Báu vật 600 năm tuổi
Ngày 23/11, ông Quách Văn Địch (trú tại Long Biên, Hà Nội), một người sưu tầm đồ cổ ở Hà Nội cho biết, ông đã quyết định tặng 2 mỏ neo trục vớt từ đáy sông Hồng cho Bảo tàng Hà Nội trưng bày sau gần 20 năm kỳ công giữ gìn và bảo quản.
Năm 1998, ông Địch mua lại 1 chiếc mỏ neo của lão ngư Nguyễn Văn Mười tại ngôi nhà nổi giữa sông Hồng. Hai năm sau, ông tiếp tục trục vớt chiếc mỏ neo thứ 2 về nhà. Ông Địch cho biết, chi phí cho 2 lần mua và trục vớt 2 mỏ neo khi đó bằng 11 cây vàng.
Một trong hai chiếc mỏ neo cổ khi ông Địch còn giữ tại nhà riêng.
Hai chiếc mỏ neo có chiều dài 6m, đầu ngạnh bịt sắt dài 2m. Kết quả thẩm định niên đại của Phòng C14 - Viện Khảo cổ Việt Nam đối với 2 chiếc mỏ neo này cho thấy: Với xác suất 68,2%, niên đại của đôi mỏ neo vào khoảng năm 1405-1448. Còn với xác suất 94,5% thì niên đại rơi vào quãng năm 1320-1490. Theo kết quả này, tuổi đời của hai chiếc mỏ neo vào khoảng trên dưới 600 năm.
Sau khi xác định được tuổi đời cổ vật, cơ hội có món tiền lớn từ 2 chiếc mỏ neo đến với ông Địch nhiều hơn.
Từ nhiều năm nay, chủ nhân của 2 chiếc mỏ neo không nhớ nổi số lần mình từ chối các tay chơi đồ cổ. Có một vị khách từ Hải Dương tới hỏi mua ông không bán, lại quay sang vợ ông với lời đề nghị nếu mua được sẽ trả thêm 5.000 USD cho bà. Tuy nhiên, mọi lời đề nghị đều được ông Địch từ chối khéo.
Đáng nhớ nhất là chuyện xảy ra khi ông Định mở một quán bia lấy tên "Mỏ neo". Từ khi mang một chiếc mỏ neo ra trưng bày tại quán "Mỏ neo", thực khách vào quán tăng dần lên. Năm 2002, quán của ông Địch tiếp một đoàn khách người Trung Quốc vào uống bia. Khi đang nâng cốc, một một vị khách bỗng nhiên ngồi thừ người, mắt đăm đăm nhìn vào chiếc mỏ neo khổng lồ đặt tại quán. Vị khách lạ này bước tới dán mắt vào từng chi tiết của chiếc mỏ neo.
Sau một lúc lâu đắm chìm vào cổ vật giữa không gian ồn ào của quán, vị khách lạ người Trung Quốc thông qua phiên dịch muốn mua lại chiếc neo hai ngạnh với giá 30.000 USD. Trước lời đề nghị của khách, ông Địch tỏ ra bối rối. “30.000 USD thời giá năm 2002 thì tính ra bao nhiêu vàng? Cả gia tài không nhỏ”, ông Địch nói. Trước lời đề nghị bất ngờ của khách, ban đầu ông Địch đã định bán nhưng thẫn thờ một hồi lâu, ông lại từ chối.
Câu chuyện hỏi mua về chiếc mỏ neo tưởng vậy rồi thôi nhưng không ngờ chưa đầy tuần sau, vị khách lạ trở lại một lần nữa. Lần này, với thái độ rất nghiêm túc, mang theo cả vali tiền mặt, vị khách quyết định nâng giá lên gấp 5 lần.
“150.000 USD, lần này thì tôi không thể bình tĩnh nổi. Thú thật, tôi chưa bao giờ thấy vật gì trị giá ghê gớm như vậy. Mồ hôi tứa ra như tắm. Tôi phải xin vị khách cho tôi thêm thời gian một ngày để suy nghĩ”, ông Địch kể.
Tuy nhiên, khi đêm về, ngồi lặng thinh đối diện với cổ vật, ông Địch lại thấy dường như sau lớp lớp vẩy gỗ đã nứt rạn đang chứa đựng điều gì chưa thể lý giải. Ông khao khát muốn biết câu chuyện đằng sau chiếc mỏ neo, bởi vậy, một ngày sau, lần thứ hai, ông Địch bình tĩnh từ chối vị khách lạ.
