Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyện chưa kể về em trai Giám đốc Facebook Việt Nam thành tân Tổng giám đốc PNJ

Từng được cho là người sẽ kế nhiệm ông Trần Phương Bình vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á - ngân hàng vốn có quan hệ mật thiết với Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), giờ đây ông Lê Trí Thông là tân Tổng giám đốc PNJ.

Vài ngày sau thông tin em gái ruột Lê Diệp Kiều Trang sẽ giữ chức Giám đốc facebook Việt Nam, ông Lê Trí Thông cũng được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) thay bà Cao Thị Ngọc Dung - vợ ông Trần Phương Bình.

Sếp cũ DongA Bank làm Tổng giám đốc PNJ

Theo thông báo của PNJ, chức danh Tổng giám đốc đối với ông Lê Trí Thông sẽ được chính thức thông qua tại ĐHĐCĐ của công ty này tổ chức vào tháng 4/2018. Ông Lê Trí Thông sẽ trở thành Tổng giám đốc kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ kể từ ngày 21/4.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, người được mệnh danh là "nữ tướng vàng bạc", đã chính thức rời ghế Tổng giám đốc sau nhiều năm kiêm nhiệm và sẽ tập trung nhiệm vụ cho vị trí Chủ tịch HĐQT PNJ.

Ông Lê Trí Thông được biết tới là một thành viên trong gia đình "trâm anh thế phiệt". Cả hai anh em ông Thông là con ruột của ông Lê Văn Trí - người từng là Thành viên HĐQT trị kiêm Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam (Casumina) - công ty con của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

 Ông Lê Trí Thông sẽ thay "nữ tướng" Cao Thị Ngọc Dung làm Tổng giám đốc PNJ từ 21/4 tới. Ảnh: Prudential Vietnam

Ông Lê Văn Trí đảm nhiệm chức vụ Phó tổng giám đốc Casumina từ khi doanh nghiệp này cổ phần hóa năm 2006 và chính thức nghỉ hưu từ ngày 11/3/2013.

Ông Lê Trí Thông sinh năm 1979, tốt nghiệp hạng ưu chương trình MBA tại đại học Oxford và là kỹ sư công nghệ hóa học. Ông Thông đã trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau tại các tập đoàn quốc tế cũng như các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam. Gia nhập Ngân hàng Đông Á (DongA Bank) vào năm 2008, đến cuối 2012, ông Thông là Phó tổng giám đốc ngân hàng này, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thẻ thông minh ViNa - V.N.B.C.

Trước khi bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt vào 8/2015 và Chủ tịch HĐQT Trần Phương Bình bị bắt vào cuối năm 2016, giai đoạn 2006 - 2011 DongA Bank luôn đạt tăng trưởng cao. Lợi nhuận cổ tức chi trả cổ đông năm 2008 lên đến 21% và liên tục duy trì ở mức hai con số trong thời gian này.

Năm 2011, DongABank thu về 2.467 tỷ đồng, tăng 79,5% so với năm 2010. Lãi ròng tăng 44%, đạt 947 tỷ đồng, đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của ngân hàng này.

Tuy nhiên, cũng chính trong giai đoạn này (2008 - 2012), ban lãnh đạo DongABank có dấu hiệu đi chệch hướng, đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản để đẩy mạnh tín dụng, khiến ngân hàng này lao dốc không phanh.

Nợ xấu tăng đột biến từ mức 1,69% (năm 2011) lên 3,95% (năm 2012). Đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức 3,99%. Năm 2014, ngân hàng này không công bố nợ xấu nhưng tỷ lệ dự đoán dâng cao.

Cũng trong năm này, lợi nhuận trước thuế của DongABank chỉ đạt 35 tỷ đồng nên ngân hàng này không chia cổ tức đợt 1. Từ một ngân hàng ở đỉnh cao phong độ, lãi sau thuế gần nghìn tỷ đồng vào năm 2011, sau 3 năm con số này lần lượt trượt dốc mạnh và lãi chưa đầy 35 tỷ đồng kết thúc năm 2014.

Đến tháng 2/2014, ông Lê Trí Thông bất ngờ thôi làm Phó tổng giám đốc ngân hàng này khi ông vốn là người được cho là sẽ kế nhiệm vị trí Tổng giám đốc DongA Bank của ông Trần Phương Bình.

