tế Nga.
Theo ông Clemens Grafe - nhà kinh tế học tại Goldman Sachs - cuộc khủng hoảng kinh tế Nga hiện nay chỉ là tạm thời. Moskva có thể khắc phục được tình trạng này trong vòng 6 đến 9 tháng nhờ lợi nhuận thu được từ việc bán dầu và khí đốt. Sau đó, Nga có thể tập trung phát triển kinh tế nội địa.
Người Nga đi rút tiền mặt ở Saint Petersburg, Nga, ngày 27/2/2022. (Ảnh: Reuters)
Về lâu dài, ông Grafe chỉ ra rằng các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với Nga sẽ ngày càng khó phát huy tác dụng. Nước này vẫn có thể thu mua hàng hóa nhập khẩu (đa phần là từ Trung Quốc) nhờ thu nhập từ việc bán nhiên liệu. Bên cạnh đó, thặng dư thương mại của Nga cũng là giải pháp giúp duy trì một nền kinh tế bị vây hãm.
Viện Tài chính Quốc tế cho biết, các lệnh trừng phạt sẽ có "tác động mạnh mẽ" đến hệ thống tài chính của Nga. Dù Moskva đã triển khai nhiều biện pháp kiểm soát vốn nhằm ngăn chặn dòng tiền chạy khỏi đất nước, đồng rúp vẫn giảm mạnh, dẫn đến lạm phát leo thang.
Theo phân tích của Ngân hàng Goldman Sachs, các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Ngân hàng Trung ương Nga sẽ khiến Moskva khó ngăn đồng rúp mất giá. Điều này có thể khiến lạm phát ở Nga lên đến 17% vào cuối năm nay.
Để ngăn chặn viễn cảnh trên, Ngân hàng Trung ương Nga phải tăng gấp đôi lãi suất, lên tới 20% - đây là mức tăng cần thiết để thu hút dòng tiền gửi vào các ngân hàng Nga.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2022 cũng giảm từ 2% xuống âm 7%, mức chi tiêu trong nước của khu vực công và tư nhân dự kiến sẽ giảm ít nhất 10%.
Tổng thống Putin.
Hôm 8/3, Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh đặc biệt về kinh tế nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trước các đòn trừng phạt của phương Tây.
Nga cũng đã áp đặt các biện pháp kinh tế đặc biệt để đáp trả hành động không thân thiện của Mỹ và các quốc gia, tổ chức quốc tế khác, cũng như các biện pháp kinh tế tạm thời nhằm đảm bảo ổn định tài chính của Nga. Chính phủ Nga cấm xuất khẩu nhiều mặt hàng viễn thông, y tế, ô tô, nông nghiệp, điện tử, công nghệ và một số sản phẩm lâm nghiệp đến cuối năm 2022. Hơn 200 mặt hàng được đưa vào danh sách tạm ngừng xuất khẩu, bao gồm cả toa xe lửa, container, tua bin...
Bộ Kinh tế Nga thông báo, một số mặt hàng lâm sản và sản phẩm từ gỗ cũng bị cấm xuất khẩu, nhưng không đề cập cụ thể sản phẩm nào. Bộ cho biết động thái này là “phản ứng hợp lý trước những biện pháp nhằm vào Nga”. Các lệnh cấm xuất khẩu cũng nhằm đảm bảo các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga không bị gián đoạn.
Kịch bản ở Iran lặp lại?
Ở thời điểm hiện tại, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nền kinh tế Nga đang phải đối mặt với “nhiều áp lực nghiêm trọng”.
Dầu khí sẽ là điểm tựa mạnh mẽ cho kinh tế Nga.
Nhưng các lệnh trừng phạt sẽ không dừng lại ở đó, chúng sẽ gây ra nhiều tác động lâu dài đối với Nga, bao gồm hạn chế tăng trưởng, nhập khẩu và cơ hội thu lợi từ dầu khí. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây mong đợi sự trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva sẽ có kết quả tương tự lệnh trừng phạt Iran - đặc biệt là những lệnh do Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ, ông Donald Trump áp đặt vào năm 2018. Ông Trump chủ trương cắt giảm doanh thu của Iran từ xuất khẩu dầu mỏ, huyết mạch kinh tế của đất nước này.
Cụ thể, Iran hoàn toàn bị loại khỏi các hệ thống tài chính thế giới, bao gồm cả Hệ thống Thanh toán toàn cầu SWIFT. Hậu quả, nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng đáng kể. Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy tổng sản phẩm quốc nội bình quân của Iran giảm tới 15% trong năm 2018 và 2019. Lạm phát lên đến 48% vào cuối năm 2018 và luôn duy trì ở mức trên 25% trong những năm tiếp theo.
Nhiều ngân hàng Nga đã bị hạn chế khỏi Hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, những gì xảy ra ở Iran cũng mang lại hy vọng cho nền kinh tế Nga. Sau một loạt lệnh trừng phạt hà khắc, hoạt động xuất khẩu dầu của Iran sang các quốc gia thân thiện vẫn được duy trì, giúp nền kinh tế nước này không sụp đổ sau nhiều năm trời bị hạn chế. Trên thực tế, các kệ hàng siêu thị của Iran vẫn luôn đầy ắp và các trạm xăng dầu hiếm khi bị thiếu xăng.
Ông Saeed Laylaz, nhà phân tích kinh tế người Iran, nói về “bí quyết” vượt qua làn sóng trừng phạt của nước này: “Với mỗi thỏa thuận hạt nhân, Iran có thể có tăng trưởng kinh tế tới 15%. Cho dù không ký được thỏa thuận nào thì chỉ cần giá dầu vẫn ở mức cao và Iran có thể bán ra 1 triệu thùng dầu/ngày, kết hợp với việc tăng thuế, nước này có thể điều hành nền kinh tế và tiếp tục tăng trưởng”.
Iran đã thành công trong việc đa dạng hóa nền kinh tế và tăng cường quan hệ thương mại với nhiều nước láng giềng, cũng như Trung Quốc. Nhờ đó, các quan chức ở Tehran tuyên bố rằng họ đã chiến thắng trong “cuộc chiến kinh tế”.
Tương tự, các nhà kinh tế kỳ vọng chính quyền Tổng thống Putin có thể vận hành nền kinh tế của Nga giống như Iran. Moskva có thể sử dụng nguồn vốn thu được từ việc bán dầu và khí đốt để mua hàng nhập khẩu từ các quốc gia và công ty sẵn sàng cung cấp.