Ông Nguyễn Văn Toàn, Hiệu trưởng trường THPT Đoan Hùng (Phú Thọ) tán thành với quyết định giữ ổn định kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Học kỳ II có 18 tuần, trước và sau Tết học sinh học 2 tuần, còn 16 tuần học. Như vậy, trong điều kiện thuận lợi, học sinh quay lại trường vào tháng 4 vẫn đảm bảo học hết chương trình để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia.
Hiện cả nước có gần 40 tỉnh, thành cho học sinh THPT đi học từ ngày 2/3, chúng ta có đủ quỹ thời gian dạy và kết thúc chương trình vào đầu tháng 6/2020. Còn với những tỉnh đang cho học sinh nghỉ do dịch thì sẽ có 3 tuần cuối của tháng 6 để học đuổi các địa phương khác trên cả nước.
“Như vậy, có thể thấy tính ổn định về chất lượng kỳ thi năm nay sẽ không bị ảnh hưởng vì đến thời điểm này các em nghỉ bao nhiêu thì sẽ được bù bấy nhiêu”, ông Toàn nói.
Trong trường hợp xấu nhất, dịch còn kéo dài đến hết tháng 4, Bộ GD&ĐT có thể tiếp tục điều chỉnh khung chương trình năm học, lùi thời gian thi, thời gian tuyển sinh và khai giảng năm học tới.
Các chuyên gia đề xuất Bộ GD&ĐT giảm áp lực kỳ thi, giảm độ khó đề thi THPT quốc gia năm nay, phù hợp với tình hình dạy và học đang gặp nhiều cản trở như hiện nay.
Ngoài ra, theo ông Toàn, Thủ tướng đã có chỉ đạo “giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học”, nên Bộ GD&ĐT hoàn toàn có căn cứ để tính toán cắt bớt hàm lượng kiến thức học và thi THPT quốc gia năm nay.
Song song với việc giảm bớt hàm lượng kiến thức thì Bộ GD&ĐT nên chỉ đạo thực hiện đúng tinh thần "học gì thi nấy", không dàn trải, không lan man và không nhiều các câu hỏi đánh đố thí sinh như mọi năm.
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường Lê Quý Đôn (Hà Nội) bày tỏ, Bộ GD&ĐT nên tổ chức thi THPT quốc gia gọn nhẹ hơn. Đặc biệt cần giảm độ khó của đề thi, điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. Bởi các em có kỳ nghỉ dịch Covid-19 quá dài, lượng kiến thức ôn tập không được xuyên suốt như trước đây.
Tương tự, cô Phạm Thái Lê, trường THCS&THPT Marie Curie cho biết, Bộ GD&ĐT có thể tính đến phương án giảm chương trình học, giới hạn khung ôn tập nhằm giảm áp lực cho học sinh trước kỳ thi. Chẳng hạn chúng ta thi 5 bài thì khoanh vùng kiến thức cho học sinh ôn tập 5 bài, thi 7 bài thì cho học sinh ôn tập 7 bài. Vì khung ôn tập và dung lượng đề thi hoàn toàn do Bộ quyết định.
Chỉ có như vậy dung lượng của đề thi, chất lượng của kỳ thi vẫn giữ nguyên mà học sinh không phải ôn tập kéo dài sang hết cả thấng 7 nắng nóng, vất vả, cô Thái Lê nhấn mạnh.
Ví dụ môn Ngữ Văn lớp 12, như mọi năm Bộ GD&ĐT giới hạn ôn tập trong 15 bài thì năm học này có thể bỏ 3 bài chỉ ôn tập 12 bài. Trong 12 bài đó tiếp tục giới hạn phần nào giữ nguyên, phần nào cắt bớt đi. Điều này hoàn toàn khả thi và nằm trong sự tính toán, kiểm soát của Hội đồng ra đề thi.
Theo cô Thái Lê, Bộ GD&ĐT nên chuẩn bị nhiều phương án, nếu học sinh nghỉ học đến đầu tháng 4 thì chương trình học là phương án A, học sinh nghỉ học đến hết tháng 4 là phương án B. Thậm chí chúng ta phải chấp nhận trong tình huống xấu nhất là nghỉ hết học kỳ 2. Đừng vội lo ngại việc học sinh không đến trường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của người học.
Trong thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT và Chủ tịch TP Hà Nội ngày 16/3, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội) cũng đề xuất giảm bớt môn thi THPT quốc gia, bớt gánh nặng cho học sinh.
Dù Bộ GD&ĐT đã hai lần điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020. Các trường phải dạy và học online hoặc qua truyền hình... Tuy nhiên, không phải địa phương, nhà trường, giáo viên, học sinh nào cũng có đủ điều kiện để dạy và học từ xa có hiệu quả, chất lượng học sinh sẽ có phần giảm sút.
Do đó, thầy Nguyễn Xuân Khang đề xuất chỉ nên thi môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ ở kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Nội dung đề thi cần điều chỉnh phù hợp với thực tế học sinh đã nghỉ học 2 tháng phòng Covid-19 và có thể nghỉ tiếp.
“Bộ GD&ĐT cũng nên cân nhắc xây dựng và sớm ban hành đề minh họa các môn thi, giúp học sinh và nhà trường có kênh tham khảo để ôn tập và yên tâm về định hướng ra đề trong năm học này”, thầy Khang cho hay.
Video: Những thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia 2020