Tại Hội thảo Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế do Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch (VHTTDL) tổ chức chiều 24/1, nhiều chuyên gia đề xuất, nên mở cửa ngành du lịch để đón khách quốc tế sớm, trước dịp nghỉ lễ 30/4/2022.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành công điện truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, khoa học, hiệu quả đón khách du lịch quốc tế.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu khai mạc.
Ông Đinh Việt Sơn - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải - khẳng định, Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải, ủng hộ việc mở cửa lại du lịch quốc tế, nhằm đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới. Kế hoạch mở cửa khách du lịch quốc tế của chúng ta là 30/4, khớp với kế hoạch mở lại của ngành hàng không.
Ông Sơn cho biết, ngay từ tháng 10/2021, Bộ giao thông vận tải cũng đã nghiên cứu việc mở lại chuyến bay quốc tế nhưng vì nhiều lý do nên tới tháng 12 mới có thể thực hiện. Hiện nay, chúng ta đã mở chuyến bay quốc tế thường lệ với 10 thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Lào, Campuchia...riêng Trung Quốc vẫn từ chối do tình hình dịch bệnh trong nước.
Tuy nhiên, ông Sơn đề nghị triển khai sớm hơn vì trong tháng 5/2022 còn có sự kiện SEA GAMES 31 sẽ tổ chức tại Việt Nam, cần có thời gian triển khai chuẩn bị về phía cơ quan quản lý Nhà nước và hành khách quốc tế.
"Bộ Giao thông vận tải ủng hộ việc mở cửa du lịch quốc tế luôn từ đầu tháng 2/2022. Tuy nhiên, hiện nay, một vấn đề vướng mắc với chuyến bay quốc tế thường lệ và các chuyến bay khác là ngoài chứng nhận xét nghiệm âm tính PCR, trước và sau khi xuống khỏi tàu bay, du khách còn phải thực hiện test nhanh. Các nhà ga ở những nước khác không thực hiện việc test nhanh tại sân bay bởi dễ gây tình trạng tắc nghẽn. Nếu chúng ta vẫn giữ quy định như vậy, việc tổ chức bay sẽ rất vất vả, khách du lịch sẽ thấy rắc rối", ông Sơn phát biểu.
Do đó, ông Sơn đề nghị nếu vẫn phải thực hiện test nhanh thì không nên tổ chức test ở sân bay mà nên đưa về các địa điểm du lịch đã có cam kết để tránh tình trạng ùn tắc, gây khó khăn cho khách du lịch
Tương tự, TS. Bác sĩ Nguyễn Thu Anh- chuyên gia nghiên cứu độc lập đưa ra dự báo tình hình dịch và giải pháp chính: Chúng ta đều biết, khi Omicron xuất hiện, các ca bệnh tăng nhanh, dự báo 400 nghìn ca/ngày. Tuy nhiều nhưng ca bệnh lại nhẹ hơn. Thế giới thống kê, tỉ lệ bệnh nặng và tử vong ít hơn chúng Delta. Chúng ta không nên lo lắng vì tỉ lệ tiêm của chúng ta cao.
Theo bà Thu Anh, trong các giải pháp chống dịch, không có giải pháp nào là đóng cửa du lịch. "Đóng cửa không giảm được lây lan. Đóng cửa để Omicron không vào Việt Nam nhưng Omicron đã vào. Vậy đóng làm gì? Đóng chờ cái gì? Chờ vaccine chống Omicron thì 2-3 năm chắc có lẽ xóa sổ ngành du lịch. Điều này không ai mong muốn", bà Thu Anh nhấn mạnh.
Từ đó, bà Thu Anh đề xuất: Ngành du lịch có thể mở sớm hơn 30/4 và không thí điểm nữa mà mở luôn. Chúng ta có miễn dịch cộng đồng rồi. Thích nghi an toàn, không nên theo đuổi chiến dịch zero COVID-19. Tăng khả năng chống dịch, chứ không phải là chăng dây khắp mọi nơi.
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, địa phương này đề xuất mở cửa sớm 1 tháng. "Theo dự thảo của Bộ VHTTDL đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, chúng tôi xin phép mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022. Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm…để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cũng như các hoạt động thể thao như SEAGames 31. Đề nghị các Bộ ngành đề xuất với Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc có giấy xác nhận khỏi COVID-19 trong thời gian 6 tháng", ông Quyền nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng cần mở cửa sớm du lịch quốc tế, trước dịp nghỉ lễ 30/4/2022.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn và đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Trước đại dịch COVID-19, ngành du lịch đã có những đóng góp và sự phát triển chung theo hướng bền vững. Tỷ lệ đóng góp của ngành du lịch chiếm 10% trong tổng số GDP của cả nước và là ngành kinh tế được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Từ Nghị quyết Trung ương 8 của Bộ Chính trị xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn đến việc thể chế hóa Nghị quyết của Đảng bằng các quy định của pháp luật nhất là khi Luật Du lịch ban hành vào năm 2017 và Chương trình phát triển du lịch được phê duyệt càng có điều kiện để du lịch phát triển vững chắc hơn.
Tuy nhiên, trong đà phát triển đó, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, không chỉ Việt Nam và tất cả các quốc gia trên thế giới đều bị thiệt hại, tổn thất. Du lịch được xác định là ngành kinh tế bị tổn thất nặng nề. Nhiều cơ quan truyền thông gọi là "đóng băng, xuống đáy"… và du lịch VN không nằm ngoài xu thế bị tác động tiêu cực. Nhưng với nỗ lực cao, quyết tâm lớn, cùng với việc tìm kiếm những giải pháp có tính khả thi để du lịch trở lại hoạt động bình thường, thời gian vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền các địa phương đã nỗ lực cố gắng tìm hướng đi một cách thích hợp.
"Thời gian vừa qua được hiểu như một chiếc lò xo nén, tích cực chuẩn bị để khi có cơ hội thuận lợi sẽ bật lên thúc đẩy nền kinh tế đi nhanh hơn, vượt trội hơn", ông Hùng nói.