"Phương tiện giao thông xanh là xu thế phát triển tất yếu trong tương lai nhằm cải thiện không khí, giảm ô nhiễm tại các đô thị. Các tập đoàn lớn của Việt Nam đang làm rất tốt việc xanh hoá giao thông", TS Nguyễn Xuân Thuỷ, chuyên gia giao thông nói.
Tuy nhiên, để hệ thống xe điện phát triển, trở nên phổ biến, các đơn vị, công ty phải giải quyết tốt hơn nữa vấn đề trạm sạc. "Xe điện phải thuận tiện người ta mới chọn mua, nếu đi sạc điện mất 10km hoặc chen chúc, xếp hàng sạc pin, không thuận tiện thì họ sẽ không mua", tiến sĩ này nêu quan điểm.
Để xây dựng được mạng lưới như vậy, đòi hỏi doanh nghiệp, nhà nước, các địa phương chung tay, tạo điều kiện có chính sách phát triển xe điện, trong đó cần thiết có hạ tầng nơi sạc điện.
Một trạm sạc xe điện ở khu đô thị tại quận Long Biên, Hà Nội.
Theo TS Thuỷ, các địa phương nên có chính sách ưu tiên quỹ đất dành cho nơi xây, lắp trạm sạc điện với giá rẻ hoặc không lấy kinh phí. Nơi nào có thể cấp được thì cấp sớm để doanh nghiệp lắp các trạm sạc điện.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải bỏ vốn nhiều hơn vào việc phát triển mạng lưới trạm sạc điện, đưa công nghệ mới vào sạc nhanh, thuận tiện hơn, giúp cho người sạc điện thấy thuận lợi. Vì vậy mong nhà nước nên có chính sách giảm lãi suất ngân hàng, quỹ đất, các trợ giá. Ví dụ ở Mỹ, Anh người mua xe điện có thể được tài trợ gần 10.000 USD.
Ở Trung Quốc hay Anh, Mỹ, Na Uy, Canada số người dùng xe điện lên tới 20-30% hoặc tới 40%. Một số nước phấn đấu đến năm 2025 - 2026 không sử dụng động cơ đốt trong, tức là không dùng nhiên liệu hoá thạch nữa. "Ở các quốc gia này, sạc điện là chuyện đơn giản giống như chúng ta mua xăng vậy", TS Nguyễn Xuân Thuỷ nói và cho rằng chúng ta cần vào cuộc nhanh hơn việc xanh hoá giao thông, đây là điều rất cần thiết, cấp bách.
Đồng quan điểm, PGS.TS Bùi Thị An (nguyên Đại biểu Quốc hội khoá XIII) khẳng định, chỉ có giao thông xanh mới giảm bớt ô nhiễm không khí, để Chính phủ tiến tới mục tiêu Net zero vào 2050.
Trong việc xanh hoá giao thông, nhà nước không cần vào cuộc hoàn toàn mà có thể xã hội hoá. Muốn xã hội hoá giao thông xanh thì phải tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia hài hoà lợi ích, tức là ít nhất họ được lợi nhuận. Trong đó cần tạo điều kiện xây dựng các trạm nạp pin, xe hết điện có thể nạp ngay. "Đây là những vấn đề đặt ra ngay từ đầu khi muốn người dân chuyển từ phương tiện giao thông gây ô nhiễm sang phương tiện giao thông xanh", bà An nhấn mạnh.
Ngoài việc xây dựng hạ tầng trạm sạc điện ở các thành phố lớn, chúng ta cần quy hoạch tổng thể mở rộng ra ngoại thành, liên tỉnh, kết nối giữa các tỉnh, thành phố. Như vậy cả doanh nghiệp và người dân mới mặn mà với giao thông xanh.
"Tôi nghĩ mục tiêu là tốt nhưng đề nghị có lộ trình cụ thể, rõ ràng như từng năm sẽ làm gì, nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân sẽ tham gia thế nào", bà An phân tích.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho hay, nhiều năm gần đây, Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm không khí nghiêm trọng, chỉ số ô nhiễm ở mức kém và xấu.