 Ông Trần Phương Bình và bà Cao Thị Ngọc Dung. 

Sau khi rời khỏi DongA Bank, tại ĐHĐCĐ của PNJ tháng 4/2017, ông Thông trúng cử thành viên HĐQT và được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT PNJ nhiệm kỳ 2017-2022.

Cái bóng DongA Bank

PNJ và DongA Bank được cho là có mối quan hệ mật thiết khi Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung là vợ ông Trần Phương Bình - nguyên Chủ tịch DongA Bank. Mối quan hệ này còn thể hiện trong nhiều khoản đầu tư, cho vay.

Do cú sốc kinh doanh vàng miếng mà trong năm 2012, doanh thu thuần của PNJ lao dốc từ gần 18.000 tỷ xuống khoảng 6.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu vàng miếng giảm 70% so với năm 2011.

Đến năm 2015, công ty bị “bồi” thêm một cú sốc không phải đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà từ khoản đầu tư lâu năm vào Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank).

Ngoài mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi, PNJ còn lấn sân sang ngân hàng, bất động sản và ngành khác… Đó là các khoản đầu tư hiện còn nắm giữ như DongABank, Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á, Công ty Cổ phần Bất động sản Sài Gòn M&C hay các khoản đã thoái vốn gồm Công ty Cổ phần Quê hương Liberty, Dự án Hoàng Minh Giám, Công ty Cổ phần Địa ốc Kinh Đô, Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (SFC)…

Trong đó, khoản đầu tư lớn nhất là vào DongABank với hơn 395 tỷ đồng, tương đương gần 38,5 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 7,7% vốn (tại thời điểm năm 1992, PNJ là một trong những cổ đông sáng lập của DongABank với tỷ lệ sở hữu 40% vốn). Bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT PNJ, cũng từng là Chủ tịch HĐQT DongABank từ năm 1992-1997.

Mối quan hệ của DongABank và PNJ còn thể hiện ở các khoản vay và dùng khoản đầu tư cổ phiếu vào DongABank làm tài sản thế chấp cho nhiều khoản vay của PNJ.

Liên quan đến các khoản vay nợ tại công ty, trong những năm trước PNJ vay bằng vàng tương đối lớn và đến cuối năm 2013 đã tất toán xong các khoản vay bằng vàng. Nhiều nhất là trong năm 2012 với 832 tỷ đồng vay bằng vàng, trong đó vay DongABank 163 tỷ đồng. Khoản vay bằng tiền đồng của PNJ tại DongABank đã giảm trong những năm gần đây và còn lại không đáng kể.

Sau nhiều năm song hành mật thiết cùng nhau, bất ngờ đến năm 2015, DongABank trở thành cú sốc "đánh" vào chính kết quả kinh doanh của PNJ khi Ngân hàng Nhà nước công bố kiểm soát đặc biệt. Trước đó PNJ công bố báo cáo quý II/2015 tự lập với khoản trích lập dự phòng 55 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào DongABank và lãi sau thuế hợp nhất 6 tháng thu về hơn 175 tỷ đồng.

Tuy nhiên sau soát xét, PNJ đã tăng trích lập dự phòng cho khoản đầu tư vào DongABank, nâng số dư khoản trích lập dự phòng rủi ro đầu tư dài hạn tại PNJ từ 55 tỷ lên 141 tỷ đồng, làm tăng chi phí tài chính trong kỳ và kéo giảm lợi nhuận sau thuế hợp nhất tụt xuống còn 107 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo tài chính riêng quý III/2017 cho thấy, khoản đầu tư này hiện đã được PNJ trích lập dự phòng

100%. Con số này cao gấp 3 lần lợi nhuận sau thuế quý III/2017 của PNJ.

Do bị đưa vào đưa vào diện kiểm soát đặc biệt nên cổ phiếu DAF của DongA Bank không còn sinh lời, cổ đông cũng không thể mua bán, chuyển nhượng được.

