Thường xuyên mất ngủ, thiếu ngủ có thể gây ảnh hưởng tới cơ thể và dẫn đến những hậu quả lâu dài đối với sức khỏe. Một nghiên cứu đang được thực hiện để khảo sát về mối liên hệ giữa mất ngủ và ung thư tiết lộ rằng, mất ngủ có thể liên quan đến sự phát triển của 4 loại bệnh ung thư khác nhau.
Hầu hết mọi người đều cảm thấy khó chịu với tác động tức thì của việc thiếu ngủ, ví dụ như khiến cơ thể suy nhược. Tuy nhiên, nếu chứng mất ngủ kéo dài, chúng có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với sức khỏe.
Theo Sleep Advisor, cơ thể trải qua những giai đoạn của giấc ngủ, từ ngủ nông đến ngủ sâu, ngủ rất sâu và ngủ mơ. Mỗi giai đoạn đều đóng vai trò quan trọng. Bỏ lỡ những giai đoạn này có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực về thể chất, cảm xúc và nhận thức.
Chứng mất ngủ được phát hiện là có liên quan đến sự tiến triển của một số loại bệnh ung thư.
Chứng mất ngủ, với dấu hiệu đặc trưng là không ngủ được, được nhiều chuyên gia nghiên cứu trong thời gian gần đây bởi liên quan đến sự tiến triển của các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer. Trước đó, chứng mất ngủ cũng được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ với một số dấu hiệu bệnh thông thường.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho biết, mất ngủ có liên quan đến huyết áp cao và bệnh tim mạch.
“Theo thời gian, giấc ngủ kém cũng có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh làm tổn thương trái tim, bao gồm căng thẳng, không vận động thể chất và sử dụng thực phẩm không lành mạnh", CDC cho biết. "Để có giấc ngủ ngon hơn, nên cố gắng tiếp xúc đủ với nguồn ánh sáng tự nhiên trong ngày".
Hiện tại, các chuyên gia vẫn đang nỗ lực để khám phá vai trò của giấc ngủ đối với bệnh ung thư. Tuy nhiên, những nghiên cứu sơ bộ cho thấy, không nhắm mắt có thể đóng vai trò là nguyên nhân gây bệnh.
Trong một nghiên cứu được khảo sát trên 75.000 phụ nữ sau mãn kinh, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngủ quá ít (ngủ ít hơn 5 tiếng mỗi ngày) có thể làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết.
Ung thư ruột kết, ung thư tuyến giáp, ung thư tuyến tiền liệt... là những vấn đề sức khỏe bạn nên kiểm tra nếu thường xuyên mắc chứng mất ngủ.
Mặt khác, ngủ quá nhiều (hơn 9 tiếng mỗi ngày) cũng được xác định là một yếu tố nguy cơ của bệnh.
Những phát hiện này tương đồng với kết quả của một nghiên cứu khác được thực hiện trên hơn 142.000 người mắc bệnh ung thư sau mãn kinh. Những người này được phát hiện có nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp cao hơn đáng kể nếu họ bị mất ngủ.
Vẫn chưa rõ chính xác mất ngủ đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của ung thư, nhưng các nhà nghiên cứu đã đưa ra một giả thuyết, cho thấy mất ngủ có thể là nguyên nhân của các tình trạng như viêm mãn tính, kháng insulin, giảm melatonin hoặc tăng sản xuất cortisol.
Bác sĩ Kathryn Ruble tại Bệnh viện Johns Hopkins, Mỹ khuyến nghị người dân nên thực hiện các dịch vụ tầm soát ung thư, bao gồm chụp X-quang tuyến vú, xét nghiệm tầm soát ung thư đại trực tràng và kiểm tra tuyến tiền liệt nếu như thường xuyên gặp tình trạng mất ngủ.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chứng mất ngủ, vì vậy, xác định nguyên nhân ban đầu là bước quan trọng để khắc phục tình trạng này.
Lời khuyên chung cho người mất ngủ đó là cố gắng tuân thủ thói quen ngủ đều đặn, cụ thể là đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Tập thể dục trong ngày và thực hiện các thói quen thư giãn trước khi đi ngủ cũng giúp cơ thể khắc phục chứng mất ngủ.