Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyển đổi số nông nghiệp ở Quảng Ngãi: Lấy nông dân làm chủ thể

(VTC News) -

Để phát triển mạnh mẽ chuyển đổi số nông nghiệp, người nông dân phải sẵn sàng thay đổi thói quen, tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ.

Đó là chia sẻ tâm đắc của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Thanh Trường.

Theo ông Trường, dù tỷ trọng chỉ chiếm 16% nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ vai trò chiến lược dài hạn, là bệ đỡ quan trọng trong kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi. Thời gian qua, chuyển đổi số nông nghiệp của Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả ở lĩnh vực như chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản.

Để phát triển mạnh mẽ chuyển đổi số nông nghiệp, người nông dân phải sẵn sàng thay đổi thói quen, tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ.

Tiêu biểu như ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo đối với bò và heo đã giúp cải tạo nhanh chất lượng đàn gia súc. Tỷ trọng đàn bò lai trên địa bàn tỉnh ước đạt 78,6%. Công tác theo dõi diễn biến rừng được áp dụng bằng phần mềm FRMS, sử dụng công nghệ giải đoán ảnh (GIS) và viễn thám trong công tác cảnh báo cháy rừng.

Hoặc như lĩnh vực thủy sản, nhiều ngư dân đã ứng dụng công nghệ mới trong đóng tàu, đầu tư mua sắm máy dò ngang, ứng dụng hệ thống cơ giới hóa trong khai thác, chuyển đổi các nghề khai thác mới như: Ứng dụng ra-đa hàng hải, trang bị máy thông tin liên lạc VX-1700 tích hợp định vị GPS; ứng dụng công nghệ hầm bảo quản PU trong bảo quản sản phẩm trên tàu cá; máy sản xuất đá vảy từ nước biển, hệ thống cấp đông.

Toàn tỉnh có 2.957 tàu cá có chiều dài 15m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, đạt tỷ lệ 99,43%. Đáng chú ý, sáng kiến tiếp nhận, giải quyết một số thủ tục hành chính liên quan đến tàu cá bằng phương thức gọi điện thoại và đăng ký nhận kết quả giải quyết tại nhà đã giúp chủ tàu cắt giảm thời gian, chi phí đi lại, loại bỏ chi phí không chính thức từ việc nhờ đối tượng làm dịch vụ nộp hồ sơ, nhận kết quả thay.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương nhận định, công tác chuyển đổi số, đặc biệt phát triển kinh tế số nông nghiệp của tỉnh mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, phía trước còn nhiều khó khăn, thách thức.

Do vậy, đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, từ đó đề ra các định hướng, giải pháp phù hợp, huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế số nông nghiệp.

Theo ông Phương, cần tập trung xây dựng nền tảng dữ liệu nông nghiệp số toàn diện về cây trồng, vật nuôi, đất đai, thời tiết và thị trường tiêu thụ nông sản; nhân rộng các mô hình nông nghiệp đảm bảo có sự liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phù hợp với định hướng phát triển ngành nông nghiệp gắn với việc thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Đồng thời, khuyến khích nông dân thực hiện các hình thức liên kết, đẩy mạnh phát triển nhân rộng vùng sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, VietGAP và thực hiện đồng bộ quy trình trên diện rộng; khuyến khích người nuôi và thu hút các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư nuôi thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp hiện đại, ứng dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu, lựa chọn các đối tượng có giá trị kinh tế.

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Quảng Ngãi Trần Thanh Trường, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển vượt bậc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới.

Nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới.

Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, Quảng Ngãi không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế nông thôn, mà còn phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước và quốc tế.

Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết về chuyển đổi số, số hóa ngành nông nghiệp, nhằm xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại mới. Bên cạnh đó, cần phát triển khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số một cách rộng rãi trong nhiều lĩnh vực cụ thể như: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi…

“Để phát triển mạnh mẽ chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số - số hóa trong nông nghiệp nói riêng, cần có sự vào cuộc, phối hợp của các cơ quan, ban ngành từ cấp tỉnh đến cơ sở. Đặc biệt, người nông dân phải sẵn sàng thay đổi thói quen, tư duy, tiếp cận khoa học, công nghệ. Đồng thời, cần đẩy mạnh phát huy tiềm năng, nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để trở thành một trong những địa phương tiên phong trong chuyển đổi số nông nghiệp” - ông Trần Thanh Trường chia sẻ.

Hồng Khanh

Tin mới