Các nhà khoa học sử dụng chuột hamster Syria và công nghệ CRISPR-Cas9, loại công nghệ cho phép kích hoạt hoặc vô hiệu hóa các loại gene trong tế bào, NDTV đưa tin ngày 29/5.
Bằng công nghệ CRISPR-Cas9, các nhà khoa học loại bỏ thụ thể Avpr1a của vasopressin - một loại hormone trong tế bào thần kinh dưới đồi liên quan tới hành vi hung hăng của động vật.
Ban đầu, nhóm nghiên cứu tin rằng chỉnh sửa gene sẽ làm con vật hiền hòa và thân thiện hơn. Tuy vậy, các con vật bị chỉnh sửa gene đã trở thành "quái vật hung dữ".
"Chúng tôi dự đoán nếu loại bỏ hoạt động của vasopressin, sự hung hăng và tương tác xã hội sẽ giảm xuống. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra", Elliot Albers, một trong các trưởng nhóm khoa học, cho biết.
Thí nghiệm được tiến hành trên chuột hamster. (Ảnh minh họa)
Các nhà khoa học giải thích rằng các cá thể hamster không có thụ thể cho thấy mức độ tương tác xã hội cao hơn so với những con mà thụ thể còn nguyên vẹn.
Hơn nữa, khi thụ thể bị loại bỏ, mức độ hung hăng khác biệt dựa trên giới tính của chuột cũng không còn, các cá thể chuột ở cả hai giới đều tỏ ra hung hăng hơn với những con chuột có cùng giới tính. Những hành vi này bao gồm truy đuổi, cắn.
"Dù chúng tôi biết vasopressin làm tăng mức độ tương tác xã hội của động vật, có khả năng thụ thể Avpr1a đóng vai trò tác nhân gây ức chế", giáo sư Albers lý giải.
Kết quả từ thí nghiệm có thể hữu ích giúp các nhà khoa học nghiên cứu những phương pháp điều trị mới cho các chứng rối loạn tâm thần ở con người.