Khi DongA Bank ra đời, PNJ đã hoạt động được 4 năm. DongA Bank ra đời và hoạt động trên nền tảng của các công ty trực thuộc ban tài chính của UBND TP. HCM và quận Phú Nhuận. Tại thời điểm cuối năm 2012, Văn phòng Thành ủy TP. HCM và 2 công ty liên quan sở hữu 12,47% cổ phần DongABank, trong đó Văn phòng Thành ủy TP. HCM là cổ đông lớn nhất sở hữu 6,87% cổ phần ngân hàng này. 

Đến nay, với tỷ lệ sở hữu tổng cộng 12,73%, ông Phan Văn Anh Vũ (được biết đến với tên gọi Vũ ''nhôm'') và Công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 (ông Vũ là người đại diện phần vốn góp này) là nhóm cổ đông lớn nhất của DongA Bank, xếp trên Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (7,7%) và Văn phòng Thành uỷ TP. HCM (6,87%). Ông Vũ đã bị bắt vì tội làm lộ bí mật Nhà nước.

Ngoài 7,7% vốn do PNJ nắm giữ, ông Trần Phương Bình, bà Cao Thị Ngọc Dung cùng 3 con gái Trần Phương Ngọc Thảo, Trần Phương Ngọc Giao và Trần Phương Ngọc Hà đang sở hữu tổng cộng 9,62% cổ phần tại nhà bằng này.

Áp lực người kế nhiệm

Cái tên Cao Thị Ngọc Dung đã gắn với PNJ từ khi thành lập vào năm 1988. Từ đó đến trước khi bổ nhiệm ông Lê Trí Thông, bà Dung đã ngồi ghế Tổng giám đốc của PNJ trong suốt 30 năm. Thời gian lâu đến mức, chính bà Dung cũng từng nói rằng đã đến lúc nên rút lui, nhường chỗ cho người mới lên thay.

Tại ĐHCĐ của PNJ vào năm 2017, bà Dung chia sẻ trong khoảng 5 năm qua bà đã tìm người thích hợp để thay mình ngồi "ghế nóng" công ty nhưng chưa thành công. Một vài nhân vật được chọn nhưng sau đó PNJ vẫn do bà Dung điều hành cho đến khi bổ nhiệm ông Lê Trí Thông mà doanh nghiệp này vừa công bố.

Video: Biệt thự hơn 100m2 của Hoa hậu Thu Ngân và chồng đại gia

Ở PNJ, vai trò của bà Dung vẫn luôn ý nghĩa, nhất là trong giai đoạn bà mạnh dạn chuyển đổi, đẩy mạnh mô hình kinh doanh từ kinh doanh vàng miếng sang bán lẻ vàng trang sức. Nhờ đó mà doanh thu năm 2016 của PNJ tuy chỉ bằng khoảng 40% so với Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) nhưng lãi gộp lại gấp 7 lần SJC. Doanh thu bán hàng năm 2017 của PNJ đạt trên 11.000 tỷ đồng, tăng trên 28% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt trên 725 tỉ đồng, tăng 61% so với năm 2016.

Hiện tại, PNJ chỉ còn duy trì 2 công ty con, liên quan đến ngành trang sức là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Thời trang CAO và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Giám định PNJ (PNJLab). Đối với những khoản đầu tư ngoài ngành, công ty đã bán lại hoặc dự phòng đầy đủ.

Lâu nay, bà Cao Thị Ngọc Dung được ví như người vận hành cỗ máy PNJ. Điều này cũng giống như bà Mai Kiều Liên ở Vinamilk, bà Nguyễn Thị Mai Thanh ở REE, bà Phạm Thị Việt Nga ở Dược Hậu Giang, bà Trương Thị Mỹ Khanh ở Vĩnh Hoàn. Họ là những nữ lãnh đạo đã dành cả cuộc đời cho công ty và góp phần quan trọng trong thành công hiện tại của công ty. Họ hiểu doanh nghiệp của mình và hiểu ngành nghề sâu sắc đến mức, bất cứ một thay thế nào cũng khó lấp đầy chỗ trống. Đây có thể xem là áp lực rất lớn cho lớp kế thừa trẻ như ông Lê Trí Thông - người vừa được bổ nhiệm vào chiếc ghế CEO.

>>> Đọc thêm: Cuộc sống xa hoa của những cô gái Hong Kong với 'bố nuôi' Singapore

Nguồn: Nhà Đầu Tư

Tin mới