Đóng cửa phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index giảm 45,67 điểm (4,03%) còn 1.086,44 điểm. Toàn sàn HoSE có 449 mã giảm (147 mã giảm sàn), áp đảo so với 43 mã tăng và 34 mã đứng giá.
Cổ phiếu nhóm ngân hàng ảnh hưởng xấu nhất lên thị trường. Hàng loạt cổ phiếu nằm sàn có nhiều đại diện đến từ các nhóm cổ phiếu vua như TCB, CTG, BID, STB.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm 12,08 điểm (4,83%) về 238,17 điểm. Toàn sàn có 169 mã giảm, 44 mã tăng và 29 mã đứng giá.
UPCoM-Index giảm 2,2 điểm (2,59%) xuống 82,76 điểm. Toàn sàn có 178 mã giảm, 89 mã tăng và 57 mã đứng giá. Toàn thị trường ghi nhận gần 200 mã giàm sàn, hầu hết các mã này đều thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.
Thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch toàn thị trường khoảng 13.000 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc mạnh từ đầu phiên giao dịch chiều. Tại thời điểm 13h41, VN-Index giảm 35,79 điểm (3,16%) xuống 1.096,32 điểm. HNX-Index giảm 6,64 điểm (2,65%) xuống 243,61 điểm. UPCoM-Index giảm 1,46 điểm (1,72%) xuống 83,5 điểm.
Không lâu sau đó, đà giảm càng lúc càng mạnh. Sau 14h, lực bán vẫn tiếp tục gia tăng khiến thị trường rơi vào cảnh bán tháo với hơn 100 mã giảm kịch sàn. Lúc 14h27, VN-Index giảm 51,17 điểm (4,52%) xuống 1.080,94 điểm. HNX-Index giảm 11,03 điểm (4,41%) xuống 239,22 điểm. UPCoM-Index giảm 2,57 điểm (3,02%) xuống 82,39 điểm.
Sáng nay, thị trường chứng khoán chìm sâu trong sắc đỏ do áp lực bán mạnh trên diện rộng, các chỉ số đồng loạt quay đầu giảm mạnh. Cụ thể, lúc 11h30, VN-Index tạm đứng mức 1.106 điểm, giảm 26,9 điểm. Toàn sàn có 393 mã giảm, 37 mã đi ngang và 53 mã tăng.
VN-Index giảm gần 30 điểm về còn 1.105 điểm trong sáng nay 3/10. (Ảnh minh họa)
Rổ VN30 giảm sâu hơn khi để mất gần 32 điểm, lùi về mức 1.120 điểm. Mã giảm giá chiếm ưu thế với 28 trên 30, trong khi mã tăng chỉ 1 và 1 mã ngang giá.
HNX-Index giảm nhẹ hơn nhưng cũng có tới 123 mã "đỏ lửa".
UpCOM-Index lùi về mức 83 điểm, có 114 mã giảm, mã tăng là 94.
Diễn biến tiêu cực của thị trường khiến hàng loạt nhóm ngành cổ phiếu tiếp tục lao dốc. Trong đó, BID của BIDV "bay" hơn 4,1%, CTG của VietinBank bay hơn 3,2%, HDB của HDBank cũng giảm 3,1%, TPB của TienphongBank mất hơn 4,4%...
Trước đó, thị trường biến động tiêu cực trong tuần giao dịch cuối cùng của tháng 9, VN-Index xuống mức thấp nhất trong khoảng thời gian kể từ tháng 2/2021. Thanh khoản thị trường cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 15.714 tỷ đồng/phiên, tăng 11,89%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 13.379 tỷ đồng/phiên, tăng 10,3%.
Nhận định chứng khoán tuần này, các chuyên gia các công ty chứng khoán cho rằng những phiên giao dịch đầu tuần vẫn khá bấp bênh, khó lường, nhà đầu tư nên thận trọng.
Theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán TVSI, phiên giao dịch cuối tuần đã tạo ra một chút kỳ vọng, bởi nhiều cổ phiếu có biên độ biến động mạnh theo hướng tăng điểm và kết phiên với mẫu hình đẹp.
VN-Index kết phiên ở 1,132.11 điểm, tăng 6,04 điểm và VN30 đóng cửa ở 1,152.01 điểm, tăng 4,57 điểm. Thanh khoản cải thiện trở lại và thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE đạt mức gần 14.000 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường vẫn ở mức tiêu cực nhưng đã cải thiện so với phiên trước mặc dù số mã tăng điểm chỉ chiếm 36%, số mã đi ngang chiếm 14% và số mã giảm điểm chiếm 50%. Điều này thường tạo ra mức hỗ trợ tạm thời tại vùng giá thấp nhất phiên hôm nay bởi người bán sẽ cân nhắc kỹ hơn khi định bán về mức này trong tuần tới.
"Dưới góc độ kỹ thuật phiên hồi phục cuối tuần cũng chưa đủ điều kiện để đánh giá về khả năng tạo đáy của thị trường nên các phiên giao dịch đầu tuần tới vẫn khá bấp bênh và khó lường", báo cáo của TVSI nêu.