Hành trình tại World Cup 2021 của tuyển futsal Việt Nam đã khép lại sau thất bại 2-3 trước tuyển Nga ở vòng 1/8. Những phút vùng lên của Phạm Đức Hòa và các đồng đội có thể khiến người hâm mộ tiếc nuối. Tuy nhiên, việc tuyển futsal Việt Nam đặt chân đến vòng 1/8 và chơi tốt trước Nga đã là thành công.
Đương nhiên, dấu ấn lớn nhất thuộc về huấn luyện viên (HLV) Phạm Minh Giang. Ông đem đến Lithuania đội hình có nhiều cầu thủ trẻ, nhưng vẫn giúp tuyển futsal Việt Nam chơi ấn tượng.
Ông Trần Anh Tú (bầu Tú), trưởng đoàn futsal Việt Nam ở 2 kỳ World Cup, đã dành nhiều lời khen cho HLV Minh Giang.
- Trước đây, tuyển futsal Việt Nam có những thành công nhờ các HLV trưởng là người nước ngoài như Sergio Gargelli (Italy), Bruno Garcia, Miguel Rodrigo (Tây Ban Nha). Vậy lần này, tại sao HLV Minh Giang lại được đặt niềm tin?
HLV Minh Giang đã có gần 10 năm kinh nghiệm làm futsal. Khi cậu ấy nghỉ thi đấu, tôi khuyên cậu ấy theo nghề HLV. Minh Giang cũng yêu nghề và chịu khó theo đuổi. Trong giai đoạn 2012-2013, thời điểm mới theo nghề, cậu ấy toát mồ hôi, nói không ra hơi trước đám đông.
Trong lứa HLV thời đó, Minh Giang là người ham học hỏi nhất. Cậu ấy chịu khó nghiên cứu các chiến thuật của Sergio, Bruno rồi Miguel. Minh Giang học không máy móc mà sáng tạo. Tôi đã nhìn ra sự nổi trội trong cách làm việc của Minh Giang.
Ở CLB Tân Hiệp Hưng, nhiều cầu thủ thuộc dạng bán chuyên. Họ còn làm những công việc khác ngoài thời gian thi đấu nên chất lượng đội hình không phải là quá tốt. Tuy nhiên, Minh Giang biến Tân Hiệp Hưng thành đội bóng khó chơi với bất cứ đối thủ nào, kể cả Thái Sơn Nam.
Minh Giang cũng được nhiều cầu thủ yêu quý, kể cả đối thủ của Tân Hiệp Hưng. Đây là điều đặc biệt. Đó là những yếu tố khiến tôi chọn Minh Giang thay thế Bảo Quân (đi Tây Ban Nha tu nghiệp) dẫn dắt Thái Sơn Nam. Khi Miguel nghỉ, tôi đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chọn Minh Giang làm HLV trưởng tuyển futsal Việt Nam.
Sau những gì tuyển futsal Việt Nam đã thể hiện, chúng ta có thể nói Minh Giang là HLV rất giỏi. Tôi cũng vui vì Minh Giang là sự lựa chọn đúng đắn.
HLV Minh Giang đã có những lựa chọn chiến thuật hợp lý để giúp tuyển futsal Việt Nam giành vé dự World Cup 2021 và chơi tốt ở giải đấu này. Ảnh: VFF.
- Ngoài HLV Minh Giang, ông có còn ấn tượng với chiến lược gia nội nào khác?
Đào tạo ra cầu thủ giỏi là điều không dễ, nhưng việc có HLV giỏi còn khó hơn. Ở Việt Nam, ngoài Minh Giang, chúng ta còn có Bảo Quân (cựu đội trưởng tuyển futsal Việt Nam) đủ khả năng dẫn dắt tuyển futsal Việt Nam.
Nhiều HLV khác có thể làm tốt ở CLB nhưng khó đảm đương nhiệm vụ ở đội tuyển. Đây là 2 môi trường làm việc hoàn toàn khác biệt. Làm HLV trưởng ở đội tuyển rất khó và cần nhiều yêu cầu.
- Với ông, yêu cầu cho vị trí HLV tuyển futsal Việt Nam là rất cao. Vậy HLV Minh Giang đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đó hay chưa? So với các HLV ngoại mà VFF từng mời, HLV Minh Giang còn thiếu điều gì?
Theo quan điểm của tôi, chúng ta cũng cần dùng HLV ngoại trong tương lai. Mỗi HLV có thời kỳ vàng son riêng. Chúng ta cũng cần làm tươi mới không khí ở đội tuyển. Rất hiếm HLV gắn bó thật lâu với đội tuyển hay CLB.
Tôi cũng nghĩ đến việc khi Minh Giang làm đến thời điểm nào đó, cậu ấy cần thời gian nghỉ ngơi, học hỏi thêm. Đặc biệt, HLV nội có điểm yếu ngoại ngữ và mối quan hệ quốc tế.
Đội tuyển muốn phát triển, mối quan hệ quốc tế là điều cực kỳ quan trọng. Chúng ta cần giao lưu, trao đổi nghề nghiệp và đi tập huấn nước ngoài nhiều. HLV nội đang thiếu điều đó. Về lâu dài, chúng ta cần mời HLV ngoại làm việc một thời gian. Sau đó, chúng ta trở lại với HLV nội. Phương án này sẽ hợp lý hơn.
- Ông có thể đưa ra ví dụ cụ thể tầm quan trọng của mối quan hệ quốc tế mà ông vừa nhắc tới?
Để thể thao phát triển, chúng ta phải có mối quan hệ quốc tế rất tốt. Qua đó, chúng ta mới có thể đấu tranh để đòi sự công bằng trong lịch thi đấu cũng như những yếu tố khác. Khi Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đưa ra quyết định về các cặp trận play-off tranh vé dự World Cup, nhiều vấn đề xảy ra.
