Trên Football Reaction số 4 của Next Sports, nhà báo Trương Anh Ngọc cho biết, câu chuyện liên quan đến hình ảnh quảng cáo của cầu thủ trên các phương tiên thông tin đại chúng là câu chuyện nhạy cảm.
“Sau khi có phán quyết Bosman vào năm 1995, giá trị cầu thủ tăng rất cao. Giá trị ở đây không chỉ là chuyển nhượng mà còn là bản quyền hình ảnh. Cho nên những vụ chuyển nhượng luôn luôn phức tạp không phải ở lương mà ở giá trị gia tăng từ hình ảnh cầu thủ.
Thường trong những câu chuyện này, CLB luôn muốn được hưởng lợi. Và tôi thấy với các CLB lớn của thế giới, các hợp đồng với cầu thủ rất rành mạch. Họ phân định rõ cái gì thuộc về cầu thủ, cái gì thuộc về CLB.
Còn theo những gì tôi đọc từ báo chí, từ CLB Hà Nội trong vấn đề này, có vẻ mọi thứ đều được đưa vào một rọ. Giống như CLB Hà Nội là người chủ quản về hình ảnh của các cầu thủ. Và CLB Hà Nội sẽ kêu gọi quảng cáo cho các cầu thủ trên mạng xã hội mà cầu thủ tham gia sau đó chia phần % lợi nhuận.
Về điều này, tôi không ủng hộ, bởi vì làm gì trên Facebook, Instagram, Twitter… là quyền riêng của cầu thủ. Họ lập ra là để sử dụng vào những việc cá nhân của họ và việc họ nhận các hợp đồng quảng cáo cũng là chuyện cá nhân.
Nếu các hợp đồng đó không xung đột, va chạm với quyền lợi của CLB thì việc đưa ra quy định nói trên là không hợp lý.
Ở đây không quy định được, CLB phải thương lượng với các cầu thủ. Quang Hải có người đại diện, phụ trách trang cá nhân của anh ấy và nhận các hợp đồng quảng cáo để đăng lên Facebook. Tóm lại chuyện này không dính dáng gì tới CLB”, nhà báo Trương Anh Ngọc nói.
Quang Hải và các đồng đội ở CLB Hà Nội.
BLV Quang Huy cho rằng, việc CLB Hà Nội đưa ra quy định chia lợi nhuận quảng cáo từ trang cá nhân cầu thủ có cái lý của họ.
“Các vấn đề liên quan tới giao dịch hàng hóa online ngày càng nhiều, số tiền quảng cáo từ hình thức này sau đại dịch COVID-19 cũng sẽ tăng lên. Vì thế, CLB Hà Nội phải tính đến.
Cá nhân tôi chưa thể đưa ra nhận định hay kết luận gì về việc này bởi chúng ta không biết được chính xác mức đưa ra thỏa thuận giữa CLB và cầu thủ như thế nào. Có thể nó chỉ là một phần rất nhỏ.
Có lẽ chúng ta không hiểu vấn đề này bằng cầu thủ và khi cầu thủ và người đại diện chưa đưa ra quan điểm về vấn đề này thì cứ coi như cầu thủ tạm thời đang chấp nhận quyết định của CLB.
Theo tôi, việc này nếu có áp dụng cũng cứ coi như lộc bất tận hưởng. Nó không phải là thứ bắt buộc nhưng làm sao để vui vẻ cả làng. Cũng giống như các cầu thủ được hưởng danh hiệu cá nhân ở các giải đấu thì tự hiểu với nhau là có một phần chia cho cả đội.
Tôi hy vọng mức mà Hà Nội đưa ra chỉ là mức nhỏ, mang tính tượng trưng và là bước mở đầu”, BLV Quang Huy chia sẻ.
Với BLV Quang Tùng, anh cho biết, quan điểm của anh là trong bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là mối quan hệ có nhiều tính pháp lý thì cần phải căn cứ trên các bản hợp đồng, ràng buộc của các bên liên quan.
“Các cầu thủ là tài sản của CLB nên CLB có nhiều quyền trong đó. Và những quyền đó được thể hiện trong hợp đồng thì cầu thủ phải có nghĩa vụ tuân thủ”, BLV Quang Tùng nói.
Cũng giống như BLV Quang Huy, BLV Quang Tùng không đưa ra nhận định việc này đúng hay sai vì anh không có hợp đồng trong tay và những người liên quan thì chắc cũng không đưa bản hợp đồng này ra cho mọi người xem. Nhưng BLV Quang Tùng tin là các bên đều có sự tôn trọng với những quy định đã được thỏa thuận, đã được ký trong hợp đồng.
“Tất cả đều có thể thỏa thuận được với nhau bởi đây cũng chỉ là những khoản mang tính gia tăng để làm sao cầu thủ thì hài lòng, CLB thì không bị qua mặt trong cái được gọi là quyền của họ”, BLV Quang Tùng cho biết thêm.