Với 445/450 đại biểu nhấn nút tán thành, Quốc hội chính thức thông qua luật Chứng khoán sửa đổi, trong đó có việc quy định lại chức năng, nhiệm vụ của hai Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại phiên thảo luận về Luật Chứng khoán (sửa đổi) trước đó, nhiều ĐBQH nêu ý kiến về việc sáp nhập SGDCK Hà Nội và SGDCK TP.HCM. Tuy nhiên, trong nội dung được Quốc hội thông qua chiều nay, việc sáp nhập chưa được thực hiện thời điểm này.
Luật Chứng khoán (sửa đổi) tiếp tục duy trì và phân định vai trò của Sở GDCK Hà Nội và Sở GDCK TP.HCM.
Ngày 22/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có báo cáo giải trình về những vấn đề còn khác nhau xung quanh các điều khoản của dự thảo Luật Chứng khoán. Trước ý kiến về việc chỉ có một SGDCK duy nhất làm đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán, Ủy ban Thường vụ đồng quan điểm cho rằng đây là điều phù hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, đây là bước thống nhất về bộ máy quản lý và điều hành, thống nhất về nền tảng công nghệ, thống nhất và chuẩn hóa tiêu chí niêm yết, chế độ báo cáo, công bố thông tin, tiêu chuẩn về thành viên và giao dịch... thay vì hai hệ thống giao dịch và hai hệ thống chỉ số chứng khoán thuộc 2haiSGDCK như hiện nay.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trước mắt chưa thể thực hiện ngay việc cơ cấu lại, sáp nhập hai SGDCK hiện nay thành một SGDCK duy nhất mà theo hướng phân định lại chức năng, nhiệm vụ của SGDCK Hà Nội và SGDCK TP.HCM để tổ chức, vận hành các thị trường chứng khoán riêng biệt nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các SGDCK.
Toàn bộ giao dịch trái phiếu và chứng khoán phái sinh sẽ được thực hiện tại SGDCK Hà Nội, toàn bộ giao dịch cổ phiếu sẽ được thực hiện tại SGDCK TP.HCM, trên cơ sở đó sẽ tiến tới thống nhất một hệ thống chỉ số giao dịch.
Trong thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu chỉnh lý toàn bộ các điều của Chương IV của dự thảo Luật (trọng tâm Điều 43, Điều 44, Điều 46). Theo đó, dưới SGDCK Việt Nam - công ty mẹ - sẽ tiếp tục duy trì hai công ty con là hai SGDCK sau khi được tổ chức, sắp xếp lại và có thể có công ty con khác.