Khép lại phiên giao chiều 3/5, các thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng trước triển vọng Mỹ tăng lãi suất và khả năng các ngân hàng trung ương khác hành động tương tự để kiểm soát lạm phát.
Trên các thị trường chứng khoán châu Á, thanh khoản giảm đáng kể do một số thị trường chính như: Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Singapore và Jakarta (Indonesia) đóng cửa nghỉ lễ.
Bảng giao dịch điện tử bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (Ảnh minh họa)
Đáng chú ý, tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 0,1% và đóng cửa phiên ở mức 21.101,89 điểm
Chỉ số S&P/ASX 100 tại thị trường chứng khoán Sydney (Australia) đóng cửa phiên giảm 0,42% xuống 7.316,2 điểm, sau khi Ngân hàng Dự trữ Australia (ngân hàng trung ương) nâng lãi suất từ 0,1% lên 0,35%, lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2010.
Giá hàng hóa tăng vọt, các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ, biện pháp phong tỏa để phòng dịch COVID-19 của Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine và đồng USD mạnh hơn, tất cả những yếu tố này xuất hiện cùng lúc và khiến nhà đầu tư các nhà đầu tư không khỏi lo ngại về nguy cơ kinh tế thế giới có thể một lần nữa rơi vào suy thoái.
Mọi sự chú ý đang tập trung vào cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày 3 - 4/5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), với dự báo cơ quan này sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm - lần đầu tiên kể từ năm 2000.
Các quan chức Mỹ coi thắt chặt chính sách tiền tệ là biện pháp cần thiết để kiểm soát lạm phát, vốn đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua, đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều lo ngại rằng những động thái này có thể làm chậm lại đà phục hồi vẫn khá mong manh sau đại dịch và thậm chí đẩy kinh tế vào bờ vực suy thoái.
Trong khi đó, hội đồng chính sách của FED được dự kiến sẽ thảo luận về việc giải phóng hàng nghìn tỷ USD trái phiếu mà ngân hàng đã mua trước đây trong chương trình nới lỏng định lượng (QE).
Chuyên gia Stephen Innes của công ty tư vấn đầu tư SPI Asset Management nhận xét, cuộc họp báo (sau cuộc họp chính sách của Fed) sẽ cung cấp những chỉ dấu quan trọng về triển vọng lãi suất sắp tới, một câu hỏi đặt ra là: liệu Fed có tăng đến 75 điểm cơ bản hay không.
Các nhà đầu tư cũng tỏ ra lo ngại về sự suy giảm mạnh trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc, chủ yếu do nước này phong tỏa nhiều khu vực quan trọng bao gồm trung tâm tài chính Thượng Hải.
Việc giới chức nước này kiên quyết thực hiện chính sách Zero COVID (Không COVID-19) đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến nền kinh tế số hai thế giới và các số liệu ở các nước khác cho thấy tác động tiêu cực cũng lan rộng trên toàn cầu.