Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Chuồng cọp bít đường sống khi cháy nhà: Cần quy định bắt buộc mở lối thoát nạn

(VTC News) -

Trước thực trạng khó có thể xóa sổ chuồng cọp, chuyên gia kiến nghị cơ quan chức năng cần ban hành quy định pháp luật bắt buộc mở lối thoát nạn phòng hỏa hoạn.

 

Nhắc đến vụ cháy nhà trên phố Định Công Hạ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều nhân chứng vẫn chưa hết ám ảnh khi bất lực chứng kiến những bàn tay vẫy đèn pin cầu cứu từ tầng 6.

Ngôi nhà xảy ra hoả hoạn được thiết kế theo kiểu nhà ống, phía trên được quây kín bởi bởi lồng sắt và kính. Cửa sổ hai bên tòa nhà cũng được gia cố lồng sắt bên trong, cửa kính bên ngoài.

Khi ngọn lửa bùng phát ở tầng 4 và tầng 5, các nạn nhân chạy lên tầng 6 thì gần như đi vào "cửa tử" vì đã bị quây kín bởi chuồng cọp kiên cố.

 

Trước đó, Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước xảy ra hàng loạt vụ cháy để lại hậu quả thương tâm và nguyên nhân đều liên quan đến chuồng cọp, các nạn nhân không thể thoát hiểm bởi lối thoát đã bị bịt kín.

Trước thực trạng này, các kiến trúc sư cho rằng, đã đến lúc phải ban hành quy định bắt buộc mở lối thoát nạn ở chuồng cọp.

Tại họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội quý 2 diễn ra chiều 26/6, ông Nguyễn Thế Công, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội trả lời về tình trạng chuồng cọp kiên cố gây khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy và thoát nạn khi xảy ra cháy nhà.

Theo ông Nguyễn Thế Công, hiện không có tiêu chuẩn, quy chuẩn nào về việc xây dựng chuồng cọp. Thời điểm nghiệm thu, các công trình chưa hình thành chuồng cọp.

"Chuồng cọp hình thành sau khi công trình nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Người dân tự xây dựng thêm các chuồng cọp", Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội nói.

Về việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Đối với việc mở lối ra thoát hiểm, theo Nghị quyết 05 của HĐND TP năm 2022 quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với việc xử lý công trình để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Trong đó có quy định phải mở các lối ra thoát hiểm.

Cũng liên quan đến vấn đề người dân tự ý xây dựng chuồng cọp ở căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trên địa bàn, trả lời VTC News, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. 

Các đơn vị như Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức khi thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình chung cư và nhà ở riêng lẻ phải đảm bảo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi bổ sung năm 2020).

“Hiện nay, việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho nhà chung cư, nhà ở riêng lẻ đang là vấn đề cấp bách, đặt ra bài toán cho các cơ quan quản lý Nhà nước. Do đó, để đảm bảo hành lang pháp lý thống nhất, rõ ràng và chặt chẽ, Sở Xây dựng kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn thiết kế nhà ở riêng lẻ, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy làm cơ sở quản lý các loại hình nhà ở nêu trên”, Sở Xây dựng TP.HCM thông tin.

 

Kiến trúc sư Đặng Hữu Hải (Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Việt House), cho biết, trong từ điển kiến trúc không có định nghĩa về "chuồng cọp".

Có thể mô tả từ thực tế, chuồng cọp là lồng sắt được gắn cố định vào các khoảng không ở ban công của căn nhà.

Ông Hải cho hay, chuồng cọp xuất hiện đầu thập niên 80 của thế kỷ XX ở Hà Nội, trong các khu chung cư cũ (thời đó gọi là nhà tập thể) với những căn hộ diện tích khiêm tốn và kém tiện nghi. Chuồng cọp ra đời với chức năng đầu tiên là để cải thiện diện tích, được lắp ở các ban công, logia bằng những vật liệu rẻ tiền, tạm bợ như tôn, ván, cót ép, tấm nilon…

Tuy chỉ là khoảng diện tích nhỏ nhưng cũng cải thiện đáng kể công năng của căn hộ. Có nhà đặt chậu cây làm vườn treo, có nhà làm kho, có nhà làm thành gian bếp, có nhà làm thành phòng vệ sinh hay thậm chí là phòng ngủ.

 

"Đến những năm 90, nước ta bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế khó khăn, xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội, nảy sinh nạn ăn cắp vặt. Ngoài các vật dụng có giá trị thì quần áo, nồi niêu, xô chậu… cũng là vật phẩm ưa thích của các đạo chích", ông Hải thông tin.

