Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chứng khoán hôm nay 1/3: Nhà đầu tư thận trọng, không nên lạm dụng đòn bẩy

(VTC News) -

Phiên giao dịch hôm nay 1/3 có thể bị ảnh hưởng khá nhiều bởi kết quả đàm phán Nga-Ukraine.

Trong kịch bản tích cực, VN-Index có thể bứt phá khỏi vùng giá hiện tại để lấy lại ngưỡng 1.500 điểm. Ở kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể lùi về các vùng hỗ trợ thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy.

Khả năng thị trường nhảy gap có thể diễn ra

Bất chấp việc chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn điều chỉnh trong phiên đầu tuần khi mà triển vọng hạ nhiệt căng thẳng Nga-Ukraine chưa thực sự rõ ràng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, chỉ số VN-Index giảm 8,76 điểm (-0,58%) xuống 1.490,13 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng nhẹ về tiêu cực với 202 mã tăng (26 mã tăng trần), 37 mã tham chiếu, 252 mã giảm (0 mã giảm sàn).

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn chịu áp lực điều chỉnh trong phiên 28/2 khi có tới 21/30 mã thuộc VN30 (-0,61%) kết phiên trong sắc đỏ. Tiêu cực nhất trong nhóm này phải kể đến là bộ đôi họ Vin với VIC (-2,7%), VHM (-1%). Bên cạnh đó, nhóm ngân hàng cũng chịu áp lực bán và đồng loạt điều chỉnh, có thể kể đến như: VPB (-0,5%), CTG (-2,1%), TCB (-0,6%), HDB (-1,5%), ACB (-1,3%), BID (-1,9%), VCB (-0,7%)...

Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, chỉ số VN-Index giảm 8,76 điểm xuống 1.490,13 điểm

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu thép đi ngược thị trường chung khi tăng giá mạnh trong phiên 28/2 với HPG (+2,8%), NKG (+6,9%), HSG (+7%), TLH (+6,9%)...nhờ thông tin EU cắt giảm nhập khẩu thép từ Nga. Nhóm hóa chất cũng có phiên giao dịch tích cực với sắc xanh và tím là chủ đạo như: DPM (+6,9%), DCM (+6,9%), LAS (+9,5%), DDV (+9,1%)... Giá dầu vẫn tiếp tục đà tăng giá mạnh như tiếp theo động lực cho nhóm cổ phiếu dầu khí tiếp tục xu hướng tăng như: PVS (+3,3%), BSR (+0,4%), PVD (+2%), PVC (+10%), PSH (+4,8%), PVB (+7%)...

Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường giao dịch khá cầm chừng trong phiên đầu tuần với thanh khoản suy giảm và chỉ xấp xỉ mức trung bình 20 phiên khi mà một bộ phận nhà đầu tư có lẽ vẫn đang "nghe ngóng" tình hình đàm phán giữa Nga và Ukraine. Xét trên góc độ kỹ thuật, VN-Index kết phiên 28/2 trong vùng hỗ trợ 1.485-1.495 điểm (MA20-50) cũng củng cố thêm cho nhận định trên. Diễn biến trong phiên giao dịch hôm nay 1/3 có thể bị ảnh hưởng khá nhiều bởi kết quả đàm phán Nga-Ukraine.

Trong kịch bản tích cực, đàm phán diễn ra thuận lợi, VN-Index có thể bứt phá khỏi vùng giá hiện tại để lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, nếu đàm phán thất bại và leo thang căng thẳng, VN-Index có thể sẽ cần lùi về các vùng hỗ trợ thấp hơn để tìm kiếm lực cầu bắt đáy. Trong bất kỳ kịch bản nào, khả năng thị trường nhảy gap trong phiên là hoàn toàn có thể diễn ra. Những nhà đầu tư đã mua vào trước Tết trong các phiên 12/1, 18/1 và 24/1 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và đứng ngoài quan sát thị trường”, chuyên gia của SHS nêu quan điểm.

VN-Index có giằng co quanh vùng 1.480-1.500

Còn theo nhóm phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Agribank (Agriseco), VN-Index tiếp tục phản ứng tích cực khi chạm đường hỗ trợ MA50 và bật tăng. Tuy nhiên, chân nến khá ngắn cho thấy lực cầu đã suy yếu phần nào và phe bán đang tạm thời chiếm ưu thế. Các chỉ báo động lượng RSI và MACD hiện tại đã quay về vùng trung tính nên VN-Index có thể tiếp tục dao động giằng co tại quanh vùng 1.480-1.500 trước khi có những tin tức quốc tế mới.

“Trong giai đoạn thị trường biến động mạnh như hiện nay, nhà đầu tư nên thận trọng trước các thông tin tác động tiêu cực tới thị trường, mới đây nhất là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine. Nhà đầu tư nên quản trị an toàn danh mục bằng cách giảm tỷ trọng các mã cổ phiếu đã tăng nóng và thuộc nhóm ngành gặp bất lợi trước những thông tin trên. Sự kiện chiến tranh giữa Nga và Ukraine sẽ có tác động cả tích cực đến một số nhóm ngành như: dầu khí, lương thực, hóa chất, phân bón”, chuyên gia của Agriseco khuyến nghị.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngoại thương (VCBS) đánh giá, mặc dù giảm điểm, tuy nhiên, xu hướng hiện tại của chỉ số chung vẫn khá tích cực và thị trường sẽ cần thêm thông tin hỗ trợ để tiếp tục duy trì xu hướng này. Bên cạnh đó, giá các cổ phiếu vốn hóa lớn cũng như chỉ số VN-Index đều đang có xu hướng kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn gần nhất.

Diễn biến chủ đạo trong thời gian tới nhiều khả năng sẽ vẫn là dao động tích lũy với thanh khoản không cao trong vùng 1.480 – 1.520 điểm. Với việc các chỉ báo kỹ thuật chưa xuất hiện tín hiệu đột biến mới nào, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trong giai đoạn này và chưa nên lạm dụng đòn bẩy trong giai đoạn chỉ số chung chưa rõ xu hướng ngắn hạn như hiện tại”, chuyên gia của VCB lưu ý.

Diệp Diệp (VOV.vn)

Tin mới