Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Chính sách cứu doanh nghiệp hậu COVID-19 chậm, manh mún và dàn trải

(VTC News) -

Các chuyên gia nhận định, các giải pháp hỗ trợ COVID-19 dù nhiều “gạch đầu dòng” nhưng tổng hợp lại, mọi thứ vẫn không thực sự chạm tới “nỗi đau doanh nghiệp”.

Giữa lúc khó khăn nhất, doanh nghiệp vẫn đang phải tự xoay sở, đợi sự giải cứu thực sự ra tấm ra món.

Chưa có doanh thu, gia hạn thời gian nộp thuế 5 tháng là phi thực tế

Số liệu 5 tháng của Tổng cục Thống kê về tình hình doanh nghiệp khiến nhiều người giật mình bởi chỉ tính riêng tháng 5, cả nước đã có tới 3.342 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 43,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, con số còn lớn hơn rất nhiều với hơn 26.000 doanh nghiệp, tăng mạnh 36,4% so với một năm trước đó.

 

Chưa khi nào, doanh nghiệp trong nước lại rơi vào cảnh khó khăn như hiện tại. Trả lời báo chí mới đây, ông Hồ Xuân Phúc, TGĐ Công ty cổ phần Du lịch Thương mại và Đầu tư Hà Nội (Hanotours) cho biết, trong nhiều tháng, mọi hoạt động của công ty rơi vào cảnh đóng băng bởi khách hàng hủy toàn bộ dịch vụ. Thời gian gần đây, tình hình kinh doanh mới rục rịch trở lại, song quan trọng nhất là nhu cầu của khách hàng giảm mạnh nên dù cố gắng, doanh nghiệp vẫn như đứng trên bờ vực.

Rất nhiều ý kiến tương tự được gửi tới ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội thời gian qua. Ông Quốc Anh khẳng định, vấn đề khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện tại là tổng cầu giảm và thị trường xuất khẩu hạn chế. Dù tại Việt Nam, dịch bệnh đã được kiểm soát nhưng ở nhiều nước, tình hình vẫn diễn biến phức tạp. Đó là rào cản chưa thể vượt qua của người làm kinh doanh. “Phần lớn doanh nghiệp đang hoạt động cầm hơi”, vị đại diện hiệp hội lên tiếng.

Bàn về những giải pháp đang được Chính phủ đưa ra như gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, tiền thuê đất,… ông Quốc Anh thừa nhận, đây chỉ là sự bổ trợ chứ không đủ sức nặng giúp doanh nghiệp thoát khó khăn.

Ông nhấn mạnh việc giãn thời gian nộp thuế TNDN, VAT, tiền thuê đất chỉ 5 tháng “không giải quyết vấn đề gì” vì những tháng đầu năm, nhiều nơi thậm chí còn chưa phát sinh doanh thu thì 5 tháng không nhiều ý nghĩa.

Trong tọa đàm “Làm gì để giải cứu doanh nghiệp sau COVID-19?” được tổ chức ở Hà Nội mới đây, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng hơn một lần cảnh báo, chính sách sự hỗ trợ hiện tại quá nhỏ so với thiệt hại của doanh nghiệp.

Một số khoản hỗ trợ theo ông đang có tình trạng “lặt vặt” như tạm dừng đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất. Hay, có giải pháp chỉ một số ít doanh nghiệp Nhà nước được hưởng như miễn phí bảo lãnh đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh.

 

Vị chuyên gia tổng kết, sự hỗ trợ hiện tại chậm, manh mún, không ra tấm ra món. Nhìn sang các nước, theo ông, nhiều quốc gia chỉ cần 1-2 tuần đã có những chương trình lớn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thay vì loay hoay như Việt Nam.

Đề xuất kéo dài thời gian nộp thuế, ưu tiên theo chuỗi thay vì cào bằng

Đặc biệt sốt ruột với chính sách gia hạn thời gian nộp thuế TNDN, VAT, tiền thuê đất, TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định, đây là giải pháp cấp bách bởi thời gian qua, có bao nhiêu tiền bạc, doanh nghiệp đã phải chi trả hết để duy trì sự tồn tại.

Bởi thế, khi mới rục rịch kinh doanh trở lại, doanh nghiệp cần một khoảng thời gian đủ dài để lại sức, tích trữ. “Thời gian gia hạn không thể chỉ vài tháng. Tôi nghĩ phải là 1-3 năm để doanh nghiệp luân chuyển được dòng vốn, từ đó giúp kinh tế phục hồi”, ông Cung lên tiếng.

Ý kiến của ông Cung nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia. Rất nhiều ý kiến góp ý thêm, ngay cả với chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, thời gian giãn cũng nên kéo dài ít nhất 12 tháng. Việc này không đồng nghĩa ngân sách sẽ mất trắng bởi doanh nghiệp chỉ tạm thời treo khoản tiền thuế lại để đầu tư và sẽ nộp lại trong kỳ sau đó.

 

TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định việc kéo dài thời gian giãn thuế như trên là cần thiết. Theo ông, khi ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Chính phủ chưa thể dự tính được tác động của dịch bệnh tới doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ kéo dài bao lâu và thiệt hại ra sao. Bởi thế, thời gian gia hạn đặt ra khi ấy là 5 tháng. Tuy nhiên, thực tế hiện tại cho thấy, khoảng thời gian này là chưa đủ để doanh nghiệp phục hồi.

Tỏ ra thông cảm với những người làm chính sách bởi lo lắng cân đối chi tiêu nhưng theo vị chuyên gia kinh tế, để thực sự chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, khoảng thời gian cần gia hạn phải là 1 năm thay vì vài tháng.

Ông gợi ý, sự hỗ trợ không nên theo cách “đánh đồng” như hiện tại mà cần xem xét theo từng chuỗi, lĩnh vực chịu ảnh hưởng của COVID-19 ra sao. Theo ông, một số ngành như chế biến thực phẩm ít bị ảnh hưởng nhưng lĩnh vực khác như dịch vụ, du lịch,… lại chịu hậu quả nặng nề.

Ông cũng cảnh báo, việc hỗ trợ không chỉ doanh nghiệp nhỏ và vừa mà trong từng chuỗi cần xem xét cả những doanh nghiệp “đầu đàn”. Đây là là những đơn vị theo ông nếu gãy đổ sẽ tạo ảnh hưởng dây chuyền, hệ quả sẽ vô cùng to lớn.

Trong điều kiện nguồn lực có hạn như hiện tại, vị chuyên gia cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có gia hạn thuế nếu được làm theo cách lựa chọn, tránh cào bằng. Như thế không những giúp tiết kiệm mà khả năng phục hồi của doanh nghiệp có thể còn tốt hơn.

Quỳnh Chi

Tin mới