Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chưa 'chốt' chuyển 8 dự án cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công

Uỷ ban Kinh tế đánh giá, chỉ chuyển dự án chưa có nhà đầu tư chứ không nên chuyển hết cả 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công.

Chiều 16/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến việc chuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam từ đầu tư theo hình thức công tư (PPP) sang đầu tư công. 

Trình bày tờ trình của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, sau hơn 2 năm triển khai các dự án thành phần này theo hình thức đầu tư PPP phát sinh vấn đề, chủ yếu liên quan tới tính khả thi huy động vốn dự án.

Ước tính các nhà đầu tư phải huy động khoảng 35.000 tỷ đồng khi làm các dự án này thông qua vốn vay ngân hàng. "Đây là số vốn tương đối lớn, khó huy động ngay. Bởi thực tế như dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, số vốn cần huy động 6.000 tỷ đồng nhưng cũng phải thông qua 4 ngân hàng thu xếp trong vài năm", ông Thể dẫn chứng.

Lý do nữa theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải, kết quả sơ tuyển 8 dự án thành phần thì 7 dự án có từ hai nhà đầu tư trở lên đã qua sơ tuyển. Phần lớn các nhà đầu tư này là các doanh nghiệp thi công trong lĩnh vực giao thông, chứ không có tập đoàn lớn tham gia. Ngoài ra, COVID-19 ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh, nếu 8 dự án này chuyển sang đầu tư công và khởi công vào cuối năm nay sẽ giúp giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu sản xuất. 

Vì thế, Chính phủ đề xuất chuyển 8 dự án thành phần từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Theo kế hoạch, số dự án này chuyển sang đầu tư công thì khoảng tháng 8-10 sẽ khởi công toàn bộ các gói thầu, ước tính sẽ giải ngân khoảng 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong tổng số kế hoạch giải ngân 55.000 tỷ đồng cho toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam năm nay. Số còn lại sẽ giải ngân vào năm 2021. 

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phát biểu tại phiên họp chiều 16/5. (Ảnh: Quang Khánh)

Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho hay, có 2 luồng ý kiến về chuyển đổi 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công. Các ý kiến đồng ý cho rằng việc chuyển đổi là hoàn toàn khả thi. Song cũng có nhiều ý kiến không đồng ý, khi đã có 7 trong 8 dự án thành phần có từ 2 nhà đầu tư trở lên qua vòng sơ tuyển. Việc liên tục hủy sơ tuyển với dự án sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín Nhà nước, dư luận và tâm lý nhà đầu tư. Chưa kể, Chính phủ đề xuất bố trí bổ sung 44.493 tỷ đồng (tương đương 80,89% tổng số vốn kế hoạch) cho dự án trong giai đoạn 2021-2025 là không phù hợp.

Sau nhiều cân nhắc, cơ quan thẩm tra đề nghị xem xét lựa chọn một số dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP khó thu hút được nhà đầu tư để chuyển sang đầu tư công, chứ không chuyển toàn bộ 8 dự án thành phần sang đầu tư công. Như vậy, theo Uỷ ban Kinh tế cũng đảm bảo quy định tại Luật Đầu tư công khi Quốc hội bố trí vốn bổ sung cho dự án trong giai đoạn 2021-2025 không quá 11.000 tỷ đồng (không quá 20% của 55.000 tỷ đồng đã phân bổ cho dự án), giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà đầu tư đã tham gia sơ tuyển.

Sau đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận rằng, cuộc họp hôm nay chưa thể quyết định được việc chuyển 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam sang đầu tư công.

Ông nhắc lại quan điểm, 7 trong 8 dự án thành phần này đã có nhà đầu tư tham gia, duy nhất dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện chưa có nhà đầu tư nào. Do đó, chỉ nên chuyển những dự án không có nhà đầu tư, như đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, sau đó mới tính tới các đoạn khó khăn khác nếu đấu thầu không thành công hoặc khó khăn huy động vốn. Ông cũng cho rằng, do đây là vấn đề lớn nên sẽ phải xin ý kiến Bộ Chính trị, cấp có thẩm quyền. 

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, cập nhật tở trình, báo cáo lại cơ quan thường trực Quốc hội tại phiên họp 45 đợt 2 (dự kiến diễn ra đầu tháng 6, giữa 2 đợt của kỳ họp 9). "Nếu đủ độ chín, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét ở đợt 2 của kỳ họp thứ 9", Phó chủ tịch kết luận. 

Cũng tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị làm rõ năng lực thu xếp vốn của các nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển 7 dự án thành phần. "Liệu có phải tất cả doanh nghiệp đã qua 2 vòng sơ tuyển không có khả năng làm dự án, khó khăn huy động vốn? Bởi thực tế có doanh nghiệp phản ánh họ đủ năng lực làm", bà đặt câu hỏi hướng về phía Bộ trưởng Giao thông Vận tải. 

Giải thích sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, đấu thầu trong nước mới qua 1 vòng sơ tuyển, kiểm tra sơ bộ năng lực doanh nghiệp có đủ điều kiện trúng thầu hay không. Sau bước này, tháng 11 mới đấu thầu, khi đó xác định nhà đầu tư và họ có 6 tháng huy động vốn ngân hàng làm dự án. Như vậy, phải tháng 5, 6/2021 mới biết dự án nào có thể khởi công hay không. 

Mặt khác, đa số các nhà đầu tư đã qua sơ tuyển của 7 dự án thành phần đều không phải các tập đoàn lớn, mà chỉ là nhà thầu thi công quốc lộ trong ngành giao thông. "Họ mạnh về thi công, còn thu xếp hàng chục nghìn tỷ đồng thực hiện dự án thì khả năng rất khó. Lúc đó nếu không đủ vốn sẽ phải huỷ thầu, rồi quay lại quy trình đấu thầu từ đầu sẽ mất nhiều thời gian", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích. 

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bổ sung, chủ trương ban đầu là các dự án này làm theo phương thức PPP. Thực tế triển khai gần 3 năm qua nổi lên nhiều khó khăn, một trong số đó là việc huy động vốn vay ngân hàng.

Chia sẻ sau đó, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết, với tình hình hiện nay khả năng cung ứng vốn cho các dự án rất khó khăn. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng nêu ý kiến tại phiên họp chiều 16/5. (Ảnh: Quang Khánh)

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến cuối tháng 3 các ngân hàng cam kết cho vay các dự án BOT khoảng 182.000 tỷ đồng, dư nợ 112.000 tỷ. Trong 116 dự án thì có 59 dự án khó khăn, khoảng 53.000 tỷ đồng có khả năng chuyển nợ xấu. Ông Hưng cũng dẫn chứng trường hợp huy động vốn cho dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, ban đầu được đánh giá khả quan, song thực tế làm thì "phải rất quyết liệt, các ngân hàng mới cho vay".

Điểm nữa được ông Dũng nêu ra, nhiều năm qua việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông rất chậm, kỳ vọng nhiệm kỳ này có thể làm được 600 km đường cao tốc và nếu số dự án này được chuyển sang đầu tư công sẽ đẩy nhanh hơn quá trình thực hiện. "Đây là thực tế bức xúc, mong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ để có thể khởi công được các công trình trọng điểm trong năm nay", ông Dũng tha thiết.

Nguồn: VnExpress

Tin mới