Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chứng chỉ tiếng Anh nội lép vế trong cuộc đua xét tuyển đại học

(VTC News) -

Vài năm gần đây, một trong những phương thức tuyển sinh được các trường đại học áp dụng đó là xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.

Tại Việt Nam hiện có chứng chỉ tiếng Anh- VSTEP Bộ GD-ĐT cấp phép tổ chức. Tuy nhiên, hiện chỉ một số trường đại học dự kiến chấp nhận sử dụng chứng chỉ này để xét tuyển trong năm 2023. Dù có lợi thế lệ phí thi rẻ chỉ bằng 1/3 trong khi cấu trúc đề thi lại có nhiều điểm tương đồng với IELTS, TOEFL nhưng VSTEP vẫn chưa được nhiều học sinh biết đến.

Không biết, không quan tâm, thậm chí biết nhưng không mặn mà học và thi chứng chỉ ngoại ngữ của Việt Nam Vi sờ tép (VSTEP) là câu trả lời mà chúng tôi nhận được sau khi khảo sát nhanh với một số học sinh lớp 12 ở TP Hà Nội.

Mẫu B2 tiếng Anh. (Ảnh minh họa)

Bài thi VSTEP gồm bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết, nhằm đánh giá năng lực tiếng Anh từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, được Bộ GD-ĐT ban hành tháng 3 năm 2015. Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị xây dựng định dạng đề thi.

Hiện 25 trường đại học được cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ này với lệ phí thi từ 1,5 triệu đồng đến 1,8 triệu đồng. Ra đời đã lâu và có quy trình chặt chẽ, nhưng tới năm 2022 mới lần đầu được trường Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng để tuyển sinh, với 21 học sinh có chứng chỉ VSTEP bậc 5 đã trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh và Sư phạm tiếng Anh.

Phó Giáo sư Hà Lê Kim Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Tất cả các bạn đều đáp ứng tốt những yêu cầu về năng lực ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và có thể học được với chất lượng rất tốt. Chất lượng của bài thi này thì không thua kém gì bài thi chứng chỉ quốc tế và tôi nghĩ là Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng chứng chỉ VSTEP, các trường đại học có thể sử dụng chứng chỉ VSTEP để xét tuyển".

Trước tình trạng hàng loạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đang bị thắt chặt về điểm thi và số lượng thí sinh, nên dự kiến trong năm 2023 nhiều trường sẽ mở rộng tuyển sinh bằng chứng chỉ VSTEP. Thuận lợi hơn cho các trường cũng là mở rộng thêm cơ hội cho thí sinh, nhưng cái khó là vẫn rất ít học sinh biết đến thậm chí là có biết thì cũng không mặn mà với chứng chỉ này.

Theo ông Đỗ Việt Đức, Giám đốc Trung tâm đào tạo ngoại ngữ Ducstar English House, lý do là học sinh, phụ huynh và các trường đã quen với các chứng chỉ quốc tế như IELTS hay TOEFL.

"Sẽ có rất nhiều người đặt câu hỏi và quan tâm đến chất lượng của bài thi đấy. Ví dụ như bây giờ chúng ta chỉ cần đưa ra là tôi có bằng IELTS rồi thì là ngay lập tức chúng ta sẽ được công nhận, còn nếu tôi chỉ có chứng chỉ tiếng Anh VSTEP thì rất nhiều người có lẽ không biết đây là chứng chỉ tiếng Anh ở đơn vị nào cung cấp, hay độ phủ sóng ra sao" - ông Đức nói.

Chất lượng tương đồng, chi phí rẻ, nhưng chính sự hạn chế về công nhận khiến VSETP- chứng chỉ đầu tiên về tiếng Anh tại Việt Nam lép vế ngay trên sân nhà trong cuộc đua xét tuyển vào đại học.

Hiện đơn vị cấp phép tổ chức thi chứng chỉ này là Bộ GD-ĐT cũng chưa cho phép thí sinh có chứng chỉ VSTEP được miễn thi ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong khi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác lại được công nhận, cũng là một trong những nguyên nhân làm cho chứng chỉ nội khó cạnh tranh được với chứng chỉ quốc tế.

Minh Hường (VOV1)

Tin mới