Người uống quá nhiều rượu hay nghiện rượu lâu ngày sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, tiểu đường, xơ gan, đau dạ dày, suy thận, thậm chí sốc, ngộ độc dẫn tới thiệt mạng.
Biết chết nhưng vẫn uống
Theo PGS.TS Bùi Quang Huy - Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân Y 103, một người được coi là nghiện rượu khi uống liên tục không nghỉ mỗi ngày hơn 300ml (loại rượu 40 độ). Nhiều người trong số đó chỉ vì rượu mà hóa tâm thần. Có thời điểm, tại khoa Tâm thần, cứ 100 bệnh nhân thì 30% phải điều trị các chứng bệnh về rối loạn tâm thần do rượu.
BS Huy nhớ có trường hợp nam thanh niên mới 27 tuổi nhập viện khẩn cấp do sảng rượu. Anh này nghiện tới mức hàng ngày phải đút chai rượu vào ngực áo, kèm theo ống hút ở chai rồi thi thoảng cúi xuống cổ áo "hút trộm" để mọi người không biết.
Khi cấp cứu cho người nhập viện do rượu bia thì trường hợp sảng rượu là cấp cứu tâm thần tối khẩn cấp.
Người bị sảng rượu thường có những triệu chứng kỳ lạ như trong 24 giờ đồng hồ sau khi uống rượu bệnh nhân sẽ không ngủ được, lúc nào cũng hoang tưởng, nghe thấy ma quỷ, chửi rủa, ám hại trong đầu. Thậm chí có bệnh nhân bị rối loạn về ý thức, không biết về thời gian, không gian, không rõ trời đang sáng hay tối.
Những bệnh nhân như vậy thường rất dễ chết bởi nhiều lý do, có thể vì tâm trí luôn bị hoang tưởng nên dễ gặp tai nạn ngã từ tầng cao xuống. Ở một số bệnh nhân khác có thể bị rối loạn ý thức tự đâm chém vào bản thân mình dẫn đến thiệt mạng.
Tuy nhiên, nguy cơ cao nhất, thường gặp nhất vẫn là những người nhập viện do uống rượu dẫn đến viêm cơ tim, ngừng tim hay rối loạn điện giải.
“Trường hợp này bệnh nhân uống rượu sẽ ra mồ hôi như tắm, nôn, không uống được nước hay uống vào là nôn. Đây cũng những trường hợp cực kỳ khó cấp cứu nên thiệt mạng nhanh chóng”, BS Huy nhấn mạnh.
(Ảnh minh họa)
Rượu khó cai hơn ma túy
Theo BS Bùi Quang Huy, nhiều trường hợp vì nghiện rượu mà hóa tâm thần, thậm chí có người phải “bán mạng”. Việc cai nghiện rượu chưa bao giờ là dễ dàng, bởi phần lớn những người nghiện thường trải qua thời gian dài uống rượu. Có người uống 10 – 20 năm, thậm chí 30 năm, nên chức năng gan, phổi, tim, thận của họ rất kém, cai nghiện đột ngột rất dễ chết.
Việc tái nghiện rượu cũng không khác gì so với nghiện ma túy. Để nghiện rượu có thể mất nhiều năm, nhưng để tái nghiện rượu có thể chỉ mất 3 ngày uống rượu liên tục.
“Nay đi đám cưới uống, mai đi đám giỗ uống, ngày kia đi sinh nhật cũng uống thì việc quay trở lại nghiện và uống nhiều rượu như ban đầu là chuyện đương nhiên”, BS Huy nói.
Đặc biệt có tình trạng những người bạn của bệnh nhân hay có xu hướng nài nỉ, ép, làm đủ trò để bệnh nhân phải uống. Vì vậy không có gì lạ khi năm nay bệnh viện chữa trị, cai nghiện thành công cho người này thì năm sau cũng chính người đó lại nhập viện vì rượu.
Các tài xế có nồng độ cồn sẽ bị xử phạt nghiêm khắc.
“Trước đây tôi có điều trị cho một bệnh nhân nghiện rượu còn trẻ, có học thức và trình độ. Người này còn nhận thức khá rõ về tác hại của rượu với sức khỏe như ảnh hưởng đến gan, thận, tiểu đường… Tuy nhiên, bệnh nhân có suy nghĩ rất khác người, coi việc nhập viện do sử dụng bia rượu là dịp để gan, thận, tim nghỉ, các chức năng hồi phục. Chỉ sau 3,4 tuần điều trị khả quan, bệnh nhân về nhà lại tái nghiện”, BS Huy nhớ lại.
Có người vào viện thường xuyên tới nỗi bác sĩ có thể định sẵn được lịch là kiểu gì khoảng thời điểm này người đó sẽ vào. "Năm nào nhập viện cũng phải xin vào khoa Tâm thần chứ không xin vào các khoa khác vì “quen được điều trị” ở đây”, BS Huy nói.
Tuy cai nghiện rượu khá khó, phải kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, cả về vật chất và tinh thần nhưng để có được kết quả tốt nhất thì người bệnh phải luôn tự nhận thức được bản thân, có ý thức trong viêc cai rượu, giữ gìn sức khỏe cho mình, tránh xa bệnh tật và nguy cơ thiệt mạng chỉ vì bị “ma men” lôi kéo.
Phạt nặng người lôi kéo uống rượu bia
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 117 (thay thế nghị định 176) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có hiệu lực từ ngày 15/11/2020.
Nghị định nêu rõ, phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia.
Những vi phạm quy định về quảng cáo rượu bia sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng khi sử dụng người chưa 18 tuổi trực tiếp tham gia quảng cáo.
Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo rượu có nồng độ cồn dưới 15 độ và quảng cáo bia có thông tin, hình ảnh khuyến khích uống rượu, bia…
Không chỉ có vậy, ngày 1/1/2020 vừa qua, Nghị định 100/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nâng mức xử phạt đối với người lái ô tô, xe máy, sử dụng rượu, bia khi lái xe.có hiệu lực.
Sau khi Nghị định được thi hành, rất nhiều "ma men" bị xử lý. Có những trường hợp người điều khiển ô tô tham gia giao thông trong máu có nồng độ cồn bị phạt số tiền rất lớn, từ 35-40 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng.
Video: 'Phải bỏ tù những kẻ tham gia giao thông sau khi sử dụng chất kích thích, rượu bia'