Theo ông Hải, nhà mặt phố san sát nhau, từ ban công nhà nọ dễ dàng trèo sang ban công nhà kia, trở thành địa điểm trộm cắp lý tưởng của những kẻ nghiện hút. Thế nên, người dân buộc phải rào kín ban công và sân thượng để đề phòng trộm cắp.

"Làm chuồng cọp trở thành một trào lưu, nhưng cũng là nhu cầu thực tế ở hầu hết các chung cư cũ, nhà cao tầng để phù hợp với môi trường sống, bảo vệ an ninh", vị kiến trúc sư nhận định.

Chính quyền và nhà chuyên môn chưa bao giờ thừa nhận, ủng hộ hay tán đồng giải pháp chuồng cọp trong các công trình nhà ở.

Mô hình này đem lại nhiều tác dụng tiêu cực như: ảnh hưởng mỹ quan đô thị; ảnh hưởng tới kết cấu của các công trình chung cư; ảnh hưởng tới khả năng thoát hiểm, cứu hộ cứu nạn nếu có sự cố cháy nổ… Và thực tế, đã có những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại về người bởi chuồng cọp che chắn, quây kín không có lối thoát.

Những năm qua, các Bộ, ngành liên quan và chính quyền các cấp tích cực vận động người dân mở lối thoát nạn tại chuồng cọp. Tuy nhiên, ông Hải đánh giá, công tác này chưa đạt được hiệu quả.

Dân gian có câu "thủy, hỏa, đạo, tặc" để nói về những mối nguy hiểm có thể gây ra với con người, trong đó "thủy" và "hỏa" là 2 nạn được đặt lên hàng đầu. Nhưng hiện nay, người dân vẫn "chống trộm hơn chống cháy".

"Chúng ta phải thừa nhận rằng không thể "xóa sổ" chuồng cọp trong quá trình xây dựng công trình nhà ở hiện nay nên phải "sống chung", nhưng cần có lối thoát nạn. Nhưng ở mức độ tuyên truyền, vận động thì khó có thể đạt hiệu quả, mà phải quy định bằng pháp luật, bắt buộc mở lối thoát nạn ở chuồng cọp", ông Đặng Hữu Hải kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho rằng cần có sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng, từ tổ dân phố, công an xã, phường đến các cấp cao hơn để việc mở lối thoát hiểm thực chất.

"Trong quá trình làm nghề, tôi khuyến nghị gia chủ không nên làm chuồng cọp, nhưng những khu vực an ninh phức tạp thì nó lại là giải pháp duy nhất. Song, tôi cũng đề xuất phải có cửa thoát nạn trên chuồng cọp. Rồi sử dụng khóa số, mọi người trong gia đình đều biết mã chứ không dùng khóa có chìa, khi nguy cấp lại không tìm được. Từ đó khi xảy ra sự cố cháy nổ, đây trở thành lối thoát hiểm thứ 2 của mỗi nhà, ngoài cửa chính", ông Đặng Hữu Hải nói.

 

Liên quan vấn đề trên, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, trường hợp lắp đặt chuồng cọp theo dạng tăng quy mô sử dụng sẽ rơi vào vi phạm về mặt xây dựng. Còn nếu lắp chuồng cọp khiến cho lối thoát hiểm bị ngăn chặn thì sẽ vi phạm ở mặt phòng cháy chữa cháy.

Theo Thượng tá Hà, nếu chuồng cọp được mở một lối thoát nạn và có phương án từ chuồng cọp thoát sang nhà bên cạnh để chạy ra ngoài, đồng thời tạo điều kiện cho việc tiếp cận hiện trường và cứu nạn cứu hộ thì dưới góc độ an toàn, không phải tất cả các chuồng cọp đều gây nguy hiểm.

“Dù đã lắp chuồng cọp nhưng chúng ta có lối thoát nạn và lắp cả dây thoát hiểm trên chuồng cọp luôn thì có khi lại an toàn. Tùy theo trường hợp cụ thể mà đánh giá về mức độ an toàn của các chuồng cọp, song chúng tôi cũng muốn khuyến cáo người dân nên bố trí cho mình lối thoát nạn thứ hai nếu xảy ra cháy nổ. Hiện tại, Công an TP.HCM đã thành lập những tổ liên gia để vận động người dân mở lối thoát nạn thứ hai sang các hộ xung quanh”, Thượng tá Lê Mạnh Hà khẳng định. 

