Trong khuôn khổ Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12, Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle, Cố vấn quân sự cấp cao về hoạt động đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EEAS) cho biết, EU ủng hộ ý tưởng về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, là sản phẩm của các cuộc đàm phán công bằng, hài hòa lợi ích của tất cả các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế.
“Câu trả lời là có thể. Và chúng tôi mong muốn đối thoại chi tiết hơn về vấn đề này”, ông Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle trả lời trực tuyến câu hỏi về khả năng EU chia sẻ công nghệ quốc phòng cho Việt Nam.
Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle phát biểu tại Hội thảo Quốc tế về Biển Đông lần thứ 12. (Ảnh: Minh Tuấn)
“Tôi muốn nói vấn đề này ở 2 góc độ. Thứ nhất, chúng tôi có đối thoại chiến lược giữa các quốc gia ở châu Á, có chung chí hướng với EU, trong đó có Việt Nam. Trong các cuộc đối thoại này, các bên đã xác định các công nghệ có thể chia sẻ trong tương lai.
Ở lĩnh vực này, tôi muốn nêu hợp tác giữa các thành viên EU vào dự án CASCO và cũng sẽ áp dụng cho các đối tác của EU. Trong tương lai Việt Nam có thể tham gia vào CASCO, và khả năng nhận được các chia sẻ công nghệ quốc phòng.
Thứ hai là chúng ta cần làm rõ, chi tiết công nghệ quốc phòng nào có thể chia sẻ cho Việt Nam”, Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle cho biết thêm.
Theo Cố vấn quân sự cấp cao EEAS, EU có sự kết nối mạnh mẽ với châu Á trong những năm vừa qua. EU quan tâm sự ổn định chiến lược tại khu vực này, nhất là Biển Đông. Bởi đây là khu vực quan trọng khi 40% ngoại thương của EU đi quan khu vực này.
EU đang tìm hiểu cách tiếp cận khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng rãi hơn. Đồng thời, EU cũng đưa ra chính sách mới về hợp tác an ninh với khu vực châu Á, trong đó Biển Đông.
Các ý tưởng về tự do hàng hải có vai trò hết sức quan trọng đối với EU, và khối này cũng không muốn tạo ra những tiền lệ xấu về hành động phi pháp nhân rộng ra các vùng biển khác.
Chuẩn Đô đốc Juergen Ehle cho biết, EU hiện triển khai hàng loạt chuyên gia, các cố vấn quân sự tới các phái đoàn ở châu Á.
Điều này cho phép EU đóng nhiều vài trò lớn hơn trong vấn đề “an ninh cứng”. Bên cạnh đó, các tàu chiến của các quốc gia thành viên EU ngày càng hiện diện nhiều hơn ở khu vực Biển Đông. Đây là điều hết sức quan trọng khi hiện diện tập thể trên vùng biển này.
“Chúng tôi đang phát triển một khái niệm tác chiến mới, gọi là hiện diện hàng hải phối hợp (CMP). Đây là công cụ mới nhằm nâng cao nhận thức về an ninh hàng hải và thúc đẩy hợp tác trên biển. Theo đó, hải quân các quốc gia EU sẽ cung cấp trang bị hải quân, lần lượt tham gia tuần tiễu ở các khu vực biển khác nhau, trong đó có Biển Đông trong thời gian tới”, ông Juergen Ehle nhấn mạnh.