Cục Hàng không Việt Nam đã báo cáo Bộ GTVT về việc xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 53 quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại các cảng hàng không, sân bay Việt Nam. Trong đó, bổ sung quy định giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đi/đến đối với những chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020.
Ngoài ra, áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thời gian giảm giá phí cho các hãng hàng không nên kéo dài thêm, trong bối cảnh COVID-19 bùng phát trở lại, gây rất nhiều khó khăn cho các hãng hàng không.
Trả lời VTC News, PGS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM nhấn mạnh, việc kéo dài thời hạn giảm phí đối với hàng không là vấn đế cấp thiết, cần làm ngay. COVID-19 đang bùng phát trở lại với mức độ nguy hiểm hơn sẽ khiến ngành hàng không vốn khó khăn lại càng thêm khó khăn. Trong khi đó, hàng không là ngành rất quan trọng đối với nền kinh tế đất nước, việc "giải cứu" phải được làm gấp và hiệu quả.
ACV cần giảm những phí quan trọng cho các hãng hàng không.
“Các hãng hàng không của Việt Nam không nhiều, chỉ có một số hãng lớn trong đó đặc biệt có hai hãng lớn là Vietnam Airlines và Vietjet Air. Theo tôi, Nhà nước, Chính phủ cần nghiên cứu và tập trung hỗ trợ ngành nói chung và ưu tiên hỗ trợ 2 hãng này. Thời gian giảm thuế, phí hàng không cần kéo dài đến hết năm 2021”, chuyên gia hàng không này đề xuất.
“Nền kinh tế Việt Nam eo hẹp thì cần cho vay với lãi suất ưu đãi và mức độ hợp lý. Nhiều quốc gia tiến hành giải pháp bơm tiền cho các doanh nghiệp hàng không và đẩy mạnh kích cầu. Ví dụ khách hàng dưới 18 tuổi nếu đi du lịch sẽ được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí. Thái Lan đã từng làm vậy trong các cuộc khủng hoảng kinh tế", PGS Nguyễn Thiện Tống phân tích.
Ông Tống thừa nhận, trước những khó khăn của ngành hàng không, Bộ GTVT cũng đã vào cuộc kịp thời. Ví dụ như việc ban hành quyết định giảm loạt phí do ACV quản lý cho các hãng hàng không. Tuy nhiên, 7 loại phí dịch vụ ACV giảm cho các hãng chưa thực sự hiệu quả và thiếu thiết thực khi mà những khoản phí lớn, quan trọng thì lại không được ACV giảm hoặc giảm ít.
“Đã đến lúc ACV cần giảm những phí quan trọng cho các hãng hàng không”, ông Tống nói. Trước đó, một số chuyên gia cũng đề nghị giảm 100% phí cất hạ cánh và điều hành bay đối với các tuyến bay nội địa
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm thuế, phí đến hết tháng 9 năm nay được ban hành khi chưa có hiện tượng COVID-19 tái bùng phát. Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch bệnh đang căng thẳng, cần xem xét lại cho phù hợp với diễn biến mới.
Đề xuất vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT và Bộ cần phải nghiên cứu, sớm xin ý kiến Chính phủ.
Bộ GTVT tuy đã giảm các loại phí nhưng theo ông Doanh thì vẫn cần giảm nữa. “Đối tượng được miễn giảm là các doanh nghiệp hàng không nên việc lắng nghe ý kiến của họ là rất cần thiết”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Trong khi đó, tiến sĩ Vũ Đình Ánh cũng nhất trí ủng hộ việc gia hạn thêm thời gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không. "Ngoài ra, vấn đề của ngành hàng không còn là việc hàng loạt máy bay đang ngừng hoạt động nhưng các mức phí vẫn đội giá thì xử lý thế nào?", ông Ánh đặt câu hỏi.
Ngày 31/12/2019, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 53/2019/TT-BGTVT về việc quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, áp dụng trong năm 2020. Tuy nhiên do dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ đã đồng ý giảm phí cất hạ cánh và điều hành bay. Các phí khác của Thông tư 53 áp dụng mức phí tối thiểu 0 đồng, thời gian áp dụng từ tháng 3 đến tháng 9/2020. Tuy nhiên, trong khi chưa ban hành thông tư mới thì dịch bùng phát lần 2 nên các hãng cần được kéo dài thời gian miễn, giảm phí dịch vụ hàng không đến hết năm 2021.