Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chùa nguy nga, to kỷ lục có thực sự là chùa?

(VTC News) -

Nếu xét định nghĩa về chùa theo tinh thần Phật giáo thì không ít công trình nguy nga, lớn kỷ lục hiện nay chẳng phải là chùa đúng nghĩa.

Theo giáo lý nhà Phật thì “Phật, Pháp, Tăng” là tam bảo - ba thứ quý báu nhất. Còn chùa không phải “bảo” mà là thường.

Chùa là gì?

Chùa vốn là nơi ở và tu hành của các vị xuất gia (nói chung là các tăng, ni, phân biệt với những người tu hành tại gia). Để chuyên tâm tu hành, các vị xuất gia cần nơi yên tĩnh để tu tập và nghỉ ngơi. Có vị tìm nơi hang núi, có vị vào rừng sâu, hay gần gũi hơn là cuối làng, cuối xóm… để lập chốn tu  hành, hoằng dương Phật pháp, giáo hóa phổ độ chúng sinh.

Dân chúng kính Phật thì tự bỏ tiền ra xây dựng chỗ cho các vị tăng ni ở và tu tập. Chỗ ấy gọi là chùa.

Các vị tu hành ở đâu thì cũng thờ tượng Phật ở đó. Vậy chùa là nơi ở và tu hành của chư tăng (tất nhiên có thờ Phật), chứ không phải cứ xây công trình to, có tượng Phật to và nhiều thì gọi là chùa (thế thì xưởng chế tác tượng Phật hay cửa hàng bán tượng Phật cũng chẳng khác là bao).

Chùa Trầm - chốn tâm linh cổ kính xứ Đoài, thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Vì vậy, chùa trước hết là nơi để tu hành, sau là nơi đào tạo các tăng ni. Còn thờ Phật thì người ta có thể thờ ở nhà hay nơi nào trang trọng là được, không cứ phải ở chùa. Nếu cái “chùa” ấy được làm ra không vì mục đích tu hành Phật đạo, đào tạo tăng ni thì tất là vì mục đích khác, và nó không nên được  gọi là chùa.

Xét theo lý ấy, có rất nhiều công trình đồ sộ chiếm cả ngàn héc-ta đất nhưng trong ấy không có mấy sư tăng đang tu hành theo phép nhà Phật (giả mạo sư để kiếm tiền thì không tính), nơi ấy không nên gọi là chùa. Hiện nay có rất nhiều công trình như thế.

Đi chùa để làm gì?

Một, chùa xưa là nơi các vị xuất gia tu hành Phật pháp ở, nên phải là nơi rất yên tĩnh. Bản chất phép tu của nhà Phật (Giới, Định, Tuệ) kỵ sự ồn ào. Truyện Tây du ký có đoạn Tôn Ngộ Không học được từ Bồ Đề tổ sư phép biến hóa liền biến thành cây tùng để đùa chơi, khiến cho các chú tiểu đang tu hành cười ầm ĩ, vì thế mà bị thầy đuổi đi. Chuyện này cho thấy chùa là nơi cần sự yên tĩnh đến thế nào. Do có người tu hành ở nên chùa thường rất sạch đẹp, khiến người  ta dù không tín Phật cũng hay đến chùa tìm sự thanh thản của tâm hồn, gọi là đi vãn cảnh chùa.

Vãn cảnh chùa và thành kính lễ Phật.

Hai, người ta lên chùa để nghe các tăng ni giảng Phật pháp nhằm mở khai mở tâm trí, thoát vô minh mà có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngày xưa ở làng tôi, các gia đình gặp chuyện rắc rối, bất hòa hay người nào bế tắc tư tưởng không biết nên hành xử ra sao thường ra chùa làng hỏi ý kiến sư trụ trì. Các vị chân tăng, do công phu hành trì tu tập nên dẫu chưa thành Phật cũng thường là người có tâm đức, có hiểu biết sâu rộng lẽ đời. Do đó lời khuyên của họ trong các trường hợp như vậy thường rất hữu ích. Dân làng vì thế rất kính trọng sư trụ trì và các vị xuất gia ở chùa. Các vị sư tăng khi đưa ra lời khuyên như vậy cũng chính là hóa độ chúng sinh theo lời Phật dạy.

Ba, người ta lên chùa để làm công quả. Do kính trọng và biết ơn các vị chân tăng nên người dân hay phật tử “thấy tăng cũng như thấy Phật”, được “nghe pháp thì cũng như được nghe Phật”. Họ tri ân với  Tăng, với Pháp cũng là tri ân Phật (Phật, Pháp, Tăng là tam bảo). Do đó người ta mang các vật phẩm có ích ra chùa cúng dường chư tăng. Việc cúng dường này cũng giúp cho các vị tăng ni duy trì đời sống và tu bổ, gìn giữ, bảo vệ chùa. Chùa làng tôi ngày xưa, dân làng cúng dường khi thì mớ rau, khi thì ống gạo, cũng có khi là chút tiền nhỏ “giọt dầu”, có khi là việc quét dọn vệ sinh, phơi rơm củi, nấu cơm canh, giặt quần áo… và bao  giờ cũng với lòng thành kính, tự nguyện.

Xem cảnh chen chúc ở nhiều ngôi chùa nguy nga hoành tráng hiện nay thì thấy vãn cảnh thanh tịnh cũng chẳng phải, nghe sư giảng pháp cũng chưa chắc, mà làm công quả tri ân chư tăng thì trong nhiều trường hợp cũng không hẳn đúng. Trong biển người kéo đến những nơi đó, chiếm tỷ lệ không nhỏ là đám đông đi chơi xuân kết hợp đi cầu xin đủ thứ, hoạt động mà theo tôi chỉ là một dạng “mua bán hàng hóa tâm linh” mà thôi.

Có cầu thì có cung. Vì vậy mà xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi chùa hoành tráng có tượng Phật thật lớn, được quảng cáo tốt và thu bộn tiền thôi. Người đi chen chúc lên chùa chính là khách hàng của “doanh nghiệp tâm linh” đó thôi. 

Càng nhăm nhằm tìm chùa được quảng cáo là lớn, là thiêng rồi chen chúc tới dâng lễ vật, tiền bạc để cầu xin tài lộc, thăng tiến, càng là biểu hiện của sự rối loạn và bế tắc trong đời sống văn hóa, tinh thần. Mong sao người người hãy tỉnh giấc. Kính tín với Phật thì phải tìm chân Tăng, nghe chân Pháp để được gần Phật hơn, để giác ngộ chân lý, để có hạnh phúc trong đời, không nhất thiết cứ phải tìm chùa to, tượng lớn.

Bạn có đồng tình với quan điểm trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

Trần Văn Sỹ

Tin mới