Kỳ 1: Điều kỳ diệu sau điện mật 'chúng tôi đã chiến đấu hết đạn, xin vĩnh biệt các đồng chí'
Kỳ 2: Chúng tôi đã chiến đấu hết đạn: Sau bức điện, đường máu phá vòng vây địch mở ra
Ngày 19/2/1979, địch mở đợt tấn công lớn thứ 5. Một cuộc chiến đấu tầm gần và khủng khiếp nhất diễn ra. Quân địch ầm ầm xông lên. Quân ta lực lượng mỏng nhưng vẫn anh dũng chiến đấu.
“Khi địch tiến sát về đồn, lúc đó gần như đánh giáp lá cà. Cuộc chiến phải nói là 1 chọi 20, 1 chiến sĩ của ta chiến đấu từ 10 - 20 quân địch”, Anh hùng Lê Khắc Xuân nhớ lại.
Ngày 20/2/1979, địch bắn súng cối vào đồn Pha Long suốt 3 giờ. Sau đó, lợi dụng trời tối, chúng tràn vào Đồn. Chiến sĩ ta đánh trả quyết liệt, tiếp tục tiêu diệt gần 100 tên địch, khiến chúng lại phải rút ra.
Theo kế hoạch, Đội phó đội vận động ông Lê Khắc Xuân nhận nhiệm vụ chỉ huy một mũi tấn công để mở đường. Mũi còn lại do Thượng úy Trần Ngọc phụ trách. Cứ như thế, quân ta thực hiện kế hoạch mở đường rút về hồi cứ trong đêm trước sự bao vây tứ bề của quân địch.
Anh hùng Lê Khắc Xuân còn nhớ như in thời khắc trở thành cảm tử quân thăm dò quân địch. Ông được cử ra sân thể dục của đồn chạy liên tục quanh sân để thám thính tình hình. Sau 4 vòng chạy không thấy tiếng súng nổ từ phía quân địch, ông quay về rồi chỉ huy anh em cùng nhau mở đường về hồi cứ.
Trong quá trình rút về hồi cứ ở Suối Thầu, các chiến sĩ Đồn Pha Long đã chiến đấu quyết liệt trong tình thế thiếu thốn đủ bề. Đạn dược cạn kiệt, lương thực, nước uống không còn. Thế nhưng, bằng tinh thần quật cường, họ đã phá vòng vây địch trở về hồi cứ, tiếp tục mở cuộc tấn công đánh tan quân địch.
“Đúng 4 ngày gần như anh em không ăn, chỉ có đánh là đánh. Toàn bộ kho lương, nước uống bị địch tàn phá. Thậm chí, có những lúc nòng súng đỏ rực lửa, chút ít nước còn lại trong bi đông cũng được tận dụng để tưới họng súng”, ông Xuân nhớ lại.
Quãng đường từ đồn về đến hồi cứ xa khoảng 10km đường rừng. Những cuộc chiến giáp lá cà với quân địch liên tục diễn ra.
“Cứ đi đến đâu gặp địch là đánh đến đó. Có những lúc hai họng súng giữa địch và ta chỉ cách nhau chừng vài mét, hai bên giao chiến khốc liệt. Đánh xong, để có vũ khí anh em lại lấy súng đạn của chính quân địch để chiến đấu”, Anh hùng Lê Khắc Xuân giải thích.
Anh hùng Lê Khắc Xuân (thứ hai từ phải qua) trong chuyến công tác tại Liên Xô.
Quân Trung Quốc lúc bấy giờ đông gấp 10 đến 20 lần quân ta. Khi “mở đường máu”, cứ một chiến sĩ của ta tác chiến với 10 đến 20 quân địch. “Bộ đội ta vũ khí thô sơ nhưng nghiệp vụ chiến đấu thì rất thuần thục, từng chặng đường trải qua là hàng chục binh lính địch bị hạ gục”, ông Xuân khẳng định đầy tự hào.
Xuyên đêm như vậy, cuối cùng đội phó Xuân cùng đồng đội đã ra đến căn cứ ở Suối Thầu. Sau đó, một cuộc phản công đáp trả quân địch diễn ra. Lần lượt các mũi tấn công của ta liên tiếp đánh về địa bàn 6 xã do đồn Pha Long phụ trách, tả xung hữu đột đập tan “biển người” của binh lính Trung Quốc.
Trải qua hơn 30 ngày đêm tấn công, Đồn Pha Long đã lập công xuất sắc, tiêu diệt 740 tên địch, bắn bị thương 57 tên, thu 14 súng CKC, 8 AK, 2 trung liên, 8 hòm lựu đạn, 5 khẩu súng K54, 1 khẩu B40, góp phần cùng quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đập tan cuộc tấn công xâm lược của kẻ thù. Ngày 6/3/1979, quân Trung Quốc buộc phải rút quân về nước.
Những ngày tháng 2 lịch sử, anh hùng Lê Khắc Xuân cũng như đồng đội của mình lại bồi hồi nhớ về đồng đội. Mùa xuân năm nay, do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp kèm theo di chứng của chiến tranh để lại, ông chưa có dịp được trở về Pha Long để thăm đồng đội cũ.