Cùng bàn luận về vấn đề này, kiến trúc sư Trương Ngọc Lân, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) ủng hộ chuồng cọp phải có lối thoát hiểm. Tuy nhiên, ông Lân cho rằng, quy chuẩn là những quy định chung cho ngành, lĩnh vực chứ không chi phối đến mức nhỏ, chi tiết như chuồng cọp.

"Ở Trung Quốc, Hồng Kông cũng có nhu cầu đảm bảo an ninh như nước ta. Tuy nhiên, khung thép, lưới bảo vệ được làm sẵn, người dân mua về chỉ việc gắn vào. Họ có những doanh nghiệp được cấp phép sản xuất loại hình này, cơ quan Nhà nước khống chế từ nhà sản xuất nên phải tuân theo quy định.

Còn ở Việt Nam chủ yếu là sản xuất thủ công, muôn hình vạn trạng theo yêu cầu của chủ nhà nên rất khó kiểm soát để đề ra quy chuẩn", kiến trúc sư Lân nói.

Vậy nên, Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch cũng kiến nghị có quy định, yêu cầu khi lắp chuồng cọp phải có cửa thoát hiểm với kích thước cụ thể.

Một số cư dân ở cư xá Thanh Đa (quận Bình Thạnh, TP.HCM) mở lối thoát cho chuồng cọp.

 

Về lâu dài, để đề phòng sự cố cháy nổ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu quan điểm, khi thực hiện quy hoạch lại TP Hà Nội cần chú ý việc làm đường rộng, đường thoáng.

Bên cạnh đó, ông Trí cũng đặt vấn đề xóa bỏ nhà ống ở Hà Nội, phải bàn với dân, tạo được sự đồng thuận cao.

"Chúng ta đã trải qua mấy thập kỷ nhà ống, đến bây giờ rất khó xử lý và sửa chữa. Nhân đợt này chúng ta hạn chế dần để không có nhà ống mới và quy hoạch lại để thay đổi", ông Trí nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Anh Trí đề nghị thực hiện càng sớm càng tốt việc cải tạo chung cư cũ trong bối cảnh trình trạng cháy nổ xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc.

Cùng quan điểm, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho hay, nhiều tuyến phố, ngõ ngách trên địa bàn Hà Nội quá nhỏ hẹp. Đây là hệ quả của quá trình đô thị hóa, chuyển từ làng lên phố.

"Nhiều ngõ chỉ rộng 1 - 2 mét, không đảm bảo tiêu chuẩn cho xe cứu hỏa đi vào. Trong quy định về phòng cháy, chữa cháy ở nhiều nước nêu rõ, đường cho xe cứu hỏa phải rộng không dưới 4 mét", ông Tùng nói.

Một bất cập nữa về quy hoạch Thủ đô hiện nay được Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nêu là quản lý nhà ở chưa tốt.

Theo đó, nhiều căn hộ cao tầng sau khi xây dựng bị biến tướng thành chung cư mini, tầng trệt lại là cửa hàng kinh doanh với các mặt hàng dễ cháy nổ như đồ dùng điện nước, xe máy điện, xe đạp điện…

Việc cấp phép xây dựng cũng được ông Tùng đánh giá là lỏng lẻo.

 

"Trong luật định, khi cấp phép xây dựng cho công trình thì phải đảm bảo phòng chống cháy nổ. Nhà ở thì phải là nhà ở, nhưng nếu xây nhiều tầng, nhiều căn hộ thì là chung cư mà chung cư thì phải lập dự án, phải đảm bảo rất nhiều tiêu chí về Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị…", vị kiến trúc sư nói.

Ông Phạm Thanh Tùng cũng đánh giá công tác thanh tra, kiểm tra về trật tự xây dựng ở nhiều địa bàn rất yếu.

"Khi người ta xây dựng anh phải có người đến kiểm tra. Xây dựng xong thì phải kiểm tra hoàn công, trong đó có đảm bảo đúng giấy phép xây dựng không, đáp ứng tiêu chuẩn chống cháy nổ không… Chứ bây giờ cháy ra rồi mới đi kiểm tra chỉ là phần ngọn của vấn đề", ông Tùng nói.

Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, chỉ khi nào khắc phục được những vấn đề kể trên thì mới khắc phục được tình trạng cháy nổ phức tạp như thời gian qua.

Tuy nhiên, trước tiên, vị chuyên gia đề nghị phải sửa quy định, mở rộng đường để xe cứu hỏa đi vào được mọi ngõ phố trong đô thị.

Anh Văn - Lương Ý (Thiết kế: Huy Mạnh)

Tin mới