Một trạm sạc xe điện.
Một trong những nguyên nhân xuất phát từ các phương tiện giao thông cá nhân, khi hiện có hơn 6 triệu xe máy, 800.000 ô tô đang hoạt động trên địa bàn thành phố, trong đó nhiều xe đã cũ vẫn hoạt động. Không có biện pháp mạnh về giao thông xanh, không thể giúp Hà Nội giảm ô nhiễm.
Muốn đạt mục tiêu Netzero 2050, Chính phủ và các địa phương cần có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích phát triển loại xe điện, đặc biệt là xây dựng trạm sạc phổ biến, thuận tiện sử dụng hơn.
Để xây dựng trạm sạc cho hệ thống xe xanh, phải qua nhiều thủ tục và đây cũng là rào cản hạn chế sự phát triển của loại hình phương tiện này. Thành phố cần đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ cho hoạt động
PGS.TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (trường Đại học Việt Đức), cho hay việc phát triển xe điện là xu hướng tất yếu của thế giới để đảm bảo sự phát triển giao thông thông minh, giảm phát thải… trong tương lai. Muốn vậy chúng ta nhất thiết phải đầu tư được hệ thống trạm sạc xe điện đảm bảo tính tương thích cho nhiều dòng xe điện.
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp kêu gặp khó khi muốn đầu tư trạm sạc điện ở TP.HCM, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải làm việc với nhau, làm việc với doanh nghiệp… từ đó đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp với quy định, quy hoạch chung.
Đồng thời phải xác định từ đầu khi đầu tư một hệ thống trạm sạc thì phải được sử dụng chung, hạ tầng công cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng, chứ không chỉ dành riêng cho một loại xe hay một đơn vị nào đó mới đảm bảo tính hiệu quả được.
Theo một giám đốc công ty đầu tư trạm sạc tại TP.HCM, các quy định pháp lý về đầu tư trạm sạc điện công cộng còn hạn chế, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình xin giấy phép và triển khai dự án. Chẳng hạn, doanh nghiệp khi đăng ký địa điểm kinh doanh trạm sạc xe điện tại nơi công cộng thì được phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư phản hồi phải chờ phản hồi của các sở ban ngành khác và chính quyền địa phương đặt trạm sạc.
Vì vậy việc cần thiết lúc này là có quy định, hướng dẫn cụ thể về thời gian xét duyệt hồ sơ và đơn giản hóa các thủ tục. Điều này tránh thủ tục đi lòng vòng, doanh nghiệp xin giấy phép mấy tháng hoặc cả năm không xong.
Bên cạnh đó, theo vị này, hiện chưa nhiều chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào hạ tầng trạm sạc. Mạng lưới điện thành phố cũng chưa được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sạc đồng thời của nhiều xe điện, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư. Các chính sách hỗ trợ giá điện cho trạm sạc cũng chưa có.
Trong khi đó để khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện, cần một mức giá hợp lý dành cho việc sạc pin và quá trình sạc phải thực sự thuận tiện, nhanh chóng. Nếu áp dụng đơn giá điện kinh doanh cho trạm sạc thì các doanh nghiệp đầu tư trạm sạc gần như không có lãi, thậm chí có thể lỗ vốn, vị này cho hay.
Tháng 8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, các bộ ngành chưa có lộ trình rõ ràng, thiếu trọng tâm, trọng điểm liên quan đến chuyển đổi xanh trong lĩnh vực giao thông.
Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành liên quan, địa phương để rà soát, đề xuất chính sách khuyến khích, hỗ trợ chuyển đổi sang phương tiện giao thông dùng điện, nhiên liệu xanh, với các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người sử dụng.
Cùng đó, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố sớm có hướng dẫn tạm thời cho chính quyền địa phương bổ sung quy hoạch về trạm/trụ sạc điện trong xây dựng đô thị, hạ tầng giao thông. Trong đó lưu ý cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm/trụ sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ cơ chế tính giá điện cho các trạm/trụ sạc điện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp người sử dụng xe điện.