Từ 15/3, Việt Nam mở cửa lại du lịch đón khách quốc tế, hàng loạt các dịch vụ khác theo đó cũng được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, hiện các chủ quán karaoke ở Hà Nội vẫn đang mong ngóng từng ngày để được mở cửa.
Lấy dẫn chứng việc TP.HCM cũng như nhiều địa phương khác đã cho phép karaoke, vũ trường hoạt động từ vài tháng nay, PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nêu quan điểm, thời điểm hiện tại, Hà Nội cũng nên cho dịch vụ karaoke mở cửa.
Dịch vụ karaoke ở Hà Nội vẫn chưa được hoạt động trở lại. (Ảnh minh họa)
“Tại Hà Nội, số ca COVID-19 tuy đang cao nhưng chúng ta đã xác định sống chung với dịch rồi thì vẫn nên cho các dịch vụ hoạt động trở lại. Cùng với đó là khuyến cáo người dân nếu ai đang có vấn đề về sức khỏe, đang là F0 hoặc mới tiếp xúc với ca bệnh thì cần tự giác phòng dịch lây lan”, ông Nga nói.
Phân tích kỹ hơn, ông Nga lý giải: Hiện tại, Chính phủ đang yêu cầu Bộ Y tế theo dõi sát diễn biến dịch bệnh trên thế giới và trong nước để kịp thời chuyển biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B. Vì thế, việc cho phép karaoke được hoạt động trở lại là phù hợp. Vì việc dừng quá lâu ảnh hưởng đến người dân rất nhiều, trong khi vốn đầu tư không hề nhỏ.
Chuyên gia y tế Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng đồng quan điểm trên. “Hà Nội nên mở cửa trở lại dịch vụ karaoke trong bối cảnh đã nới lỏng toàn bộ. Tuy nhiên, vẫn phải tăng cường kiểm soát rủi ro”, ông Phu đề xuất.
Trong khi đó, ở góc độ kinh tế, chuyên gia Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - nhìn nhận, ở Hà Nội, hiện có rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đã đóng cửa hoặc treo biển cho thuê mặt bằng. Từ đó cho thấy, một lượng lớn đã không thể trụ lại, khiến rất nhiều người mất việc làm hoặc thiệt hại nặng nề về tài chính. Nếu việc đóng cửa kéo dài, tình trạng này sẽ còn nặng nề hơn, thêm nhiều cơ sở nữa sẽ phá sản.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia còn cho rằng, karaoke là một mắt xích trong chuỗi các dịch vụ cần thiết để phát triển kinh tế ban đêm khi Việt Nam mở cửa du lịch, đón khách quốc tế.
“Du khách khi đi chơi thường có nhu cầu giải trí và karaoke là một trong những dịch vụ để kết hợp với ngành du lịch, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Nếu vẫn tiếp tục cấm, họ sẽ phá sản. Việc vẫn cấm karaoke cho thấy Hà Nội vẫn chưa mở cửa hoàn toàn, ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch phục hồi du lịch và kinh tế của Thủ đô”, ông Doanh nhấn mạnh.
Theo ông Doanh, để tránh những rủi ro về lây lan dịch bệnh, các bộ ngành và địa phương cần đưa ra những hướng dẫn cụ thể, nghiêm ngặt đối với dịch vụ này.
Thông tin với VTC News, một chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke ở Hà Nội cho biết: “Khoảng 18 tháng ngừng hoạt động, chỉ tính riêng chi phí mặt bằng cũng tốn hơn tỷ đồng. Không hoạt động thì lấy đâu ra tiền, tôi phải đi vay để bù vào. Nếu tình trạng này còn kéo dài thêm nữa thì khả năng là phá sản”.
Theo vị này, chi phí cho phần mặt bằng đối với karaoke là khá cao. Để kinh doanh karaoke thì chủ quán ít cũng phải thuê mặt bằng 50 - 100 triệu đồng/tháng. Ấy là chưa kể các chi phí đầu tư vào thiết bị điện tử, trang trí, cách âm. Theo thời gian, những phần nội ngoại thất này sẽ xuống cấp và phải tu sửa lại.
“Những nơi tụ tập đông người như nhà hàng ăn uống, sân vận động…đều đã được mở cửa trong khi loại hình kinh doanh của chúng tôi phòng ốc rộng rãi, khách thường đến theo nhóm thường là gia đình hoặc cơ quan, nghĩa là cơ hội lây nhiễm không phải quá cao. Chúng tôi cũng trang bị đầy đủ sát khuẩn, chụp mic để thay sau mỗi lần tiếp khách. Ấy vậy mà đến giờ chúng tôi vẫn chưa được hoạt động”, ông Nguyễn Đăng Sỹ, chủ quán karaoke Idol (Cầu Giấy, Hà Nội) đặt câu hỏi.