Phát biểu trong phiên họp của Nghị viện châu Âu tại Brussels, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen đánh giá, đại dịch Covid-19 là bước ngoặt lịch sử với châu Âu, và toàn bộ châu lục này đang phải chiến đấu cho sự sống còn của mình.
Trong hoàn cảnh đó, theo bà Ursula von der Leyen, các nước phải chấm dứt sự ích kỷ để đoàn kết chống đại dịch.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: Reuters)
“Toàn bộ lối sống của châu Âu đã thay đổi chỉ trong vài ngày. Các đường phố trống rỗng. Các cửa hàng đóng cửa và toàn bộ châu Âu đang phải chuyển từ các hoạt động thường nhật sang một cuộc chiến đấu cho sự sống còn của mình.
Ngay giữa trái tim châu Âu, chúng ta phải chứng kiến những bi kịch không bao giờ có thể tưởng tượng được chỉ cách đây vài tuần. Vì thế, tất cả các nước phải chia sẻ trách nhiệm, không một nước nào có thể tự mình đối phó với cuộc khủng hoảng này”, bà Ursula von der Leyen nói.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao EU lên tiếng chỉ trích sự thiếu đoàn kết của khối này từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Theo bà Ursula von der Leyen, việc nhiều nước vội vã đóng cửa biên giới và cấm xuất khẩu các mặt hàng y tế đã khiến cho các thành viên khác chịu nhiều tổn thương và cuộc chiến chống Covid-19 trở nên khó khăn.
Từ đầu tháng 3, ngay khi dịch Covid-19 có dấu hiệu vượt ngoài tầm kiểm soát, một loạt nước như Áo, Hungary, CH Czech đã đóng cửa biên giới, trong khi các nước Đức, Pháp cấm xuất khẩu đồ bảo hộ y tế.
Các hành động này khiến việc cứu trợ quốc gia chịu tổn thất nghiêm trọng nhất vì dịch là Italia gặp rất nhiều khó khăn.
Video: Nhân viên lò hỏa táng tại tâm dịch Covid-19 ở Italy
Đầu tuần này, Uỷ ban châu Âu đã phải triệu tập cuộc họp khẩn cấp yêu cầu các nước thiết lập “làn đường xanh” cho hàng hoá lưu thông qua biên giới.
Ưu tiên hiện nay của EU là sớm thống nhất để tung các gói cứu trợ kinh tế. Nghị viện châu Âu dự kiến ngay trong tuần này sẽ bỏ phiếu thông qua gói cứu trợ trị giá 37 tỷ Euro mà Uỷ ban châu Âu đã đệ trình tuần trước.
Tuy nhiên, bất đồng lớn nhất hiện nay liên quan đến ý tưởng phát hành trái phiếu chung của khu vực đồng tiền chung châu Âu – Eurozone để cứu trợ các nước bị đại dịch Covid-19 tàn phá.
Đây là ý tưởng của Thủ tướng Italia Giuseppe Conte, với tên gọi ban đầu là “trái phiếu corona” và đã được ít nhất 8 nước khác như Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha ủng hộ.
Nhưng, một số nước khác, đứng đầu là Đức, Hà Lan và Áo kiên quyết phản đối vì cho rằng việc này đồng nghĩa toàn bộ các thành viên của eurozone sẽ cùng gánh nợ chung.
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte cho biết, chính phủ của ông đã từ chối một dự thảo thay thế do Uỷ ban châu Âu đưa ra và tuyên bố Italia sẽ chờ đợi một thoả thuận khác tham vọng hơn trong vòng 10 ngày nếu không sẽ có các biện pháp khác.