Từ nhiều năm trước khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, dư luận bắt đầu nêu hiện tượng "quá tải" trong giáo dục phổ thông. Từ hình ảnh chiếc cặp quá nặng của học sinh tiểu học đến chương trình thiên về lý thuyết, thời gian học lấn át giờ vui chơi và lịch kiểm tra, thi cử quá dày đều được phụ huynh học sinh và báo chí nêu như điển hình về sức ép với thanh, thiếu niên, nhi đồng.
Tuy nhiên, theo Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết, thời lượng học của học sinh phổ thông Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình thấp so với các nước. Theo số liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế (OECD), tính trung bình mỗi học sinh tuổi từ 7 đến 15 học 7.475 giờ, trong khi thời lượng học của học sinh tiểu học và THCS theo chương trình hiện hành của Việt Nam là 5.424 giờ.
Theo Ban biên soạn chương trình mới, việc quá tải bắt nguồn từ một số nguyên nhân, như nội dung còn nặng lý thuyết, nhiều nội dung chưa thiết thực, khó hiểu, không gây hứng thú; phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình; thời lượng học phân bổ không đều, nhiều khi chưa tương thích với nội dung. Học sinh học đối phó với nhiều kỳ thi, phụ huynh quá đặt áp lực lên con; hiện tương dạy học thêm tràn lan chiếm nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Từ thực tế này, Chương trình phổ thông mới sẽ áp dụng 6 biện pháp giảm tải cho học sinh, phụ huynh
Giảm số môn học và hoạt động giáo dục
Thông qua việc thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm số môn học so với chương trình hiện hành.
Cụ thể, theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.
Chương trình mới của cấp THCS, các lớp đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.
Chương trình mới của lớp THPT đều có 12 môn học, còn chương trình hiện hành, lớp 10 và 11 có 16 môn; lớp 12 có 17 môn học.
Giảm số tiết học cho học sinh
Theo chương trình mới, bậc tiểu học học 2 buổi/ngày (9 buổi/tuần), trung bình, các em học 1,8 giờ/lớp/buổi học; có điều kiện tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí nhiều hơn. Chương trình hiện nay học một buổi/ngày (5 buổi/tuần), trung bình các em học 2,7 giờ/lớp/buổi.
Ở bậc THCS, học sinh sẽ học 3.070 giờ, trong khi theo chương trình hiện hành là 3.124 giờ. Bậc THPT, học sinh sẽ học 2.284 giờ, trong khi theo chương trình hiện nay các em Ban cơ bản học 2.546 giờ; Ban A, Ban C học 2.599 giờ.
Giảm những kiến thức kinh viện, tăng dạy học phân hoá, tự chọn
Chương trình hiện nay thiên về trang bị kiến thức, do đó chứa đựng nhiều nội dung hàn lâm, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh. Trong khi Chương trình mới lấy việc phát triển phẩm chất và năng lực thực tiễn của học sinh làm mục tiêu, lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp và giảm bớt đáng kể kiến thức kinh viện, làm cho bài học nhẹ nhàng hơn.
Bên cạnh đó, chương trình GDPT mới là chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Việc này nhằm không gây ức chế, dẫn tới quá tải, giúp các em cảm thấy hứng thú với việc học, tạo hiệu quả học tập.
Ngoài ra, chương trình GDPT mới hướng tới thực hiện triệt để phương pháp dạy học tích cực. Theo đó, các em học sinh sẽ được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng vào đời sống, thầy cô không thiên về truyền thụ mà chỉ đóng vai trò hướng dẫn hoạt động cho học sinh.
GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục mới.
Trong quá trình thực hiện chương trình, thầy cô giáo được quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với mỗi nội dung, mỗi đối tượng và hoàn cảnh cụ thể.
Dù những giải pháp trên đóng vai trò quan trọng giúp giảm tải chương trình học hiện hành, nhưng theo giáo sư Thuyết, để khắc phục triệt để nguyên nhân gây quá tải, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, cơ sở giáo dục và giáo viên cần phối hợp chặt chẽ để quản lý việc dạy thêm học thêm.
Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ học sinh cũng cần tính toán giúp con em xây dựng kế hoạch học tập, vui chơi, nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo thêm áp lực cho con ngoài giờ học ở trường.
>>> Đọc thêm: Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì đáng chú ý?