Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuyên gia đề xuất lập Hội đồng thẩm định mới để 'phán quyết' sách Tiếng Việt 1

(VTC News) -

Theo chuyên gia, để phán quyết số phận sách Tiếng Việt 1- bộ Cánh diều thì phải thành lập Hội đồng thẩm định mới, độc lập, khách quan và công bằng.

Liên quan đến lùm xùm về sách Tiếng Việt lớp 1, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, nếu chỉ có vài ý kiến than phiền thì có lẽ không sao, nhưng cả xã hội đều lên tiếng, chủ biên sách, hội đồng thẩm định, Bộ GD&ĐT cần có thái độ cầu thị.

Trên một số phương tiện truyền thông đại chúng, chủ biên bộ sách Cánh diều chia sẻ việc dạy từ “nhá”, từ “chả”.... vì nó có trong từ điển. Tuy nhiên GS Dong bác bỏ lời giải thích đó và cho rằng từ điển là dành cho người lớn tra cứu, đó là quy chuẩn chung của chính tả. Còn với trẻ nhỏ phải cân nhắc sử dụng từ ngữ dễ hiểu, thông dụng, phù hợp với lứa tuổi để các em tập đọc, tập viết và ghép vần; chứ không phải vừa học, vừa tra từ điển như người lớn.

Điển hình như từ "nhá" trong bài tập đọc "Hai con ngựa" có thể thay bằng rất nhiều từ đồng nghĩa cùng mô tả hành động ăn uống gồm: ăn, nhai, đớp, xơi, và.

Từ đó GS Dong cho rằng, cần làm rõ vai trò và trách nhiệm khi để lọt "sạn" ở bộ Cánh diều. Không thể nói Hội đồng thẩm định sách vô can.

"Để có trọng tài giữa Hội đồng thẩm định, quần chúng và những người viết sách, chúng ta nên thành lập Hội đồng thẩm định mới, khách quan hơn và đảm bảo tính công bằng", vị chuyên gia đề xuất.

Bài tập đọc sách Tiếng Việt 1 - bộ Cánh diều.

Trong khi chờ các cơ quan quản lý đưa hướng giải quyết, theo GS.TS Phạm Tất Dong, trước mắt cần tăng cường trách nhiệm của giáo viên, hiệu trưởng để khắc phục sai sót của tác giả làm sách. Giáo viên cần chủ động thiết kế bài giảng theo chuẩn chương trình mới thay vì quá phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục và đào tạo của Chính phủ cho rằng, việc Bộ GD&ĐT yêu cầu Hội đồng thẩm định sách Tiếng Việt 1 thẩm định lại cũng là yêu cầu hội đồng phải xem xét trách nhiệm và giải trình.

Việc đó chỉ nên dừng lại ở mức đánh giá, còn nếu để đưa đến một phán quyết mới về số phận của bộ sách Cánh diều thì phải thành lập Hội đồng thẩm định mới, làm việc độc lập mới đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Như một số nước trên thế giới đưa ra 3 tiêu chí chính trong đánh giá sách giáo khoa. Thứ nhất, đánh giá trước khi đưa vào sử dụng để dự trù được những lỗ hổng, nguy cơ và tiềm năng của cuốn sách. Sách có phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông hay không.

Thứ hai, đánh giá trong quá trình sử dụng, sẽ xem xét sách và chương trình mới được áp dụng trên diện rộng hoạt động ra sao, có phù hợp với học sinh hay không. Thứ ba, sau khi kết thức năm học đầu tiên, sẽ đánh giá lại toàn bộ hiệu quả và quá trình áp dụng vào các trường học, lớp học.

Với việc đánh giá trước khi đưa vào sử dụng thì Bộ GD&ĐT đã có Hội đồng thẩm định sách. Nếu muốn biết trách nhiệm của hội đồng này trong việc đánh giá sách giáo khoa ra sao, thì phải lập một hội đồng mới. Hội đồng mới phải phát hiện cái hay cái dở, đánh giá thường xuyên, liên tục để đưa ra những lời khuyên kịp thời, rút kinh nghiệm cho năm học sau.

Về nội dung, TS Vinh cho rằng, sách giáo khoa phải đảm bảo tính dân tộc, nhân bản, giáo dục tự do cho học sinh. Trong khi đó, sách Tiếng Việt 1, bộ Cánh diều có rất nhiều bài đọc trích từ truyện ngụ ngôn của nước ngoài, trong khi đó ở Việt Nam không thiếu ca dao, tục ngữ, truyện ngắn. Như vậy bộ sách Cánh diều chưa đảm bảo tính dân tộc và giáo dục lòng yêu nước cho học sinh.

"Chủ biên sách quá mải chạy theo câu chuyện ghép vần mà quên đi phần nội dung dịch ngữ nghĩa của từ. Trong quá trình học phần ngữ âm không đứng tách biệt mà nó luôn đi cùng những nội dung truyện áp dụng vào thực tế cuộc sống", vị chuyện gia nói và cho rằng, cần thẳng thắn nhìn vào "sạn" của sách để chỉnh sửa cho phù hợp hơn.

Bộ sách Cánh diều.

TS Giáp Văn Dương, Hiệu trưởng trường Vietschool khi trả lời Tiền phong, nêu rõ không nên sử dụng lại hội đồng trước đây để thẩm định lại bộ sách giáo khoa mình đã thông qua, mà nên lập hội đồng mới để thẩm định lại nếu không kết quả sẽ không khác nhiều so với lần thẩm định đầu tiên.

Ông Dương cho rằng, nếu kết quả của lần thẩm định sau khác với lần đầu, chứng tỏ hội đồng thẩm định trước đây chưa chính xác.  Vì vậy, để “tâm phục khẩu phục”, tốt nhất nên lập Hội đồng thẩm định mới.

Đồng thời, TS Giáp Văn Dương lo lắng khi đã giữa tháng 10 nhưng chưa có sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 để đưa vào dạy thử nghiệm và đánh giá trên diện rộng. Trong khi đó, năm học 2021-2022 sẽ bắt đầu áp dụng đưa vào dạy đại trà. Điều này khá nguy hiểm vì giáo viên không được đào tạo kỹ, chưa đánh giá được chất lượng, và rồi sẽ lại tiếp tục có những tranh cãi như sách lớp 1.

Hà Cường

Tin mới