Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện đời cựu chiến binh Gạc Ma: Đau đáu nỗi niềm trở lại chiến trường xưa

28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, nhiều người lính đã quyết định quay trở về quê hương xây dựng cuộc sống nhưng họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn

28 năm sau trận hải chiến Gạc Ma năm 1988, nhiều người lính đã quyết định quay trở về xây dựng cuộc sống mới nhưng cuộc sống của một số cựu binh này vẫn còn quá nhiều khó khăn vất vả, họ đau đáu nỗi niềm về với biển đảo. 

Vất vả mưu sinh



Căn nhà nhỏ cuối con đường Kim Đồng, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị hiện đang là nơi sinh sống của gia đình cựu binh Trần Thiên Phụng. Gặp gỡ chúng tôi trong những ngày này, có cơ hội kể về những ngày tháng từng chiến đấu ở Gạc Ma, ông Phụng không khỏi xúc động: "Nhớ lắm chứ, dấu mốc Gạc Ma 14/3/1988 đã hằn sâu vào trong tiềm thức rồi, những năm tháng đó không thể nào quên!".

Ông Phụng nhớ lại: "Nhận được lệnh điều động, đúng 5h chiều ngày 13/3/1988, đơn vị của tôi có mặt tại đảo Gạc Ma… Đến sáng sớm 14/3 thì chiến sự nổ ra.



Cựu binh Trần Thiên Phụng phụ giúp vợ mưu sinh. Ảnh: Lê Chung


Lực lượng của ta thì ít và thô sơ, sử dụng tàu vận tải, còn quân địch đông lại được trang bị tàu chiến hiện đại, nhưng anh em vẫn cố gắng bám trụ quyết bảo vệ lá cờ Tổ quốc. Đến khoảng 8h30 thì thuyền của tôi bị bắn chìm, tôi bị một mảnh pháo cắt sâu vào cánh tay phải".

Rơi xuống biển lại bị thương nặng ở tay, ông Phụng dùng cánh tay còn lại ôm chặt lấy một tấm gỗ, lênh đênh trên biển đến chiều muộn thì bị địch bắt đưa về bán đảo Lôi Châu. Ở nhà, giấy báo tử ông đã được gửi về. Sáu tháng sau gia đình mới nhận được tin ông vẫn còn sống. Mãi đến sau này khi trao trả tù binh ông mới quay về được với gia đình.

Giấy báo tử của cựu binh Trần Thiên Phụng được gửi về gia đình sau trận hải chiến Trường Sa 1988. 
Từ ngày xuất ngũ trở về, vết thương do mảnh pháo từng xé toạc cánh tay khiến sức khỏe của cựu binh Trần Thiên Phụng giảm sút hẳn. Không thể làm công việc nặng, mọi thu nhập trong gia đình đều phụ thuộc cả vào quán bún nhỏ của vợ nên đời sống gia đình khá chật vật.

Để vợ bớt vất vả, người cựu binh này phải phụ giúp vợ thêm từ công việc bưng bê đến dọn dẹp và rửa bát đũa. Hai vợ chồng có ba người con thì hai người con trai đầu đang thất nghiệp, cô con gái út đang học ĐH tại TP. HCM. Dù rất cố gắng, nhưng để có tiền cho con ăn học gia đình đành phải vay mượn thêm từ bên ngoài.

Khi chúng tôi hỏi thăm về những khó khăn của gia đình, ông Phụng bùi ngùi tâm sự: "Vết thương ở tay khi trở trời vẫn hay đau nhức không chịu nổi, cuộc sống của gia đình có khó khăn thật nhưng dù sao tôi vẫn còn may mắn. Rất nhiều đồng đội của tôi giờ còn phải nằm lại nơi đảo xa".

Là đồng đội trong cùng đơn vị với nhau, xuất ngũ trở về đều chăm chỉ làm ăn nhưng hoàn cảnh của gia đình hai cựu binh Trần Quang Dũng (SN 1966, trú tại Xuân Ngọc, Gio Việt, Gio Linh) và Trần Xuân Bình (SN 1970, Nhĩ Trung, Gio Thành, Gio Linh, Quảng Trị) cũng không kém phần khó khăn. Ông Dũng và ông Bình chính là 2 trong 4 người lính đầu tiên nhận nhiệm vụ bơi lên đảo Gạc Ma cắm cờ rạng sáng 14/3/1988.

Mơ ước vươn khơi bám biển

Cựu binh Trần Xuân Bình rưng rưng nước mắt khi nhắc đến Gạc Ma. 

Cựu binh Trần Quang Dũng vốn sinh ra trong gia đình làm nghề biển. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, ông trở về quê lấy vợ và xây nhà ngay tại cửa biển. Lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm với biển đảo, ông quyết định vay tiền mua một chiếc tàu nhỏ để theo nghiệp của cha ông.

Vì tàu công suất nhỏ nên ông Dũng chỉ đánh bắt gần bờ. Thời gian gần đây vì công việc đánh bắt không thuận lợi, lại phải lo cho hai con đang học đại học nên số tiền vay mượn để mua tàu ông vẫn chưa trả được.

Nhiều hôm không có cá, ông theo tàu bạn ở lại luôn ngoài biển. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 14/3 mà đang còn ở trên biển là ông lại làm một mâm cơm rồi cầu khấn cho những đồng đội nằm lại giữa biển khơi.

“Cuộc sống anh em cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị đều rất khó khăn. Tôi mong muốn sao có thể vay được khoảng 2 tỷ đồng, đóng một con tàu lớn đặt tên là "Tàu bộ đội" rồi kêu gọi những đồng đội còn sức khỏe hoặc là con em của họ chưa có việc làm ổn định để cùng nhau vươn ra biển lớn, bám chặt biển đảo quê hương để làm kinh tế", ông Dũng chia sẻ với chúng tôi về mong muốn của mình.

Cuộc sống của cựu binh Trần Xuân Bình cũng tương tự, hiện ông Bình và vợ đều không có công ăn việc làm ổn định, thu nhập của gia đình đều phụ thuộc cả vào mẫu ruộng duy nhất. Hai đứa con trai đầu của ông cũng chưa có công việc.

Gặp chúng tôi, mỗi lần nhắc đến Gạc Ma ông Bình lại rưng rưng nước mắt: "Nhắc đến tôi lại thấy thương và nhớ những đồng đội của mình. Lúc đó chúng tôi còn trẻ quá, chỉ mười tám đôi mươi. Tôi còn sống để về lập gia đình, nhưng đồng đội nhiều người có về nữa đâu, anh em còn thiệt thòi hơn chúng tôi rất nhiều".

Dù ngày trở về cuộc sống gia đình khó khăn, nhưng ông Bình luôn cố gắng lao động bằng đôi tay của mình. Lúc nào ông cũng nhắc nhở con cái về chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

"Sau này tôi sẽ đặt tên cho cháu mình là Lin và Len theo tên của hai đảo Cô Lin và Len Đao để chúng không quên cha ông đã từng chiến đấu, đổ máu ở đó", cựu binh Trần Xuân Bình chia sẻ.

Năm 1988, có tất cả 5 người lính quê ở Quảng Trị ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ. Trong đó có 2 chiến sĩ hi sinh, 1 thương binh, chỉ có 2 người là lành lặn trở về. Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội,

các cựu binh Gạc Ma đều có chung nguyện vọng muốn được một lần thăm lại chiến trường xưa, thắp cho đồng đội một nén hương. Đây là mong muốn đã có từ lâu nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên chưa ai thực hiện được.


Video:Hải chiến G
ạc Ma


Nguồn: Gia đình và Xã hội

Nguồn:

Tin mới