Di vật quý giá của ngành khảo cổ và sử học Việt Nam
Câu chuyện về chiếc mỏ neo cổ được mở ra lần đầu khi năm 2003 ông Địch tới gặp nhà sử học Dương Trung Quốc. Sau đó, ĐBQH, nhà sử học Dương Trung Quốc cùng người bạn của mình là tiến sĩ Vũ Thế Long (Viện Khảo cổ học Việt Nam) sang nhà chủ nhân của 2 chiếc mỏ neo này ở bên kia sông Hồng.
Sau khi trở về, TS Vũ Thế Long đã lên mạng kêu gọi bạn bè từ các viện nghiên cứu hàng hải quốc tế giúp đỡ giải đáp về hiện tượng mỏ neo cổ xuất hiện ngay giữa lòng Hà Nội. Nỗ lực của ông Long đã được hồi đáp sau đó 2 tháng. Một đoàn chuyên gia của Viện Khảo cổ hàng hải Canada với nhóm nghiên cứu đến từ Nhật Bản, Pháp và Canada đã có mặt tại nhà ông Địch.
Ông Quách Văn Địch (trái), chuyên gia nước ngoài (giữa) và TS Vũ Thế Long (phải) trong một lần giám định mỏ neo cổ. (Ảnh: NVCC)
Tại đây, Tiến sĩ - nghiên cứu sinh Randall Sasaki của Viện Khảo cổ hàng hải Canada (INA) nói sẽ cố gắng hỗ trợ phía Việt Nam về phương pháp nghiên cứu và thậm chí kêu gọi cả nhà tài trợ để lập quỹ hỗ trợ nghiên cứu. Còn Tiến sĩ Jun Kimura - chuyên gia khảo cổ người Nhật của Viện INA - thì cho rằng, đây là cơ hội cho ngành khảo cổ hàng hải vốn là lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam.
Các chuyên gia nước ngoài đánh giá, nhiều khả năng hai chiếc mỏ neo có niên đại muộn hơn so với đánh giá ban đầu là đời Trần khi quân Nguyên Mông xâm lược Việt Nam. Vị tiến sĩ người Nhật khẳng định, ông đã tới Bảo tàng Hàng hải Thái Lan - nơi người ta nghiên cứu nhiều về những chiến thuyền cổ và thấy rằng mỏ neo ở đó được xác định là chế tạo vào thế kỷ 17, khá giống với hai chiếc mỏ neo ở nhà ông Địch.
Trao đổi với VTC News về giá trị của 2 chiếc mỏ neo ông Địch tặng cho Bảo tàng Hà Nội, TS Vũ Thế Long, người đã bỏ tâm sức theo 2 cổ vật từ khi phát hiện nhận xét: “Đây là một tin vui, là món quà vô giá mà người dân đã tặng cho Bảo tàng Hà Nội. Hai chiếc mỏ neo cổ này là hiện vật quý hiếm.
Tuy nhiên, việc nhìn nhận giá trị thực của hai chiếc mỏ neo trước kia còn vướng một số rào cản. Trong những lý do đó, có cả hạn chế chuyên môn về chuyên ngành khảo cổ hàng hải của Việt Nam. Và quan trọng nhất là sự vô cảm của những cơ quan có trách nhiệm. Đây chính là nguyên nhân khiến gần 20 năm qua giá trị của 2 chiếc mỏ neo chưa được đánh giá đúng”.
Theo TS Vũ Thế Long, niên đại chỉ là một phần, phần còn lại là đi tìm những mảnh ghép còn thiếu của 2 chiếc mỏ neo mà ông đặt ra các giả thiết 2 mỏ neo này là của thuyền chiến hay thuyền buôn? Và phải chăng dù là thuyền chiến hay thuyền buôn thì với kích cỡ “ngoại hạng” của chiếc mỏ neo như vậy chứng tỏ sông Hồng thời bấy giờ đã có thuyền lớn ra vào tấp nập, bên cạnh một hải cảng trên cạn khác là phố Hiến ở Hưng Yên? Đây là những câu hỏi mà khảo cổ học và sử học còn phải tiếp tục đi sâu nghiên cứu, làm rõ.
Video: Phát hiện nhiều cổ vật chìm dưới biển Quảng Ngãi