Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Cầu thủ Việt Nam hài lòng với thành công trong nước, ngại bứt phá

(VTC News) -

Tâm lý ngại thay đổi là một trong những nguyên nhân ngăn cản cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội.

Có 2 thế mạnh tạo nên sự khác biệt giúp bóng đá Thái Lan giành lại ngôi vương Đông Nam Á sau 3 năm đứng sau đội tuyển Việt Nam. Cả 2 yếu tố đó được HLV Alexandre Polking nhấn mạnh: Trình độ của những ngôi sao ra nước ngoài chơi bóng và chất lượng của giải vô địch quốc gia. 

Đó lại là 2 điểm yếu mà bóng đá Việt Nam nhiều năm qua đang rất muốn cải thiện, nhưng chưa đạt được những kết quả tốt như mong muốn.

Cầu thủ Việt Nam ngại dấn thân

Sự đầu tư cho thế hệ trẻ những năm gần đây giúp bóng đá Việt Nam có thế hệ cầu thủ mới giàu tiềm năng cả về thể chất lẫn tư duy, kỹ thuật chơi bóng. Tuy nhiên, trong một thập kỷ qua, số cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chơi bóng vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay và đa số không thành công.

Quang Hải có cơ hội ra nước ngoài chơi bóng, nhưng vẫn khoác áo Hà Nội FC.

Theo BLV Ngô Quang Tùng, một trong những nguyên nhân chính khiến bóng đá Việt Nam vẫn chưa thể "xuất khẩu" cầu thủ nằm ở sự khát khao.

"Câu chuyện xuất ngoại của bóng đá Việt Nam có thứ tâm lý là ngại bứt phá. Chơi bóng ở V-League, đôi khi sự thành công ở trong nước, về mặt tài chính chẳng hạn, là thừa đủ cho những gì họ hình dung cho sự nghiệp bóng đá của mình. Đó là rào cản khiến cầu thủ thiếu đi quyết tâm bứt phá", BLV Quang Tùng chia sẻ. Vị chuyên gia này cho rằng sự e ngại đó không chỉ nằm ở bản thân cầu thủ, mà ngay cả các đội bóng chủ quản của họ cũng không muốn để cầu thủ ra đi.

BLV Quang Tùng nói thêm: "Có những yếu tố khác, ví dụ như quan điểm của ông chủ đội bóng. Trong mối quan hệ giữa các CLB với cầu thủ do chính họ đào tạo thường có những điều kiện khiến việc bứt phá ra đi không dễ dàng, trừ khi chính đội bóng đó muốn tạo ra ảnh hưởng ở tầm quốc tế".

Chung quan điểm này, BLV Vũ Quang Huy nhận định rằng cầu thủ Việt Nam chưa mạnh dạn thoát ra khỏi "vùng an toàn" của bản thân. Thất bại của những trường hợp tiên phong, như Đoàn Văn Hậu, Lương Xuân Trường, Nguyễn Công Phượng - những cầu thủ chất lượng hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện tại - càng làm tăng thêm tâm lý ngại thay đổi, nhất là khi các cầu thủ đang thoải mái ở môi trường hiện tại.

Chanathip Songkrasin khác biệt so với phần còn lại của Đông Nam Á nhờ thi đấu lâu năm ở J-League.

"Cầu thủ Việt Nam chưa mạnh dạn, thích an toàn, ngại thay đổi. Cần nói thêm rằng cầu thủ Việt Nam ở môi trường trong nước sống rất tốt. Người Việt Nam còn có sự ràng buộc về mặt tình cảm", BLV Quang Huy phân tích.

"Mấu chốt vẫn là quyết tâm, hoài bão bứt phá, nhưng cầu thủ Việt Nam có nhiều thứ để mất. Về tương lai ra nước ngoài, sự khác biệt so với những thứ có thể mất chưa có gì rõ ràng, nên họ không mạo hiểm đánh đổi".

V-League phải vươn tầm

Có những nền bóng đá phát triển hơn Việt Nam rất nhiều nhưng không có xu hướng "xuất khẩu" cầu thủ, ví dụ như Nga, các nước Tây Á như Ả Rập Xê Út, Qatar, Iran hay UAE, thậm chí cả bóng đá Anh. Việc các cầu thủ hài lòng với môi trường trong nước không phải vấn đề lớn đối với những nền bóng đá này, khi họ có hệ thống giải vô địch quốc gia đủ chất lượng.

"Việc không thử sức ở môi trường trình độ cao hơn hạn chế cơ hội tiếp thu, cọ xát, va chạm để trưởng thành hơn. Để bù lại, giải VĐQG phải có chất lượng tốt, ví dụ như thu hút được các ngôi sao tầm cỡ, trình độ để "dạy dỗ" chính các cầu thủ nội địa. Về mặt này, tôi cho rằng V-League có sự chững lại thậm chí thụt lùi", BLV Quang Tùng nhận xét và nhấn mạnh rằng Thai League vẫn là giải đấu vượt trội so với phần còn lại của khu vực Đông Nam Á.

V-League cần được nâng tầm.

Các cầu thủ ngoại được xem là động lực để nâng tầm lực lượng nội binh, thông qua việc cạnh tranh vị trí, học hỏi lẫn nhau cũng như đối đầu trên sân. Tuy nhiên, chất lượng ngoại binh của V-League trong nhiều năm gần đây bị đánh giá là kém hơn so với thời kỳ đầu. 

Thêm vào đó, sự đi xuống về chất lượng của V-League cũng có thể được nhận ra trong cuộc đua vô địch. Ngoài Hà Nội FC, chưa có đội bóng nào khác khả năng đua vô địch trong nhiều năm liên tiếp. Trong khi đó, những thế lực trong quá khứ đã sa sút rõ rệt và chưa hẹn ngày trở lại.

Không chỉ vậy, nhiều đội bóng phải sống trong cảnh khó khăn và chưa có nền tảng vững chắc về mặt tài chính, dẫn đến nguy cơ bị xóa sổ bất cứ lúc nào. Câu chuyện buồn của Than Quảng Ninh là một ví dụ.

"Trước đây V-League có những cặp đấu rất hay, nhiều cảm xúc. Bây giờ trong hoàn cảnh khó khăn chung, người có khả năng và đam mê chơi bóng đá ít hơn trước. Chuyện bỏ bóng đá dễ quá", BLV Quang Huy chia sẻ.

"Tôi nghĩ VFF, VPF xem lại cơ chế quản lý. không nên để một đội bóng đột nhiên nói hết tiền rồi, nợ lương cầu thủ. Phải có sự kiểm tra đốc thúc cho nhau sát sao, không nên sợ không đủ đội chơi mà xuề xòa cho nhau".

Minh Ngọc

Tin mới