Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia gợi ý 2 phương án giữ lại ngôi biệt thự trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập

(VTC News) -

Các chuyên gia vừa gửi UBND TP Hà Nội 2 phương án bảo tồn ngôi biệt thự 128C Đại La và toà nhà Trạm phát thanh thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai.

Liên quan tới việcngôi biệt thự phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập nguy cơ bị phá dỡ để phục vụ Dự án đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở, mới đây, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cùng Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam gửi thư kiến nghị TP Hà Nội dừng phá dỡ ngôi biệt thự số 128C Đại La và toà nhà Trạm phát thanh (thuộc Trạm phát sóng Bạch Mai).

Cùng với việc kiến nghị dừng phá dỡ ngôi biệt thự 128C Đại Là và toà nhà Trạm phát thanh, các chuyên gia cũng đưa ra những giải pháp nhằm bảo tồn 2 công trình có giá trị lịch sử và kiến trúc này.

Ngôi biệt thự 128C Đại La là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945.

Theo các chuyên gia, ngôi biệt thự 128C Đại La là biệt thự pháp cổ 2 tầng, rộng 191m2, cao khoảng 10,2m. Do nằm gọn trọng chỉ giới đường đỏ nên ngôi biệt thự sẽ khó giữ nguyên vị trí. Các chuyên gia kiến nghị 2 giải pháp kỹ thuật di chuyển toàn bộ ngôi biệt thự sang một vị trí khác và xây dựng chương trình quản lý khai thác phù hợp.

"Phương án tối ưu là điều chỉnh quy hoạch phân khu tại đây và đồ án thiết kế đô thị tuyến đường Vành đai 2 (hiện đang trình thầm định và chưa được phê duyệt) để xem xét quỹ đất bố trí ngôi biệt thự ngay cạnh công trình Trạm phát thanh để khoảng cách di chuyển vừa phải (khoảng 100m) và 2 công trình gắn bó với nhau. Từ đó sẽ dễ dàng cho việc bảo tồn, quản lý và khai thác sau này", nội dung nêu trong thư.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đưa ra phương án lựa chọn một khu vực đất công (rộng khoảng 300 đến 400m2) trong bán kính 500m để di dời biệt thự và biến nó trở thàh một công trình phục vụ mục đích công như thư viện, nhà văn hoá sau này.

Cùng với thư kiến nghị trên, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghiên cứu - Bảo tồn kiến trúc hiện đại Việt Nam phối hợp cùng các nhà khoa học, chuyên gia tại Đại học Xây dựng nghiên cứu, đưa ra đề xuất giải pháp kỹ thuật di dời ngôi biệt thự 128C Đại La.

Để di chuyển công trình này, trước tiên phải cắt móng - gia cố bằng bê tông cường độ siêu cao để tạo bề mặt móng chắc chắn. Móng sau đó sẽ được kê lên hệ thống dầm thép - gỗ - bánh xe di chuyển. Sau đó, ngôi biệt thự sẽ được di chuyển tới vị trí mới, được làm móng mới và hạ xuống.

"Điều kiện để áp dụng được phương pháp này là cần phải có mặt bằng rộng rãi, đường thẳng và phẳng, tiện di chuyển. Vị trí mới cách vị trí cũ từ 100 đến 200m. Chi phí cho quá trình thực hiện tiêu tốn khoảng 3,5 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian khoảng 3 tháng", các chuyên gia cho hay.

Theo các chuyên gia, phương pháp di chuyển trên có ưu điểm là bảo toàn nguyên vẹn công trình chính. Nhược điểm là phụ thuộc vào điều kiện nơi di chuyển có đảm bảo yêu cầu thuận lợi di chuyển, hành lang pháp lý phức tạp do phải xin phép các sở Xây dựng, Giao thông, Điện lực...

Phòng khách ở tầng 1 ngôi biệt thự.

Liên quan đến sự việc, sáng 23/12, ông Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, UBND TP Hà Nội ngừng việc hạ giải, phá bỏ căn biệt thự số 128C Đại La – trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập ngày 7/9/1945.

UBND TP Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam và một số bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tổ chức một hoặc một số cuộc làm việc để bàn và tìm phương án tốt nhất, hợp lý nhất cho ngôi nhà.

“Đài Tiếng nói Việt Nam xin cảm ơn các cơ quan, đơn vị, các nhà văn hoá, khoa học, các cơ quan báo chí và dư luận xã hội rất có trách nhiệm với một di sản văn hoá, lịch sử đặt biệt của đất nước”, ông Nguyễn Thế Kỷ nói.

Biệt thự số 128C Đại La (Hà Nội) từng là Sở Vô tuyến điện của chính quyền thực dân Pháp, thực chất là trạm phát sóng vô tuyến điện được xây dựng vào tháng 10/1912. Đây là nơi phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào trưa 7/9/1945, sau khi kế hoạch phát sóng ngày 2/9/1945 không thành công.

Trạm vô tuyên điện báo này là biểu tượng tiếp cận văn minh sớm nhất ở vùng châu Á bằng hệ thống vô tuyến điện không dây, nơi tiếp cận với kỹ thuật truyền tin hiện đại ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20.

Không chỉ ghi dấu văn minh của Việt Nam đầu thế kỷ 20, trạm vô tuyến điện báo này còn gắn với những dấu mốc lịch sử đặc biệt của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời kỳ non trẻ.

Thành Trung

Tin mới