Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia ĐH Hải chiến Mỹ: Cấm đánh cá trái phép, Trung Quốc ép buộc láng giềng

(VTC News) -

Trả lời VTC News, GS.TS.James Kraska cho rằng Trung Quốc tiếp tục mưu đồ xâm chiếm Biển Đông khi tuyên bố cấm đánh bắt cá tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam

Tân Hoa xã ngày 1/5 ngang nhiên thông báo Trung Quốc đơn phương tiếp tục thực hiện các lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè thường niên ở vùng biển từ phía Bắc đến 12 độ vĩ Bắc ở Biển Đông bắt đầu từ trưa cùng ngày.

Phạm vi này bao gồm một phần vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc thường xuyên cử các tàu hải cảnh đi thực thi công vụ phi pháp trên Biển Đông.

"Trung Quốc nói lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ các ngư trường trong khu vực, nhưng mục đích thực sự của họ là khẳng định quyền lực ép buộc đối với các quốc gia láng giềng", GS.TS.James Kraska, chuyên gia luật hàng hải quốc tế từ Trung tâm Luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ trả lời VTC News.

GS.TS. James Kraska nhận định: “Phần lớn cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của những nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam và Philippines. Các nước này có quyền hợp pháp với tất cả tài nguyên, bao gồm đánh bắt cá, trong EEZ của họ.

Trung Quốc hành động bất hợp pháp và vi phạm điều 56 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 khi thiết lập quy định ở vùng nằm ngoài EEZ của mình”.

Screen Shot 2020-05-06 at 11.34.29 PM.png

Trung Quốc hành động bất hợp pháp và vi phạm điều 56 Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 khi thiết lập quy định ở vùng nằm ngoài EEZ của mình

GS-TS James Kraska

Lệnh cấm vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế.

Điều này được quy định trong điều 56 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển và cũng được củng cố bởi Tòa án trọng tài thường trực The Hague năm 2016, ông Kraska cho biết.

Theo thông báo từ lực lượng hải cảnh Trung Quốc, hơn 50.000 tàu cá sẽ dừng hoạt động trong 3 tháng rưỡi và lực lượng này còn ngang ngược tuyên bố sẽ “nghiêm ngặt thực thi lệnh cấm theo các luật và quy định liên quan”, bảo vệ cái gọi là “quyền và lợi ích nghề cá và môi trường sinh thái biển”.

Bình luận về điều này, Tiến sĩ Kraska cho rằng, “nếu Trung Quốc quan tâm đến bảo tồn tài nguyên sống ở khu vực, họ sẽ không trợ cấp quá mức cho đội tàu đánh cá lớn nhất thế giới của mình.”

Chuyên gia từ Đại học Hải chiến Mỹ đánh giá Việt Nam đã kiên định trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền tài phán của mình.

"Các quốc gia trong và ngoài khu vực nên ủng hộ độc lập và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với tài nguyên thủy sản của mình. Cụ thể, Tổ chức Cá và Nông nghiệp Liên hợp quốc và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc cần làm rõ việc nếu các quốc gia mạnh nhất lại có thể chiếm đoạt tài nguyên của các quốc gia nhỏ hơn, thì luật biển quốc tế không có ý nghĩa gì nữa.

Tôi đề xuất Việt Nam xem xét việc tham gia một cơ chế trọng tài bắt buộc đối với Trung Quốc, giống như Philippines đã làm. Việt Nam sẽ thắng và có lẽ Trung Quốc sẽ phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của họ, điều đã gây tổn thất cho ngoại giao của Bắc Kinh trong khu vực và trên thế giới".

Video: Thế giới chỉ trích Trung Quốc hung hăng ở Biển Đông

Chỉ là động thái nhỏ để đưa ra yêu sách lớn hơn

TS.Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh Thái Lan, nhận định lệnh cấm đánh cá chỉ là một động thái nhỏ để Trung Quốc đưa ra yêu sách lớn hơn nhiều. Động thái lớn hơn của Trung Quốc là tuyên bố đơn phương thành lập hai quận quản lý Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam.  

Ông Thitinan Pongsudhirak cho rằng Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động yêu sách của mình ở Biển Đông trong đại dịch, khi tất cả các chính phủ đều bị COVID-19 tác động và để lại nhiều hậu quả.

Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp.

"Trung Quốc có lợi thế là nước đầu tiên bước vào và bước ra khỏi COVID-19. Các nhà hoạch định của PLA (Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc) và Hải quân PLA có thể thấy đây là cơ hội tốt để thực hiện các động thái trong khi những người khác đang bận tâm chú ý đến những việc khác. Đặc biệt khi Hải quân Mỹ chịu ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, ví dụ như COVID-19 bùng phát trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt", ông Thitinan Pongsudhirak nói với PV VTC News.

Nếu các nước liên quan khác không làm gì, Trung Quốc sẽ tiếp tục có nhiều động thái gây hấn nhiều hơn nữa, chuyên gia Thái Lan dự đoán.

Hôm 4/5, Trung ương Hội Nghề cá Việt Nam có công văn gửi Văn phòng Chính phủ, Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ NN&PTNT, Bộ Ngoại giao về việc phản đối quy chế cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc.

Trước hành động phi lý của Trung Quốc, Hội Nghề cá Việt Nam "kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc. Quy chế này không có giá trị pháp lý đối với các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ngư dân Việt Nam hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trên các vùng biển thuộc chủ quyền của mình".

Hội Nghề cá Việt Nam cũng kêu gọi và vận động ngư dân bình tĩnh, yên tâm bám biển đẩy mạnh sản xuất và kiên quyết thực hiện quyền lợi chính đáng của mình, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Phương Anh (Thực hiện )

Tin mới