Người cựu binh vẫn còn rất đau đớn khi nhớ lại khoảnh khắc đồng đội mình nằm xuống giữa chiến trận nhuốm màu thuốc súng. “Là đồng đội, đồng chí chúng tôi đau lắm. Tôi nhớ nhất thằng Bắc, hai anh em sát cánh cùng nhau, khi nó bị địch bắn gục, tôi chỉ biết cố nén nỗi đau rồi tiếp tục chiến đấu. Mưa đạn bay xối xả, đến vuốt mắt cho nó còn không kịp”, vị lính già vừa kể vừa lấy tay lau nước mắt.
Ông Xuân còn nhớ mãi giây phút thoát chết chỉ trong gang tấc: “Trong lúc chiến đấu, vì quân địch nhiều nên mỗi người tay cầm súng, tay cầm lựu đạn cứ như thế bắn trả về phía địch. Tôi nhớ tay trái vừa mở lựu đạn, tay phải lại đang bắn AK, khi quay lại thấy lựu đạn chưa ném đi, may mà vội vàng tung được nó ra khỏi tay, chứ không giờ này cũng không còn ngồi ở đây rồi”.
Ngồi trước hiên nhà, bà Lê Thị Hà (vợ Anh hùng Lê Khắc Xuân) vẫn còn bồi hồi khi nhắc lại chuyện “em hậu phương, anh tiền tuyến”.
Bà nghẹn ngào tâm sự: “Tháng 2 năm ấy, tôi cũng như bao người phụ nữ khác như ngồi trên đống lửa. Nơi hậu phương, tiếng phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam không ngừng phát đi thông tin về tình hình lửa trận ở Pha Long. Tôi nghĩ, người chồng yêu thương của mình chẳng biết giờ này thế nào. Mỗi lần tiếng đài phát lên, không chỉ tôi mà cả đất nước chìm trong nước mắt”.
Thời gian trôi qua, mỗi dịp tháng 2 về, bà lại cùng chồng nhớ lại một thời quá khứ: “Chúng tôi cưới nhau năm 1973, từ năm 1975 đến năm 1978 ông ấy bặt vô âm tín. Năm 1979, ông ấy được nghỉ phép một lần về chịu tang bố rồi đi biền biệt không tin tức. Ngày trận Pha Long nổ ra, tôi nghĩ ông ấy hy sinh rồi. Mãi đến sau này, khi trận chiến kết thúc, có cậu bạn cùng làng gửi về mảnh báo có in hình ông ấy, khi đó tôi mới biết chiến thắng đã đến, chồng mình vẫn còn sống”.
“Lúc đó chỉ biết đánh là đánh, đến thời gian ăn còn không có thì huống gì thư từ về cho vợ. Sau phép nghỉ được đúng 1 tuần thì trận chiến diễn ra. Nói thật, đến tôi cũng không nghĩ mình trở về như ngày hôm nay”, Anh hùng Xuân đáp lời vợ.
Đến đây, cuộc trò chuyện của tôi với vị anh hùng vũ trang Lê Khắc Xuân bị gián đoạn vì cơn đau đầu của ông bỗng nhiên tái phát. Vợ ông cáo lỗi với tôi và đưa ông đi nghỉ.
Bia trấn ải ở Pha Long (Mường Khương, Lào Cai). (Ảnh: Thanh Tùng)
Chiến tranh không chỉ để lại nỗi đau về thể xác mà còn để lại những day dứt khôn nguôi của tình đồng chí, đồng đội. Chứng kiến cơn đau đầu hành hạ người cựu binh già, tôi không khỏi ngậm ngùi.
42 năm sau cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược, trước cửa Đồn Biên phòng Pha Long sừng sững tấm bia trấn ải với dòng chữ:
“Nguyên Thần Bổn Mệnh giữ núi non.
Nam Sơn bốn cõi tựa sách trời định.
Thiên thiên nhật nguyệt linh linh ứng.
Tuyệt tuyệt long phụng báo quốc an.
Bình nhất hà Việt Nam Quốc thổ”
(Tạm dịch nghĩa:
Nguyên Thần được giao sứ mệnh giữ núi non. Núi nam bốn cõi đã quy định trong sách trời. Nghìn nghìn mặt trời, mặt trăng linh thiêng và ứng nghiệm. Rồng phượng tuyệt vời bảo vệ an nguy Tổ quốc. Đất Việt Nam yên bình nhất là ở đây).
Bên kia cổng là đài tưởng niệm, ghi tên 41 người lính Biên phòng hy sinh tại Pha Long, trong đó có 27 liệt sĩ ngã xuống thời điểm tháng 2/1979, khi đánh trả quân Trung Quốc xâm lược, nhắc nhớ cuộc chiến khốc liệt chống quân thù.
Pha Long là xã biên giới thuộc huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, Pha Long là một trong những địa điểm diễn ra những trận chiến ác liệt giữa quân ta và Trung Quốc.
Đồn Biên phòng Pha Long (trước năm 1979 có tên là Đồn Cảnh sát Vũ trang Pha Long) đã hai lần được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Hiện đồn quản lý 16,3 km đường biên giới thuộc hai xã Pha Long và Tả Ngải Chồ có địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn. Trong những năm qua, các chiến sĩ đồn biên phòng Pha Long đã hoàn thành tốt công tác tuần tra, kiểm soát, đảm bảo an ninh, hòa bình hữu nghị và gìn giữ bình yên nơi miền biên viễn.