Hiện toàn TP.HCM chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải (NM XLNT) tập trung hoạt động gồm: Bình Hưng, Bình Hưng Hòa và Tham Lương - Bến Cát. Theo kế hoạch giai đoạn 2016-2020, TP.HCM phải đầu tư hoàn thành 7 NM XLNT nhưng đến nay vẫn đang ở giai đoạn kêu gọi đầu tư.
Đấu thầu công khai
Tại buổi thảo luận với các chuyên gia thế giới về lĩnh vực XLNT mới đây, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước (viết tắt là Trung tâm Chống ngập) TP.HCM, cho biết 7 dự án (DA) NM XLNT vẫn chưa có bất kỳ nhà đầu tư (NĐT) chính thức nào. Điều mà TP tạm lạc quan là hầu hết các NM đều có NĐT quan tâm. Dù vậy, đây không phải là NĐT chính thức của DA bởi theo quy định thì phải tổ chức đấu thầu, không có chuyện chỉ định thầu. Theo quy trình, NĐT được TP.HCM chấp thuận cho phép nghiên cứu khả thi phải trình cho TP phê duyệt rồi sẽ đem ra đấu thầu.
"Dù những NĐT lập nghiên cứu khả thi khi ra đấu thầu được hưởng một số ưu đãi theo quy định nhưng chưa phải lớn và cơ hội tham gia đấu thầu DA NM XLNT giữa các NĐT đồng đều nhau. Hiện chưa có DA nào được đem ra đấu thầu và cũng chưa có DA nào được TP phê duyệt nghiên cứu khả thi" - ông Dũng khẳng định.
Theo tìm hiểu, 7 DA NM XLNT mà TP.HCM đang kêu gọi đầu tư gồm: lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân và Tân Hóa - Lò Gốm với tổng công suất 630.000 m3/ngày, Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000 m3/ngày, lưu vực Bắc Sài Gòn 2 với công suất 130.000 m3/ngày, lưu vực rạch Cầu Dừa với công suất 100.000 m3/ngày, lưu vực Tây Bắc với công suất 130.000 m3/ngày. Tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện 7 DA này lên đến gần 46.000 tỉ đồng.
Trong bối cảnh quỹ đất để phục vụ các DA đầu tư theo hình thức đối tác công tư - hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) ngày càng ít thì các NĐT muốn TP làm theo hợp đồng BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao). Do vậy, bài toán chi phí đầu tư NM sẽ được thu hồi như thế nào cần được làm rõ. Bên cạnh đó, việc thu phí thoát nước và XLNT từ người dân nếu không đủ thì sẽ được nhà nước cấp bù bao nhiêu cũng được các NĐT quan tâm.
Thu phí thoát nước
Để giải đáp cho bài toán xây dựng NM XLNT, các chuyên gia và NĐT cho rằng TP.HCM phải sớm ban hành đơn giá XLNT để NĐT tham gia. Giám đốc phát triển kinh doanh một công ty của Nhật tại TP.HCM cho biết dù quan tâm đến các DA NM XLNT nhưng vẫn phải chờ TP ban hành đơn giá XLNT để NĐT tính toán hiệu quả, thời gian thu hồi vốn và lựa chọn công nghệ phù hợp. "Nếu như nước cấp là nhu cầu thiết yếu buộc người dân phải bỏ tiền ra mua thì nước thải lại không được người dân quan tâm và không dễ thu tiền của họ" - vị này phân tích.
Là người tham gia một số DA NM XLNT tại Việt Nam, ông Lê Duy Hưng, chuyên gia cao cấp về hạ tầng của Ngân hàng Thế giới, cho rằng mấu chốt của việc kêu gọi đầu tư NM XLNT là phải có đơn giá xử lý. Ông Hưng dẫn chứng một số địa phương mà Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn xây dựng NM XLNT như Khánh Hòa, Quảng Bình đã hơn 2.000 đồng/m3, Bình Dương có mức giá hơn 4.000 đồng/m3. Trong khi đó, TP.HCM vẫn chưa xây dựng được mức giá để các NĐT lựa chọn công nghệ phù hợp.
Theo ông Hưng, mỗi công nghệ xử lý đều có ưu thế khác nhau. Công nghệ rẻ thì tốn nhiều đất, công nghệ đắt tiền thì ít đất hơn. Do vậy, ông Hưng kiến nghị TP sớm ban hành đơn giá XLNT theo lộ trình phù hợp.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Chống ngập TP.HCM, cho biết hiện TP mới thu 10% phí bảo vệ môi trường qua đơn giá nước sinh hoạt chứ chưa phải là phí thoát nước thải theo quy định của Chính phủ. Đối với 2 NM XLNT là Bình Hưng và Bình Hưng Hòa - công suất 170.000 m3/ngày, chi phí XLNT được ngân sách TP chi trả, người dân chưa phải trả tiền.
Ông Dũng thông tin TP.HCM đã có chủ trương thu phí thoát nước và giao Trung tâm Chống ngập TP xây dựng đơn giá đi kèm lộ trình. Theo đơn giá mà phía tư vấn đưa ra thì giá dịch vụ thoát nước có lộ trình tăng dần, dự kiến năm đầu áp dụng phí 1.186 đồng/m3, các năm tiếp theo tăng dần.
Thu gom và xử lý phải đồng bộ
Bà Victoria Delmon, chuyên gia cao cấp Ban Thực hành nước - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cho rằng TP.HCM cần có những cam kết mạnh mẽ để NĐT thấy an tâm về khả năng thu hồi vốn, giảm thiểu các rủi ro khi đầu tư vào các DA theo hình thức đối tác công - tư.
Dẫn chứng một số quốc gia đang phát triển ở châu Á được đầu tư NM XLNT nhưng vẫn không phát huy hiệu quả vì thiếu đồng bộ, bà Victoria Delmon nhấn mạnh TP.HCM cần phải bảo đảm tính kết nối nguồn nước thải từ nhà dân đến NM XLNT. Có như vậy, NM XLNT tập trung mới bảo đảm tính khả thi về mặt tài chính, thu hồi vốn cho NĐT. Khuyến cáo này có cơ sở khi cũng tại TP.HCM, NM XLNT Tham Lương - Bến Cát chưa vận hành hết công suất bởi còn thiếu hệ thống thu gom.