Ban futsal AFC xác nhận Việt Nam và Thái Lan đủ tiêu chuẩn dự World Cup. Sau đó, thường vụ của AFC quyết định đá play-off. Họ cũng tính đến chuyện mỗi khu vực Đông Nam Á, Tây Á sẽ có 1 đại diện, đồng nghĩa với việc Việt Nam và Thái Lan sẽ gặp nhau, Iraq đụng độ Lebanon.
Tuy nhiên, chúng ta đã đấu tranh. VFF đề nghị bốc thăm công bằng chứ không nên xếp theo khu vực như vậy. AFC thấy đề xuất này là hợp lý và tổ chức bốc thăm. Kết quả là chúng ta gặp Lebanon và giành vé dự World Cup.
Việc gặp các cầu thủ Tây Á cũng tạo tâm lý thuận lợi cho Việt Nam vì chúng ta đã thi đấu tốt trước đối thủ này. Chúng ta vẫn chưa đá tốt, bị tâm lý đè nặng khi gặp những đội giàu kỹ thuật như Thái Lan, Iran.
Văn Hiếu (số 14), cầu thủ của Đà Nẵng, đã tỏa sáng rực rỡ ở World Cup 2021.
- Ở World Cup 2021, thành phần cầu thủ ở tuyển futsal Việt Nam đã đa dạng hơn. Theo ông, đây có phải là tín hiệu tích cực?
Năm 2016, nhiều cầu thủ dự World Cup 2016 đến từ Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc, chỉ có 2 cầu thủ ở CLB khác. Năm nay, cầu thủ Thái Sơn Nam vẫn chiếm nhiều nhưng Sahako, Đà Nẵng, Zetbit Sài Gòn cũng đóng góp. Điều đó chứng tỏ các CLB đã phát triển hơn. Chính những cầu thủ đó đã thể hiện tốt ở giải VĐQG. Rõ ràng, các CLB cũng quyết tâm đầu tư, cải thiện nhiều.
3-4 năm gần đây, khoảng cách giữa các đội top trên và dưới đã được thu hẹp nhiều. Trước đây, Thái Sơn Nam, đội mạnh nhất Việt Nam, có thể thắng dễ dàng các đội chiếu dưới nhưng giờ đây, họ thắng vất vả và thậm chí là mất điểm. Chất lượng của giải VĐQG trong những năm gần đây đã cải thiện với độ hấp dẫn tăng lên, trận đấu nào cũng căng thẳng, kịch tính. Đây là tín hiệu vui.
- So với các nền futsal mạnh khác ở châu Á như Iran, Nhật Bản, Thái Lan, giải VĐQG của chúng ta đang ở đâu, thưa ông?
Trình độ của tuyển futsal Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan nhiều bậc. Họ đã có giải chuyên nghiệp từ năm 2017, năm đầu tiên chúng ta có giải VĐQG. Vì vậy, giải đấu của họ cực kỳ chất lượng.
Nếu nhìn ra Nhật Bản, Iran hay châu Âu, chúng ta còn quá nghiệp dư. Để thay đổi chất lượng giải VĐQG, chúng ta cần đưa futsal vào quy chế chuyên nghiệp mới có thể nâng tầm. Hiện tại, futsal vẫn còn cơ chế ngoài chuyên nghiệp nên không thể thuê cầu thủ ngoại. Đây là yếu tố khiến chúng ta khó cải thiện chất lượng giải VĐQG.
VFF cũng có lý do để chưa chuyển futsal sang cơ chế chuyên nghiệp. Đó là vì rất ít CLB đạt được tiêu chuẩn chuyên nghiệp. Ngay cả nhiều CLB ở sân chơi 11 người còn chưa có điều này. Vì vậy, chặng đường chuyên nghiệp hóa giải futsal còn gian nan.
Không nhiều cầu thủ ở Việt Nam đạt đến đẳng cấp như Đức Hòa (số 6) để có thể ra nước ngoài chơi bóng.
- Nếu chưa thể đưa cầu thủ ngoại về Việt Nam để chúng ta cọ xát, vậy phương án đưa cầu thủ nội ra nước ngoài thì như thế nào?
Để được ra nước ngoài, họ cần nhận lời mời từ các CLB. Chúng ta có thể dùng mối quan hệ quốc tế để đưa cầu thủ đi "du học" nhưng lúc đó, họ sẽ không được thi đấu thực sự. Ngay cả việc sang Thái Lan thi đấu cũng là điều rất khó. Khi đã bỏ tiền, họ sẽ phải mời những cầu thủ ngoại có chất lượng tốt hơn cầu thủ trong nước. Nếu cầu thủ Việt Nam giỏi hơn Thái Lan, họ sẵn sàng mời.
Năm 2019, Phạm Đức Hòa, Trần Văn Vũ được CLB ở Tây Ban Nha mời. Chúng ta có Trần Thái Huy, Nguyễn Minh Trí được CLB ở Nhật Bản mời. Đấy là những lời mời thật sự. Nhưng cũng phải nói thêm về những trường hợp kể trên, đó là họ được các CLB hạng Nhì mời. Điều này khó xảy ra với những đội CLB ở đẳng cấp cao nhất.
Tuy nhiên, rất ít cầu thủ ở Việt Nam đủ đẳng cấp như vậy. Muốn cầu thủ được ra nước ngoài nhiều, chúng ta cần đào tạo trẻ tốt hơn. Hiện tại, mới chỉ có Thái Sơn Nam, Thái Sơn Bắc làm được điều đó. Nếu giải VĐQG tốt hơn, chúng ta có thể có nhiều cầu thủ ra nước ngoài hơn.
- Cám ơn ông về cuộc trò chuyện.