Từ 17/11, Hà Nội áp dụng thí điểm cách ly tại nhà các trường hợp F1 đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế, đồng thời, thí điểm điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở y tế phường, xã, thị trấn.
Cách ly F1 tại nhà đến nay mới bắt đầu triển khai thí điểm ở Hà Nội nhưng với các địa phương khác thì mô hình này không có gì là mới mẻ. Trước đó, TP.HCM, An Giang, Sóc Trăng... đã áp dụng và thu lại hiệu quả tích cực.
Từ 17/11, Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà. (Ảnh minh họa)
Trả lời PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội cho biết, cách ly tại nhà là một biện pháp để tách người có nguy cơ nhiễm ra khỏi cộng đồng.
"Khu cách ly tập trung điều kiện không đảm bảo, nhiều người ở một phòng, sinh hoạt chung thì có thể lây nhiễm từ một người nào đấy. Nếu cách ly tại nhà thì không mất chi phí, còn tới khu cách ly tập trung vừa nguy cơ lây nhiễm cao, điều kiện ăn ở, nghỉ ngơi không đảm bảo mà lại mất chi phí", PGS.TS Nguyễn Việt Hùng phân tích.
Hơn nữa, theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Hà Nội là một trong những tỉnh thành có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cao nhất. Đa số người dân đã được tiêm vaccine nên tải lượng virus thấp hơn nhiều so với những người chưa tiêm, khả năng biến chứng nặng rất ít. Vì vậy, cách ly tại nhà là phù hợp với thực tế, chỉ cần tăng cường giám sát, phát hiện là có thể kiểm soát dịch bệnh hiệu quả.
Đánh giá về việc tới thời điểm này Hà Nội mới bắt đầu thí điểm, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng thẳng thắn nhìn nhận: "Bộ Y tế đã có hướng dẫn, Chính phủ đã kêu gọi nhưng Hà Nội không áp dụng mà cứ giữ mãi, bây giờ mới thí điểm cách ly F1 tại nhà. Hà Nội không chịu phát huy mà cứ giữ cái cũ.
Chính phủ đã kêu gọi chủ động sáng tạo nhưng nền tảng vẫn phải hướng tới người dân, phát huy vai trò của người dân. Ở đây người dân cũng muốn mà Chính phủ cũng có hướng dẫn rồi nhưng một số lãnh đạo lại không làm chuyện đó. Hà Nội quá rụt rè! Các nơi đều thực hiện cách ly F0 tại nhà, từ Phú Thọ đến Hà Giang cũng triển khai cả".
Ông Hùng cũng đưa ra quan điểm, mới chỉ thí điểm nhóm đối tượng F1 là trẻ em, người già, người mắc bệnh nền và phụ nữ có thai được cách ly tại nhà là chưa thỏa đáng.
"Không có căn cứ khoa học nào để nói rằng những người đó được cách ly tại nhà còn người bình thường, khỏe mạnh phải cách ly tập trung. Chính sách đưa ra phải đảm bảo công bằng và phải dựa trên những căn cứ khoa học chứ không phải cảm tính. Chống dịch là của toàn dân, chính sách công bằng, khoa học thì người dân mới ủng hộ, biện pháp mới hiệu quả", Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội nêu quan điểm.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, khi thí điểm F1 tại nhà cần nêu cao vai trò trách nhiệm của y tế phường, chính quyền, tổ dân phố, tổ COVID cộng đồng, vai trò của người dân.
Hà Nội phải làm sao để người dân cùng gánh vác trách nhiệm với chính bản thân của họ và với cộng đồng, những F1 cách ly tại nhà mà vi phạm thì chính quyền phải có biện pháp để xử lý nghiêm.
"Sinh ra tổ dân phố, tổ COVID cộng đồng để giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nhưng F1, F0 đi cách ly tập trung hết rồi thì tổ COVID cộng đồng để làm gì? Sinh ra nhưng không phát huy bởi họ không có điều kiện phát huy", ông Hùng nói.
Cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, cách ly F1 tại nhà đảm bảo cho người dân thoải mái hơn, đồng thời đỡ tốn kém kinh phí, công sức của Nhà nước. Nhưng dù cách ly tại nhà hay tập trung thì đều phải thực hiện nghiêm chỉnh theo quy định của Bộ Y tế để không lây ra cộng đồng, gia đình.
"Cách ly F1 tại nhà là cần thiết bởi thực hiện Nghị quyết 128 chúng ta chấp nhận có ca COVID-19 trong cộng đồng. Có F0 thì sẽ có F1, nếu cách ly tập trung thì quá tải hệ thống cách ly tập trung, gây lây chéo", PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết thêm.
Đánh giá về tình hình dịch hiện nay, PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay, khi nới lỏng giãn cách, các hoạt động được mở lại, người dân đi lại nhiều. Tuy nhiên, chúng ta mới quản lý hành khách đi bằng đường hàng không, đường sắt còn đường bộ thì khó kiểm soát.
Đặc biệt, một số người từ địa phương khác khi về Hà Nội không chịu cách ly tại nhà, không chịu theo dõi sức khỏe tại nhà dẫn đến lây lan cho cộng đồng.
"Nếu Hà Nội khoanh vùng, dập dịch tốt thì không lo bị quá tải hệ thống y tế, bên cạnh đó còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức chấp hành của người dân", PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định.
Hà Nội thí điểm thực hiện cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của Bộ Y tế và hướng dẫn của Sở Y tế. Đối với trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà, phải thực hiện bắt buộc cách ly tập trung hoặc tự nguyện cách ly tại khách sạn (theo nguyện vọng cá nhân, phải có đơn xin tự nguyện cách ly tại khách sạn đã được thành phố phê duyệt làm cơ sở cách ly tập trung (F1) và cam kết chi trả kinh phí). Thời gian thực hiện thí điểm cho đến khi có thông báo của thành phố.
Các quận, huyện trên địa bàn thành phố chỉ thực hiện cách ly tại nhà đối với các nhóm đối tượng nguy cơ cao gồm trẻ em, người già, người mắc bệnh nền và phụ nữ có thai theo quy định của Bộ Y tế.
Cùng với đó, Hà Nội cũng lập 5 cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ ở 5 quận, huyện, với tổng cộng 1.150 giường. Công tác thu dung, điều trị F0 tại đây theo phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ), điều hành theo hướng dẫn của Sở Y tế. 5 cơ sở này được Hà Nội xem như thí điểm mô hình thu dung, điều trị F0 không triệu chứng hoặc nhẹ, tại quận huyện.
UBND Hà Nội cũng cho phép 12 khách sạn được tiếp nhận cách ly F1 do người cách ly tự nguyện chi trả phí (áp dụng từ 15/11). Các khách sạn gồm: Hòa Bình, Mường Thanh Hà Nội Grand Centre, Sofitel Legend Metropole HaNoi, Silk Path Hà Nội, Hilton Garden Inn, Hilton Hanoi Opera, Bình An 1, Bình An 2, Bình An 3, Grand Vista, Lake Side và Mường Thanh Grand Xa La.